Làm than gáo dừa không khói, cô gái Quảng Trị bỏ gia công xuất thô sang Hong Kong để xây thương hiệu Việt, quyết tâm xuất ngoại
Lê Hiền, chủ của dự án than không khói, đang bán sản phẩm cho rất nhiều nhà hàng nướng tại Việt Nam, trên Lazada, Alibaba. Hiền đã dừng bán sản phẩm gia công cho HongKong và quyết tâm đưa sản phẩm có thương hiệu Việt ra thế giới.
Từ những chiếc gáo dừa, thành sản phẩm than không khói, khắc phục nhược điểm độc hại và ô nhiễm của than củi
“Than không khói bắt nguồn từ một lần mình nghiên cứu cho một đối tác nước ngoài để khắc phục tình trạng khói ở than. Mình nghiên cứu và biết rằng khói bắt đầu từ nguyên liệu không được xử lý kỹ. Sau khi nghiên cứu thì mình thấy than không khói là sản phẩm tốt. Cả thị trường trong nước và ngoài nước đều cần. Ngoài ra, đó là năng lượng tái tạo bền vững vì mình sử dụng từ phế thải nông nghiệp như gáo dừa. Sắp tới mình sẽ nghiên cứu vỏ của các loại hạt để ứng dụng trong than này”, Lê Hiền, chủ dự án than không khói R2D chia sẻ. R2D vừa đoạt giải nhất Cuộc khi khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 do BSA tổ chức.
Sinh năm 1984, là một kỹ sư công nghệ thực phẩm, Hiền khởi nghiệp, từ cafe, tinh bột… nhưng thất bại. Vẫn những trăn trở về nguồn nông sản dồi dào, phụ phẩm bỏ đi, Hiền quyết định làm than không khói vì hiểu rõ nguyên nhân khói từ đâu và thực trạng của than đối với thực phẩm và môi trường.
Món nướng vốn được nhiều người ưa chuộng. Người thì nướng củi, người thì nướng bếp nhưng đều có những nhược điểm. Than củi gây ô nhiễm môi trường và bắn tro vào thức ăn, bắn tia lửa vào người sử dụng. Còn so với bếp nướng, thịt nướng lửa vẫn có mùi đặc trưng không thể thay thế.
“Khói và mùi do nguyên liệu. Nếu xử lý tốt nguyên liệu thì không có mùi và không có khói. Hiện tại ở Bến Tre, gáo dừa có sản lượng khoảng 9.000 tấn, chủ yếu làm thủ công mỹ nghệ. Nhiều nhất là dùng để đốt để làm than dừa xuất đi Trung Quốc với giá rẻ. Thay vì đốt chuyển hóa thành carbon thì đốt chưa hết và như vậy than sẽ có khói.”, Hiền nói về nguyên nhân gây khói ở than.
Bắt đầu mày mò nghiên cứu, Hiền đã mày mò ra thứ sản phẩm không khói, không mùi, không bắn tia lửa và không sử dụng bất kỳ loại keo kết dính nào.
Cô thu mua nguyên liệu từ các cửa hàng bán dừa nạo, kẹo dừa, dầu dừa tại TP HCM… để gia công than. “Gáo dừa phải già thì nhiệt năng mới cao và ít tro”, cô chia sẻ.
Thị trường rộng lớn
Qua nghiên cứu Hiền thấy chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, có tới 229 quán nướng lớn, mỗi ngày sử dụng hết 150 kg than. Bình quân một tháng hết khoảng 1030 tấn than. Còn các hộ gia đình tiêu thụ hết khoảng 100 tấn/tháng. Các sản phụ có thể dùng than không khói để sử dụng sau sinh, lượng này vào khoảng 80 tấn/tháng. Thị trường cả trong và ngoài nước đều lớn vì theo đúng xu thế thời đại, thân thiện môi trường.
Lê Hiền, chủ dự án than không khói R2D.
Nghĩ thế và Hiền có thêm động lực. Thời gian đầu cô một mình đảm nhiệm mọi việc. Giờ công ty đã có 4 nhân viên văn phòng và 4 công nhân. 3 đơn vị gia công sản xuất và 1 nhà máy ở Tây Ninh. Mỗi ngày R2D sản xuất được khoảng 2,5 tấn than.
Hiện công ty đang bán sản phẩm có rất nhiều quán đồ nướng tại TP HCM, các quán ăn BBQ, cửa hàng thực phẩm sạch Organica, Lazada, Alibaba…
“Sản lượng bán cho các chuỗi nhà hàng là lớn nhất. Ngoài ra, chúng tôi có khách hàng lẻ là các nhà phân phối, cửa hàng ga. Phân khúc thị trường của bếp ga và than khác nhau. Than không khói chỉ cạnh tranh với than củi mà thôi”, cô gái Quảng Trị cho hay.
Giá than củi ngoài thị trường vào khoảng 15.000 đồng/kg. Than không khói sử dụng tiết kiệm hơn than củi khoảng 20% mà giá bán khoảng 18.000 đồng/kg, lại thân thiện môi trường nên Hiền nghĩ, sản phẩm của R2D có thể cạnh tranh được.
Ngày xưa xuất khẩu thô cho HongKong, nay bán sản phẩm có thương hiệu Việt
Hiền đã ứng dụng thương mại điện tử bằng việc tiếp cận với Alibaba để tìm kiếm đối tác nước ngoài. “Chúng tôi đang đàm phán với một đối tác Mỹ để xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu R2D, sản phẩm Việt Nam, không xuất khẩu thô nữa”, Hiền vui vẻ cho biết.
Hiền cho rằng thương mại điện tử là bước đi chiến lược để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Trước tiên, chị nghiên cứu thị trường. Sau đó, chị nghĩ rằng bán trên Alibaba sẽ tiếp cận được cả những khách hàng nước ngoài.
“Tôi muốn xem yêu cầu của các sản phẩm ở Mỹ, châu Âu thì sẽ như thế nào và làm sản phẩm đủ tiêu chuẩn để có thể vào thị trường của họ. Sau đó, mình lấy luôn sản phẩm quốc tế như vậy để quay trở lại thị trường Việt Nam”, chủ dự án nói thêm.
Trí thức trẻ