Lạm thu tại Thanh Hóa: Thu theo kiểu áp đặt
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn nhìn nhận cán bộ triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa tốt dẫn đến người dân phản ứng về các khoản phí và đóng góp cho địa phương.
- 13-08-2016Vụ "sinh ra là phải đóng quỹ thôn" ở Thanh Hóa: Dừng các khoản thu không hợp lý
- 22-07-2016Lạm thu tràn lan, "cường hào" mới ở nông thôn đang xuất hiện?
- 05-09-2015Kỷ luật nhiều tổ chức, cá nhân trong vụ lạm thu ở Hà Tĩnh
“Do thực hiện chưa tốt công tác dân chủ tại cơ sở nên trong tổ chức thực hiện có nhiều vướng mắc” - ông Lê Xuân Thảo, chủ tịch UBND xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, cũng rút ra điều này sau khi nhiều người dân trong xã bức xúc về các khoản thu nặng nề, kéo dài, không minh bạch.
Thu mang tính áp đặt
Giữa tháng 9-2016, bà Thìn đã về xã Hà Vinh trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân về tình hình thu các khoản phí, các khoản đóng góp của địa phương.
Tại đây, người dân đã nêu lên những bức xúc về một số khoản thu của xã, thôn, đặc biệt là tại thôn 11 và cách thức xã tổ chức thu hồi nợ các khoản đóng góp.
Các ý kiến cũng cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do thiếu dân chủ trong việc huy động các khoản thu trong dân, các bước triển khai thực hiện chưa đúng quy trình, chưa công khai, minh bạch; một số cán bộ thôn triển khai tinh thần chỉ đạo của xã về thu đóng góp, thu nợ chưa đúng, mang tính áp đặt, vô cảm, gây bức xúc trong nhân dân.
“Ở thôn 11, tỉ lệ người dân đi họp không được cao. Những hộ phản đối nhiều nhất thường là những hộ ít đi họp nên không nắm được thông tin. Cách thức triển khai của anh trưởng thôn còn nhiều vấn đề bà con chưa đồng tình.
Còn tất cả những thôn khác đã làm đường bêtông và các công trình khác cũng do người dân đóng góp nhưng người dân vẫn rất ủng hộ. Thôn nào làm khách quan minh bạch thì ở đó ổn định không có vấn đề gì” - chủ tịch UBND xã Hà Vinh lý giải.
Ông cũng nhận trách nhiệm “là người quản lý nhưng thiếu sâu sát”.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Hà Vinh công khai, minh bạch tại trụ sở UBND xã, các nhà văn hóa thôn về các khoản đóng góp theo quy định, đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các khoản đóng góp tự nguyện, để mọi người dân được biết, được bàn, được kiểm tra.
Dân không được thông báo cụ thể
Thực tế ở nhiều xã, người dân không được thông báo về các khoản thu chi. Thậm chí, ở xã Thiệu Công (huyện Thiệu Hóa), xã - thôn không ban hành thông báo thu tới từng hộ dân.
Thay vào đó, chỉ có một danh sách chung ở ngoài thôn. Hộ nào đóng khoản gì thì được ghi biên lai nhận tiền và phiếu thu bản sao. Biên lai và phiếu thu này chỉ ghi số tiền nộp, không ghi rõ cách tính như thế nào.
Vì vậy khi được hỏi, hầu hết người dân dù giữ gìn phiếu thu rất đầy đủ cũng không nhớ được là mình phải đóng tổng cộng bao nhiêu khoản, khoản nào của thôn, của xã hay của hợp tác xã. Hoặc nhớ được khoản thu nhưng không hiểu là được tính theo đầu sào hay theo khẩu như thế nào.
Trong thông báo thu của UBND xã Thiệu Công vụ chiêm 2016, có một khoản đáng lưu ý là “thu nợ vốn đối ứng xây dựng giao thông nội đồng, thu đến 2015” với mức 20kg/sào/năm.
Khoản này được ông Trịnh Duy Sở, chủ tịch UBND xã, giải thích là thu theo nghị quyết của HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2015. Thời kỳ đó, có gói kích cầu xây dựng đường giao thông, tỉnh hỗ trợ 170 triệu đồng/km, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng/km.
“Chớp thời cơ đó, HĐND xã ra nghị quyết rồi mới họp dân, quyết định mức thu này trong vòng 5 năm. Nếu không có số hỗ trợ này thì dân sẽ phải đóng góp nhiều, chẳng biết đến khi nào mới làm được như hôm nay” - ông Sở nói.
Đến nay, thời gian thu theo nghị quyết đã hết mà công trình làm đường này vẫn còn nợ gần 800 triệu đồng.
Ông Trịnh Duy Sở còn cho biết thêm Nhà văn hóa thôn Oanh Kiều 1 xây dựng năm 2012, được huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, xã hỗ trợ 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi thì nhiều người dân không hề biết mình được hỗ trợ khoản này.
Vận động khéo để người dân đồng thuận
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn cho rằng nếu đã trót thu sai đối tượng thì phải họp dân lại xin lỗi và nếu như người dân vẫn đồng tình đóng góp thì thôi, nếu không đồng tình thì phải cân đối nguồn để trả lại.
“Thực tế ở Thanh Hóa, khi xây dựng các công trình công cộng, đường sá nông thôn mới, nhiều người dân đã hiến đất và tự nguyện đóng góp rất lớn. Tôi cho rằng quan trọng nhất là khơi gọi được trong người dân tinh thần vì cái chung, vì tương lai của chính mình và con cháu mình.
Ở thôn 11, xã Hà Vinh, tôi thấy trưởng thôn ở đó bị dân phản ứng rất nhiều. Có lẽ cán bộ này không có phương pháp, truyền đạt không kỹ, cách làm chưa minh bạch nên dân chưa đồng tình” - bà Thìn nói.
Phải đóng 500.000 đồng/hộ mới được nhận bò giống miễn phí
Ngày 10-10, ông Nguyễn Xuân Hòa, chánh văn phòng UBND huyện Quỳ Châu, Nghệ An, cho biết đã có văn bản phê bình UBND xã Diên Lãm liên quan đến việc báo chí phản ánh trưởng bản Xốp Hốc Vi Văn Khánh thu tiền trái quy định từ dự án hỗ trợ bò giống miễn phí giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 của Chính phủ.
Trước đó ngày 22-8, UBND xã Diên Lãm đã phân chia bò giống cho người dân trong xã theo danh sách được lập từ dự án hỗ trợ bò giống miễn phí, thuộc chương trình 135.
Tuy nhiên, khi nhận bò giống thì người dân phải đóng 500.000 đồng cho trưởng bản Xốp Hốc mà không có bất kỳ giấy tờ, biên lai nào. Trả lời vấn đề này, ông Vi Văn Khánh cho rằng lý do thu tiền là để “cảm ơn” và chi phí ăn uống, đi lại cho lãnh đạo.
DOÃN HÒA
“Vận động bà con đi làm để khỏi đóng góp nhiều”
Ông Vũ Đình Thanh (58 tuổi, thôn trưởng thôn Thắng Long, xã Trung Chính, huyện Nông Cống) cho biết theo chủ trương chung về xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm từ năm 2013-2015, dân trong thôn đóng 30kg lúa/sào/năm để xây dựng đường bêtông nội đồng, nhà văn hóa.
"Thay vì thuê nhân công làm, tôi huy động ngày công theo đầu sào, thường cứ 1 sào thì phải làm 3m mương. Nhà nào nhiều ruộng lắm cũng phải làm chưa tới 50m. Chỉ mất 3 ngày vận động, đôn đốc cho người dân làm là xong hết” - ông Thanh kể.
Khi xây dựng nông thôn mới, thôn Thắng Long được hỗ trợ 300 triệu đồng. Ông họp dân, quyết định làm 2 mương bêtông và một cây cầu nhỏ ngoài đê. Nhờ thế dân lại bớt được một phần đóng góp.
Tường nhà văn hóa làm hết hơn 20 triệu, đường ra nghĩa trang làm hết chừng 25 triệu, đều là tiền ông Thanh đi xin được.
“Tôi đến các nhà trong thôn có người đi xa làm ăn thành đạt, xin số điện thoại, địa chỉ rồi gửi thư đến tận nơi kêu gọi đóng góp ủng hộ cho làng”.
Tuổi trẻ