Làm việc liên tục 40 tiếng, một dựng phim trẻ 31 tuổi đột tử: Không có ai làm việc để chết cả!
Chúng ta chỉ có một đời để sống nhưng không có nghĩa là phải trả một cái giá quá đắt đến như vậy.
Làm việc "thừa sống thiếu chết" đang là chủ đề bình luận sôi nổi trên MXH. Khoảng 7 giờ trước, một tài khoản Facebook có tên T.T.H.Y đã đăng tải một câu chuyện bi thương về người đồng nghiệp của cô là anh D qua đời do làm việc vất vả dẫn tới đột quỵ. Được biết, anh D mới 31 tuổi, hiện đảm nhiệm chức vụ quay dựng cho rất nhiều những công ty/dự án lớn.
Câu chuyện của anh D. ngay lập tức đã thu hút được nhiều sự chia sẻ và đồng cảm của cộng đồng mạng, đặc biệt là những bạn trẻ đang ngày ngày nỗ lực làm việc để biến giấc mơ thành sự thật. Cái giá của thành công phải trả bằng sinh mạng con người thì thật quá đắt đỏ đến gai người!
Cụ thể chia sẻ của chị T.T.H.Y:
"Ngày hôm qua, D. - một đồng nghiệp của chúng tôi qua đời vì làm việc chăm chỉ và cật lực. Em đã ra đi như một số đồng nghiệp khác mấy năm gần đây. Đột ngột. Quá sức. Không điều độ.
Chúng tôi đã lựa chọn một công việc thực sự vất vả dù không ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Dự án gần đây của tôi là làm việc trên hiện trường 40 tiếng liên tục. Tới những tiếng cuối cùng, cơ thể nghĩ gì, làm gì cũng chậm chậm. Chúng tôi đùa nhau: não chết mẹ nó rồi, chẳng nghĩ gì được cả, chẳng điều khiển nổi tay chân nữa. Sau ngày quay đó, chúng tôi có tiếp tục công việc này hay không? Có.
Bởi đấy là nghề của chúng tôi, nghiệp của chúng tôi. Công việc tạo nên những sản phẩm đôi khi rất đáng tự hào. Không phải chỉ tự hào vì nó đẹp, nó thú vị, nó hay ho, nó độc nhất mà còn vì nó là thành quả của rất nhiều con người cùng cố gắng, thậm chí là sát cánh chiến đấu cùng nhau. Tôi thường nói với sinh viên của mình: khi tôi làm nghề, tôi đã hiểu được một phần của nghĩa đồng đội vào sinh ra tử.
Cũng ngày hôm qua, tôi nghĩ, chính tôi và những người sản xuất như tôi đã để em vào cái thế làm việc cật lực đó. Gần thời điểm em qua đời chúng tôi đang làm một dự án. Yêu cầu được đặt ra: tối thứ 4 có clip, sau đó cãi nhau ì xèo thì khách hàng đồng ý là sáng thứ 5 hoàn thành, trong khi thời gian ekip cần là tới hết ngày thứ 6.
Thử hỏi tối thứ 4 và sáng thứ 5 thì cách nhau cái gì? Cách nhau cái giá của việc cả một team không ngủ.
Rồi thứ 5 và thứ 6 thì cách nhau cái gì? Cách nhau sự bất lực.
Tôi chứ còn ai, đã để đồng nghiệp của mình ở những tình huống như vậy.
D. ạ, chị có chiến đấu cho mọi người đấy. Nhưng đa phần chị đều thua cả. Thua vì không đủ tiền, thua vì gặp một đối thủ thiếu thấu hiểu, ngông cuồng thể hiện uy quyền, thua vì chị dẫn dắt không tốt, thua vì đã dấn thân vào một treatment khó quá... nhiều lý do lắm, nhưng vẫn là thua thôi.
An nghỉ!"
Người trẻ chúng ta vắt cật lực sức mình để cố gắng tạo ra những siêu phẩm, những kì tích nhưng rồi sức khỏe chúng ta yếu đi, cạn kiệt đi lại chẳng là một bất ngờ nào cả. Ngược lại, đó là sự hoang mang đến hốt hoảng. Thể xác đã yếu, tinh thần lại còn chẳng vững vàng, thành thử ra chính chúng ta đang hủy hoại chính mình.
Tất nhiên, chẳng có ai lại nỡ lòng nào đẩy mình vào đường cùng đấy cả nhưng vì sự nghiệp, vì tương lai, vì bạn bè, gia đình, người thân xung quanh luôn ủng hộ "Cố lên!". Đâu có ai làm việc để chết đâu! Chúng ta làm việc vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta phù hợp và muốn cống hiến cho công việc, vì công việc này sẽ là bệ đỡ cho một tương lai xán lạn.
Làm việc xuyên ngày xuyên đêm, dùng cà phê, thuốc lá, mỳ tôm, nước tăng lực là đồ phụ trợ cho chuỗi ngày vất vả chẳng khác nào chúng ta đang giết mình từ từ. Chúng ta chỉ có một đời để sống nhưng không có nghĩa là phải trả một cái giá quá đắt đến như vậy.
Tuổi còn trẻ, chúng ta nên tính đường dài. Làm việc và cân bằng cuộc sống là hai thứ chúng ta cần làm. Đời còn dài, trái ngọt sẽ còn gặt hái được. Đam mê phải đi kèm với giới hạn. Đừng liều mà thử thách mình với giới hạn, bố mẹ - những người ở lại - chắc chắn là những người buồn nhất, bạn ạ.
Trí thức trẻ