MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm việc cật lực để theo đuổi thành công, hy vọng sẽ hạnh phúc nhưng cuối cùng bạn nhận ra, mình đã bỏ lỡ cả cuộc đời

10-08-2018 - 00:00 AM | Sống

Hầu hết chúng ra đang nỗ lực, vắt kiệt sức để lao động, hy vọng rằng khi thành công thì hạnh phúc sẽ đến. Nhưng khoa học lại nói điều ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc và bỏ lỡ cả thành công vì điều đó.

Không vấp ngã, không thành công.

Ngày nay chịu cực, ngày sau thành tài.

Có thể là nói hơi quá nhưng những câu châm ngôn này đã ảnh hưởng đến rất nhiều người khi nghĩ tới việc đạt được thành công trong công việc và cuộc sống. Lí do đơn giản cho điều này là hầu hết những việc đáng làm ít nhất đều có một điểm khó và cần sự hi sinh. Những việc này đều tốn nhiều thời gian, trí lực và mồ hôi công sức.

Nhưng câu chuyện còn dài hơn thế. Theo như nhiều nghiên cứu phát triển con người, một số niềm tin cố hữu của chúng ta về việc làm thế nào để thành công trong công việc và cuộc sống thực sự đều đã tụt hậu. Khi bạn mong đợi rằng hạnh phúc sẽ đến sau khi mình thành công thì khoa học lại nói rằng chúng ta đang cố đuổi theo cái đuôi của mình và bỏ lỡ thành công cũng vì điều đó.

Một thống kê về số người kiệt sức cũng đã chỉ ra điều này. Tỉ lệ bị kiệt sức trong công việc đã lên tới 50%, có nghĩa là khoảng 2 người thì sẽ có 1 người bị mệt mỏi, hay quên và cả lơ đãng. Đương nhiên khi chúng ta cảm thấy kiệt sức, chúng ta sẽ không thể bộc lộ hết khả năng của mình. Nhưng không chỉ có vậy, khoảng 18% người Mỹ trải qua triệu chứng lo lắng cực độ, tỉ lệ trầm cảm và cảm giác cô đơn luôn nằm ở mức cao.

Thật may mắn, có những thói quen đã được khoa học ủng hộ có thể thực hiện trong ngày để giảm áp lực và tăng sự bình tĩnh – và từ đó giúp chúng ta đạt được thành công lớn hơn trong công việc.

Bác sĩ Emma Seppala, giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục về Lòng Từ bi và Vị tha thuộc Đại học Stanford, giám đốc của Dự án Trí tuệ cảm xúc Đại học Yale đã chia sẻ sâu về những điều trên và lí do tại sao niềm vui, chứ không phải sự chịu đựng, lại là chìa khóa của thành công trong cuốn sách “The Happiness Track” (Đường mòn hạnh phúc) của bà.

Không phải tất cả niềm vui đều được tạo ra giống nhau

Làm việc cật lực để theo đuổi thành công, hy vọng sẽ hạnh phúc nhưng cuối cùng bạn nhận ra, mình đã bỏ lỡ cả cuộc đời - Ảnh 1.

Có hai kiểu hạnh phúc khác nhau: “hedonistic” (sự khoái lạc) và “eudaimonic”. Thực tế, niềm hạnh phúc khoái lạc thường rất ngắn ngủi và chỉ có tự mình tạo ra. Seppala giải thích: “Theo đuổi niềm hạnh phúc khoái lạc một mình là một cái bẫy, một sự theo đuổi ngu ngốc không bao giờ ngưng”. 

Mặt khác, hạnh phúc eudaimonic lại là nhìn ra ngoài bản thân, kết nối cùng người khác và làm lợi cho người khác. Bà gợi ý rằng: “Điều này có thể hiểu là bắt đầu mỗi ngày với ý nghĩ nâng mọi người xung quanh lên, làm những việc tử tế hoặc hòa mình vào một công việc xã hội. Hãy sử dụng những kĩ năng đặc biệt của bản thân để giúp đỡ mọi người”. 

Việc kết nối và giúp đỡ người khác không chỉ làm tăng mức độ hoàn thành công việc mà nó còn cải thiện sức khỏe, làm giảm sự kích động của cơ thể và tăng tuổi thọ, có lợi đủ đường.

Vì sao niềm vui lại là điềm báo của sự thành công?

Làm việc cật lực để theo đuổi thành công, hy vọng sẽ hạnh phúc nhưng cuối cùng bạn nhận ra, mình đã bỏ lỡ cả cuộc đời - Ảnh 2.

Trong cuốn “Đường mòn hạnh phúc”, Seppala đã giải thích một triết lý sâu sắc: "Nghiên cứu trong nhiều thế kỷ đã chỉ ra rằng hạnh phúc không phải kết quả của thành công, mà là điềm báo của thành công".

Nghiên cứu từ đại học North Carolina và các viện nghiên cứu khác cho thấy cảm giác hạnh phúc giúp cải thiện khả năng nhận biết, sức mạnh tâm lý, mối quan hệ xã hội và thể chất, tất cả đều biến thành sự hiệu quả rõ rệt trong công việc.

Khi chúng ta cảm thấy vui vẻ, chúng ta suy nghĩ sáng suốt hơn, giải quyết vấn đề sáng tạo hơn, làm việc năng suất hơn, xây dựng được các mối quan hệ có lợi và giúp tăng hiệu quả làm việc của cả đồng nghiệp. Khi chúng ta bình tĩnh lại thay vì áp lực và lo lắng, chúng ta cũng đưa ra được các quyết định sáng suốt hơn, ít sai sót hơn.

Nên thay vì nghĩ rằng hạnh phúc là điều mà chúng ta cố gắng để đạt được, chúng ta cần ưu tiên nó ngay từ bây giờ. Hạnh phúc và thành công không chỉ cùng tồn tại, mà hạnh phúc còn ươm mầm cho thành công.

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể gặt hái được thành quả lâu dài đó? 

Seppala đã đưa ra 5 cách đã được khoa học ủng hộ giúp làm tăng mức độ hạnh phúc:

Thiền

Làm việc cật lực để theo đuổi thành công, hy vọng sẽ hạnh phúc nhưng cuối cùng bạn nhận ra, mình đã bỏ lỡ cả cuộc đời - Ảnh 3.

Bất kể kiểu thiền nào cũng có cả lợi ích tức thì và lợi ích lâu dài. Nó giúp thư giãn và suy nghĩ sáng suốt hơn, giúp bảo toàn năng lượng và làm tăng ý thức cũng như sự tập trung.

Học cách biết ơn

Bạn có biết rằng những điều tích cực xảy ra mỗi ngày nhiều gấp 3 lần những điều tiêu cực nhưng chúng ta lại cứ tập trung vào những điều không hay đó? Sự biết ơn sẽ giúp chúng ta nhận ra nhiều điều tốt đẹp hơn. Cố gắng viết ra 3 việc mà bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày, bất kể là việc lớn hay nhỏ.

Dành thời gian tận hưởng thiên nhiên

“Thiên nhiên có ảnh hưởng sâu sắc tới hành động tử tế của con người cũng như khả năng suy nghĩ tốt đẹp.” – Seppala chia sẻ. Bạn nên thử đi bộ đường dài, đi dạo hoặc ra công viên.

Tự tạo cho mình sự tự giác

Làm việc cật lực để theo đuổi thành công, hy vọng sẽ hạnh phúc nhưng cuối cùng bạn nhận ra, mình đã bỏ lỡ cả cuộc đời - Ảnh 4.

Tin nhắn quảng cáo gửi tới chúng ta cả ngày qua các phương tiện xã hội. Những lời nhắc về những gì chúng ta chưa có dễ khiến chúng ta cảm thấy thiếu thốn, tạo ra tâm lý khó chịu. Seppala nhắc nhở chúng ta hãy giữ cho mình tính tự giác, điều này có thể đạt được bằng việc thiền và luyện tập sự biết ơn – trân trọng những gì đang có.

Tập thở 

Một trong những thứ hữu hiệu nhất để giảm stress và tăng hạnh phúc là hơi thở của chúng ta. Hơi thở nông từ ngực có thể tạo nên stress, trong khi hơi thở sâu từ bụng sẽ tăng thư giãn. Để học cách sử dụng hơi thở giúp bình tĩnh, Seppala gợi ý rằng hãy dành vài phút mỗi ngày chỉ tập trung vào hơi thở. Qua thời gian, bạn sẽ cảm nhận được từng hơi thở của mình và nhắc nhở bản thân thở thật sâu.

Vậy lời khuyên số 1 của Seppala là gì? Đó là hãy dành thời gian nghỉ ngơi, gác công việc lại. Việc này đơn giản nhưng không hề dễ dàng.

Hà Lê

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên