MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Làm thế nào để thông minh hơn?" - Câu chuyện về 4 nhà sư và ngọn nến sẽ cho bạn câu trả lời

01-02-2018 - 05:59 AM | Sống

Ít nói chưa chắc đã thông minh nhưng thông minh thường ít nói.

*Muốn biết làm thế nào để trở nên thông minh hơn, hãy đọc câu chuyện dưới đây và suy ngẫm:

Làm thế nào để thông minh hơn? - Câu chuyện về 4 nhà sư và ngọn nến sẽ cho bạn câu trả lời - Ảnh 1.

Bốn nhà sư ngồi thiền với nhau một cách lặng lẽ, họ quyết định sẽ không mở lời trong vòng 2 tuần. Họ đốt một ngọn nến như một biểu tượng cho việc tu hành và bắt đầu. Vào đêm đầu tiên, ngọn nến chập chờn rồi phụt tắt.

Nhà sư đầu tiên: "Ôi không! Nến tắt rồi".

Nhà sư thứ hai: "Chúng ta không được phép trò chuyện!"

Nhà sư thứ ba: "Tại sao hai vị lại phá vỡ sự im lặng?"

Nhà sư thứ tư bật cười và nói: "Haha! Tôi là người duy nhất không mở miệng."

Một câu chuyện hết sức đơn giản, trong đó 95% nội dung hội thoại gói gọn trong 2 chủ đề:

1. Người nào đã mở miệng

2. Những thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bốn nhà sư

Nhà sư thứ nhất bị phân tâm bởi một biến cố bên ngoài (nến tắt) và cảm thấy mình buộc phải chỉ ra, trong khi chỉ việc lặng lẽ châm lại cây nến mà thôi.

Nhà sư thứ hai nhắc nhở mọi người về quy tắc đã bị phá vỡ, trong khi có thể tiếp tục giữ im lặng và thiền định.

Nhà sư thứ ba không thể kiềm chế và để cơn nóng giận bùng phát, trong khi có thể tiếp tục giữ bình tĩnh.

Nhà sư thứ tư đã bị cái tôi làm cho xao động, trong khi có thể ung dung tận hưởng sự chiến thắng trong yên lặng.

Điểm chung của cả bốn nhà sư chính là, họ chia sẻ suy nghĩ của bản thân mà không sàng lọc chúng. Không ai trong số họ bổ sung bất cứ điều gì để cải thiện tình hình. Nếu ở đó có nhà sư thứ năm khôn ngoan hơn chẳng hạn, anh ta sẽ giữ im lặng và tiếp tục thiền định.

Khi làm như vậy, mỗi người trong số bốn nhà sư kia sẽ tự nhận thấy thiếu sót của bản thân dù chưa lời nào phải thốt ra. Nói dài, nói dai dễ thành ra nói dại.

Bạn nói càng ít, bạn càng nghe được nhiều. Lắng nghe cũng chính là học tập.

Hơn nữa, khi không mở miệng nói chuyện, bạn có thời gian để quan sát, nhận định tình hình, đến khi phát hiện ra đúng thời điểm quan trọng cần phải cất lời. Chỉ nên nói gì đó khi lời nói của bạn đem lại ảnh hưởng tích cực, vì sự khôn ngoan được nuôi dưỡng trong im lặng.

Ít nói chưa chắc đã thông minh nhưng thông minh thường ít nói.

Dù câu chuyện này không thể giúp một kẻ khù khờ ngay lập tức trở nên thông minh xuất chúng, hy vọng bạn có thể học được điều gì đó có ích cho bản thân.

Theo Niklas Göke/Quora

Theo Long J

Trí thức trẻ

Trở lên trên