MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm tổng thống, bà Clinton sẽ "hiếu chiến" hơn ông Obama?

07-08-2016 - 15:03 PM | Tài chính quốc tế

Lập trường của họ về sức mạnh quân sự phản ánh những quan điểm khác nhau đối với vai trò của Mỹ trên thế giới.

Tờ Thời báo Tài chính mới đây đã đăng bài viết của nhà bình luận hàng đầu về các vấn đề đối ngoại Gideon Rachman nhận định về những khác biệt trong chính sách đối ngoại của bà Clinton và ông Obama.

Theo đó, khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng, một phương pháp tiếp cận đặc biệt của Mỹ đối với thế giới sẽ ra đi cùng với ông. Nếu người kế nhiệm của ông Obama là tỷ phú Donald Trump, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ rất lớn. Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa này đã thừa nhận rằng ông ta sẽ theo đuổi tất cả các phương thức chính sách cực đoan – từ việc cấm tạm thời những người Hồi giáo vào Mỹ tới xây dựng bức tường chống nhập cư quy mô lớn dọc biên giới Mỹ-Mexico.

Tuy nhiên, trong trưởng hợp bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, chính sách đối ngoại của Washington cũng sẽ có những điều chỉnh lớn so với thời ông Obama. Landler, phóng viên chuyên về Nhà Trắng của tờ New York Times, cho rằng "bà Clinton và ông Obama đã thể hiện quan điểm khác nhau về vai trò của Mỹ trên thế giới; quan điểm của ông Obama là kiềm chế, còn của bà Clinton là không thỏa hiệp".

Sự chia rẽ này, như Landler miêu tả, phần lớn là sự bất đồng về việc sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ. Là Tổng thống, ông Obama đã thường xuyên trì hoãn với đề xuất sử dụng sức mạnh quân sự Mỹ. Ngược lại, bà Clinton cho rằng "việc sử dụng sức mạnh quân sự có tính toán là quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia".

Sự khác biệt trong cách tiếp cận này được thể hiện trong suốt những năm ông Obama cầm quyền. Trong năm 2012, bà Clinton, khi đó là Ngoại trưởng Mỹ, ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria ôn hòa, trong khi Tổng thống Obama đã hoài nghi kế hoạch này. Vào thời điểm nổi tiếng khi ông Obama không thực thi "đường giới hạn đỏ" của mình sau khi Mỹ cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học vào năm 2013, bà Clinton đã rời vị trí ngoại trưởng, nhưng bà Clinton ủng hộ các phi vụ ném bom mà ông Obama cuối cùng đã từ chối. Và trong năm 2015, sau khi Nga can thiệp quân sự tại Syria, bà Clinton đã lên tiếng ủng hộ Mỹ thiết lập "vùng cấm bay" - một động thái mà ông Obama cũng đã từ chối chấp thuận.

Theo quan điểm của Landler, vấn đề Syria đánh dấu sự khác biệt rõ ràng giữa các cách tiếp cận của ông Obama và bà Clinton với thế giới - nhưng đó không phải là một ví dụ duy nhất. Bà Clinton là một người có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ can thiệp quân sự tại Libya vào năm 2011 so với ông Obama. Và bà cũng chủ trương cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine, để hỗ trợ trong cuộc đối đầu với Nga - một ý tưởng mà ông Obama đã từ chối.

Sự liên quan của tất cả điều này là rõ ràng. Một tổng thống Clinton sẽ đánh dấu một sự thay đổi chính sách đối ngoại hiếu chiến và quân sự hóa hơn của Mỹ.

Đảng Cộng hòa và nhóm vận động chiến dịch tranh cử của ông Trump chắc chắn muốn lập luận rằng bà Clinton và ông Obama có cùng quan điểm về chính sách đối ngoại - và rằng quan điểm đó của họ bị coi là “yếu đuối”. Đặc biệt, họ đã tìm cách đổ lỗi cho bà Clinton không bảo vệ lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi từ một cuộc tấn công chết người năm 2012.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Trump của Đảng Cộng hòa. Ảnh: AP

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Trump của Đảng Cộng hòa. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ở những thời điểm quan trọng trong các vấn đề thế giới, sự khác biệt mang tính bản năng giữa ông Obama và bà Clinton có thể có tầm quan trọng rất lớn. Ví dụ, chúng có thể báo hiệu sự khác biệt giữa hành động quân sự trực tiếp của Mỹ tại Syria và không can thiệp.

Liệu những cách tiếp cận trên của ông Obama có nhận được sự ủng hộ? Nhiều người trong số các nhà chỉ trích ông Obama, cả ở trong nước và nước ngoài, cho rằng sự thận trọng của ông trong việc sử dụng sức mạnh Mỹ đã góp phần làm xói mòn trật tự quốc tế từ Trung Đông đến Ukraine hay ở Biển Đông.

Nhưng ông Obama đã có một câu nói khá nổi tiếng. Trong một lần phát biểu với báo giới trên chiếc Không lực 1 khi công du nước ngoài, ông Obama nêu rõ: "Tôi có thể tóm tắt chính sách đối ngoại của tôi trong một cụm từ: Đừng làm điều gì ngu ngốc". Đối với ông Obama, ví dụ điển hình của việc không làm "điều gì ngu ngốc" mà ông đã tìm cách tránh là sự can thiệp của liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq năm 2003. Hành động quân sự ở Syria, theo đuổi mà không đạt được mục tiêu cụ thể và rõ ràng, có lẽ cũng phù hợp với quan điểm của ông.

Mặc dù vậy, có một cơ hội mạnh mẽ rằng sự kết thúc kỷ nguyên Obama có thể chứng kiến một chính quyền Hillary Clinton một lần nữa bị cám dỗ bởi kiểu chính sách diều hâu mà ông Obama đã bác bỏ như "sự ngu ngốc”. Đối với ông Donald Trump - ông ta có thể đưa ra những “hành động ngu ngốc” mà những vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm chỉ có thể tưởng tượng.

Theo Công Thuận

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên