MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm trong sạch Đảng, củng cố lòng tin của dân

16-05-2024 - 09:57 AM | Xã hội

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, việc xử lý một số cán bộ, đảng viên vi phạm thời gian qua được tiến hành nhanh gọn, quyết liệt hơn. “Chúng ta đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là làm trong sạch đội ngũ của Đảng, loại bỏ được những tiêu cực, giúp Đảng vững mạnh hơn, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng", ông Dĩnh nói.

Hướng đến hình thành văn hóa từ chức

Gần 3,5 năm sau Đại hội XIII của Đảng, đến nay đã có nhiều ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị thôi chức, nghỉ công tác, thậm chí có nhiều trường hợp bị kỷ luật cách chức, bị xử lý hình sự. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này? Dường như việc kỷ luật cán bộ hiện nay, kể cả đó là cán bộ cấp cao cũng đã trở thành chuyện bình thường?

Làm trong sạch Đảng, củng cố lòng tin của dân- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

Gần đây, Đảng đã đề ra nhiều quy định, đặt ra những cơ chế, thiết chế để kiểm soát quyền lực; thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Cán bộ, đảng viên vi phạm chủ động xin thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác nếu không sẽ bị thực hiện quy trình bãi nhiệm, hướng đến hình thành văn hoá từ chức. Cán bộ vi phạm từ nhiệm rồi, nhưng nếu vi phạm ở mức nghiêm trọng có thể bị xem xét xử lý hình sự. Nhiều trường hợp đã bị xử lý như vậy. Điều đó chứng tỏ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đang rất quyết liệt, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng.

“Chúng ta đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, loại bỏ được những tiêu cực, giúp Đảng vững mạnh hơn, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng. Song song đó, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng Đảng ở công tác cán bộ, thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các lớp cán bộ, thực hiện quy hoạch cán bộ nguồn…”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Đúng là cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng trong công tác cán bộ, vì vừa qua có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, nhưng tôi nghĩ rằng đó là việc bình thường. Có trường hợp bị xử lý vì những vi phạm mới diễn ra, cũng có những trường hợp bị xử lý bởi những vi phạm trong quá khứ. Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nếu phát hiện ra những vi phạm, kể cả trước đây cũng sẽ bị xử lý. Ngày xưa chúng ta có thời hiệu xử lý các hành vi vi phạm, nhưng hiện nay không quy định thời hiệu nữa.

Bộ Chính trị cũng vừa ban hành quy định giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu giới thiệu bổ nhiệm cấp phó…, trong đó nhấn mạnh, nếu làm không đúng, kể cả khi về hưu, chuyển công tác cũng sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm. Như trường hợp ông Lê  Thanh Hải vừa bị xử lý vi phạm từ thời kỳ còn giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM, rất lâu rồi. Ví dụ thế để thấy, nếu vi phạm nghiêm trọng, thì xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có thời hiệu.

Làm trong sạch Đảng, củng cố lòng tin của dân- Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An

Trước đây, để kỷ luật cán bộ cấp Trung ương quản lý không phải là chuyện đơn giản. Vì sao giờ đây, dường như mọi thứ đã trở thành bình thường và nhanh gọn hơn, theo ông?

Thực ra, việc xử lý cán bộ vi phạm vẫn thực hiện theo đúng quy trình, quy định, nhưng chúng ta đã làm quyết liệt hơn, nhanh gọn hơn. Ví dụ, có thể tổ chức Hội nghị Trung ương bất thường, Kỳ họp Quốc hội bất thường để xử lý kịp thời. Trước đây, có khi chúng ta phải chờ đến khi tổ chức kỳ họp theo thông lệ, sẽ rất lâu. Các kỳ họp, hội nghị bất thường thể hiện sự đồng hành với Chính phủ, với nhân dân, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng pháp luật, sát với thực tiễn cuộc sống. Nếu cứ chờ các kỳ họp, hội nghị thường kỳ, sẽ có độ trễ trong chính sách, độ trễ công tác nhân sự. Nghe tên các hội nghị, kỳ họp là bất thường, nhưng thực ra rất bình thường.

Không dám làm thì đứng sang một bên

Có một số ý kiến từng lo ngại, xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm sẽ tạo lỗ hổng trong công tác cán bộ, gây tâm lý e ngại, không dám làm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ông nghĩ sao về vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh đâu đó vẫn còn một bộ phận cán bộ sợ sai, không dám quyết, dám làm?

Đúng là có luồng suy nghĩ về việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm mất nhiều cán bộ, gây tâm lý cho một bộ phận cán bộ, dẫn đến không dám làm, đùn đẩy công việc, sợ sai. Nhưng thực tế vừa qua cho thấy, cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật đều có người thay thế. Như Tổng  Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm.

Làm trong sạch Đảng, củng cố lòng tin của dân- Ảnh 3.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc có liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An. Ảnh: PV

Tôi cho rằng, không lo không có cán bộ làm, bởi thực tế thời gian qua chúng ta liên tiếp bổ sung, hoàn thiện bộ máy. Những người sợ sệt, không dám làm nhất định phải đứng sang một bên. Chúng ta đều thấy, cùng với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vẫn diễn ra bình thường, không có gì xáo động. Nhân dân vẫn tin tưởng, ủng hộ, công việc chung vẫn “chạy”, đất nước vẫn vượt qua những khó khăn, thách thức để tăng trưởng. Đấy là những tiêu chí để chúng ta nhìn nhận.

Đảng ta thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Cá nhân phụ trách bị xử lý thì tập thể vẫn lãnh đạo. Đường lối, chủ trương, quyết sách vẫn không thay đổi, vẫn theo mạch đó đi lên. Có người bảo rằng, chống tham nhũng, tiêu cực tạo ra bất ổn, nhưng bất ổn ở đâu khi kinh tế - xã hội vẫn phát triển, quốc phòng, an ninh vẫn được giữ vững…

Tôi nghĩ rằng, việc thực hiện quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, “tắm từ đầu đến chân”, sẽ là những bài học cảnh tỉnh cho đội ngũ cán bộ. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách để ngày càng nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, đảng viên, để họ yên tâm cống hiến, toàn tâm, toàn ý công tác, phục vụ nhân dân.

Cảm ơn ông.

Theo Trường Phong

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên