Làm thế nào để nhận diện vùng đỉnh trong đầu tư chứng khoán?
Khi những thông tin tích cực được “bơm” ra liên tục cũng là lúc nhà đầu tư cần lưu ý về vùng đỉnh của thị trường. Lý do đơn giản bởi TTCK thường phản ánh trước những thông tin được đưa ra và khi những điều tích cực được công bố cũng là thời điểm tiến hành “chốt lời”.
- 09-07-2016Tuần 4-8/7: Dòng tiền nội đẩy VnIndex lên mức cao nhất trong vòng 8 năm
- 08-07-2016Tiền mạnh sẽ đẩy VnIndex lên 700 điểm?
- 07-07-2016Bị “lãng quên” suốt từ đầu năm, cổ phiếu bất động sản đang âm thầm dậy sóng
- 26-02-2016Phương pháp đầu tư này sẽ khiến bạn khó thất bại trên TTCK
Xác định đỉnh TTCK là điều hết sức quan trọng, giúp nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận, hạn chế thua lỗ trong quá trình đầu tư. Trên thực tế, việc xác định chính xác đỉnh thị trường là không hề dễ dàng và chúng ta thường chỉ nhận ra khi đã đi qua nó.
Tuy vậy, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ hoàn toàn có thể xác định được vùng đỉnh của thị trường và qua đó sẽ đưa ra những giải pháp giao dịch phù hợp.
Dưới đây là một vài chia sẻ về vùng đỉnh nhằm giúp nhà đầu tư có thêm những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tham gia đầu tư chứng khoán.
Cảm quan về vùng đỉnh: Tin tốt ngập tràn, nhà nhà tham gia đầu tư chứng khoán
Khi những thông tin tích cực được “bơm” ra liên tục cũng là lúc nhà đầu tư cần lưu ý về vùng đỉnh của thị trường. Lý do đơn giản bởi TTCK thường phản ánh trước những thông tin được đưa ra và khi những điều tích cực được công bố cũng là thời điểm tiến hành “chốt lời”.
Tại vùng đỉnh, đa số nhận định đều cho rằng thị trường sẽ còn lên những mốc cao hơn nữa. Tuy nhiên, những nhận định này đa phần xuất phát từ tâm lý lạc quan thái quá của nhà đầu tư và thị trường thực tế thường không tốt như suy nghĩ của họ. Do đó, khi những thông tin, nhận định tích cực liên tục xuất hiện cũng là lúc nhà đầu tư nên cẩn trọng với vùng đỉnh của thị trường.
Các cung bậc cảm xúc trong đầu tư chứng khoán
Một điều cũng có thể dễ dàng nhận thấy về vùng đỉnh của thị trường là sự xuất hiện của một lớp nhà đầu tư mới và đa phần là không chuyên.
Hầu hết là những nhà đầu tư này biết đến “sóng chứng khoán” khi các phương tiện thông tin nhắc đến quá nhiều. Tuy vậy, đây cũng là lúc con sóng đã chạy được một quãng khá dài và rủi ro đang dần tăng lên cho những người đến sau.
Còn nhớ, trong giai đoạn 2007; 2010 khi TTCK đang “dậy sóng” thì phong trào nhà nhà đầu tư chứng khoán cũng xuất hiện. Không ít nhà đầu tư khi đó là người nội trợ, người lớn tuổi về hưu… có rất ít kiến thức về tài chính chứng khoán. Thậm chí còn nhiều người khi đó còn bỏ nghề đang làm để chuyên tâm đầu tư chứng khoán. Kết cục, không ít nhà đầu tư đã nếm trái đắng do đầu tư theo phong trào.
Câu chuyện chứng khoán đi vào các…bữa tiệc
Tại vùng đỉnh thị trường, tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn bởi gần như mua gì cũng lãi. Trạng thái tài khoản nhà đầu tư lúc này thường ở mức “full margin” và mỗi khi sức mua mở ra, họ lại tận dụng mua thêm từng cổ phiếu một. Đây cũng là lý do khiến margin tại các CTCK luôn căng cứng mỗi khi thị trường gần tạo đỉnh.
Khi đó, không ít nhà đầu tư còn “ước mơ” thị trường giao dịch cả thứ 7, chủ nhật. Tình trạng hết giờ giao dịch vẫn ngồi ngắm bảng vì danh mục toàn “xanh tím” không phải hiếm gặp.
Câu chuyện về chứng khoán lúc này được nhắc đến mọi lúc, mọi nơi và những nhà đầu tư theo nhóm thường có xu hướng tổ chức tụ tập, liên hoan ăn mừng thị trường tăng điểm. Tất nhiên, câu chuyện chứng khoán sẽ là chủ đề xuyên suốt trong các buổi gặp mặt.
Thanh khoản tăng vọt, cổ phiếu không tăng: Cẩn thận với đỉnh thị trường
Sau quãng thời gian tăng nóng, bạn nhận ra thanh khoản thị trường trong vài ngày gần đây vẫn ở mức cao nhưng đà tăng của thị trường đã chững lại, cổ phiếu rất khó tăng điểm và giá đóng cửa không phải mức cao nhất trong phiên. Đây là dấu hiệu đáng lưu ý bởi khả năng rất cao thị trường đang thực sự ở vùng đỉnh.
Hiện tượng này có ý nghĩa rằng các nhà đầu tư lớn đang tiến hành bán ra cổ phiếu hay còn gọi là “phân phối” cho các nhà đầu tư đang hưng phấn. Quá trình này thường diễn ra trong vài phiên giao dịch trước khi tạo đỉnh thực sự.
Quá trình phân phối trước khi chính thức tạo đỉnh với thanh khoản cao nhưng cổ phiếu không tăng điểm
Một yếu tố nữa để xác nhận vùng đỉnh là sự suy yếu của các cổ phiếu dẫn đầu. Cụ thể, vào giai đoạn tạo đỉnh, các cổ phiếu dẫn dắt thị trường tăng điểm trong giai đoạn trước đó sẽ chịu áp lực bán mạnh và khó tăng điểm dù thanh khoản rất cao. Điều này cho thấy dòng tiền không còn đủ để đẩy cổ phiếu lên và các cổ phiếu đang chịu áp lực bán mạnh từ các nhà đầu tư nắm giữ.
Khi mà dòng tiền “đỡ” các cổ phiếu dẫn dắt không còn đủ thì các cổ phiếu dẫn dắt sẽ giảm rất mạnh, tác động tới toàn thị trường chung và đây cũng là lúc diễn ra sự sụp đổ. Điều này có thể nhận thấy trong giai đoạn cuối tháng 8/2014 khi các cổ phiếu dẫn dắt như GAS, PVD…chững lại thì thị trường chung cũng tạo đỉnh.
Phiên phân phối đỉnh, dấu hiệu xác nhận về một đợt sụt giảm kéo dài
Phiên phân phối đỉnh là lúc chính thức xác lập đỉnh thị trường. Đặc điểm của phiên giao dịch này là thanh khoản thị trường rất lớn, tăng vọt so với những phiên trước đó. Cổ phiếu được đẩy lên mạnh vào đầu phiên giao dịch nhưng mau chóng suy yếu và đảo chiều giảm điểm, thậm chí giảm sàn hàng loạt khi kết thúc phiên giao dịch. Biểu đồ kỹ thuật cho thấy chỉ số VnIndex sẽ có một cây nến đặc, rất dài và đóng cửa tại mức thấp nhất hoặc gần như mức thấp nhất trong phiên.
Phiên phân phối đỉnh, dấu kết cho một chu kỳ tăng điểm của thị trường
Sau phiên giao dịch này, thị trường sẽ bước vào một đợt điều chỉnh kéo dài và những phiên tăng điểm sau đó sẽ mang đến cơ hội thoát hàng cho nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu hơn là việc mạo hiểm mua vào bắt đáy.