MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm theo quy hoạch, nông sản phải “giải cứu”, ai đền bù thiệt hại cho dân?

26-10-2017 - 13:41 PM | Thị trường

Đại biểu Quốc hội nêu bất cập: Dù đã có quy hoạch ngành nhưng nông dân vẫn phải chặt tiêu, chặt điều, cả nước vẫn phải “giải cứu” đàn lợn.

Đang quy hoạch kinh tế thị trường?

Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) đặt câu hỏi về lợi ích của người dân trước những quy hoạch ngành mà Nhà nước lập. Người dân chăn nuôi, trồng trọt theo quy hoạch của Nhà nước, nhưng tới khi bị thiệt hại thì ai sẽ là người đền bù cho dân?


ĐBQH Tạ Văn Hạ

ĐBQH Tạ Văn Hạ

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, Nhà nước không nên tham gia quy hoạch ngành bởi thực tế ngành nông nghiệp cho thấy mặc dù có quy hoạch rồi nhưng nông dân vẫn phải chặt tiêu, chặt điều, cả nước vẫn phải “giải cứu” đàn lợn... Như vậy, thiệt hại của nông dân ai chịu trách nhiệm, có được đền bù không vì người ta làm theo quy hoạch?, ông Hạ nêu câu hỏi.

Ngoài ra, vị ĐBQH đoàn Bạc Liêu cũng đề xuất, cần bổ sung quy định về phân loại quy hoạch để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu "nhạc trưởng", quy hoạch không thống nhất, dẫn đến tình trạng vừa làm đường xong lại đào lên làm đường nước, cáp điện lực... như đã diễn ra thời gian qua.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, giải cứu thịt lợn vừa qua là một bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch. Hiện nay đang có tình trạng Đồng Nai giải cứu cây chuối trong khi tại Bình Dương, nhiều nhà đầu tư lại muốn đổ vốn vào sản xuất loại sản phẩm này bằng ứng dụng công nghệ cao. “Như vậy yếu tố quy hoạch có hợp lý hay không?”, ông Hồng bày tỏ băn khoăn.


Nông dân xót xa nhìn chuối chín vàng rụng đầy gốc, không buồn thu hoạch vì giá chuối rẻ như bèo (Ảnh minh họa: KT)

Nông dân xót xa nhìn chuối chín vàng rụng đầy gốc, không buồn thu hoạch vì giá chuối rẻ như bèo (Ảnh minh họa: KT)

Quan ngại về “siêu Hội đồng”

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng lo ngại về vai trò "siêu Hội đồng thẩm định" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lập, thẩm định các quy hoạch. Theo ông Hồng, luật vẫn mang tính kế hoạch tập trung, đều do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổng quản.

Nêu quan điểm về “siêu Hội đồng” khi luật có hiệu lực, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) nhấn mạnh: Chỉ nên giao trọng trách này cho một cơ quan và thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Ông Sinh cũng hoài nghi về căn cứ pháp lý, khối lượng công việc và năng lực của "siêu Hội đồng" này khi luật có hiệu lực. Vì thế, đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cũng như Ủy ban thẩm tra thiết kế lại quy định về Hội đồng thẩm định quy hoạch.


ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh

Giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự luật chỉnh lý lần này đã bỏ quy hoạch sản phẩm như quy hoạch cá tra, nuôi lợn, gà... mà sẽ do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ làm dự báo, phân tích, tuyên truyền chứ không lập quy hoạch này.

Luật sẽ chỉ giữ lại quy hoạch sản phẩm liên quan tới kết cấu hạ tầng để đảm bảo “đi trước một bước” và sử dụng tài nguyên để tránh lãng phí, Bộ trưởng Dũng lưu ý.


Không còn quy hoạch sản phẩm như quy hoạch nuôi lợn, gà...

Không còn quy hoạch sản phẩm như quy hoạch nuôi lợn, gà...

Trước lo ngại của các đại biểu việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trao nhiều quyền "quản" khi vừa giữ vai trò lập, thẩm định quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải: đề xuất ban đầu Chính phủ lập, nhưng nếu quy hoạch nào cũng đưa lên Chính phủ thì rất nhiều nên uỷ quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định các quy hoạch./.

Dự thảo Luật quy hoạch gồm 6 Chương, 72 Điều và 2 phụ lục, dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23/20- 25/11. Nếu được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Để phù hợp với Luật quy hoạch, dự kiến có gần 30 luật khác sẽ được sửa đổi, bổ sung trong một luật mới./.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên