Lần đầu có khung giá khám chữa bệnh dịch vụ
Khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với những người tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ, không ảnh hưởng đến đối tượng sử dụng thẻ BHYT
- 03-02-2023Công bố Lệnh của quyền Chủ tịch nước về Luật Khám bệnh, chữa bệnh
- 09-01-2023Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với tỉ lệ 77,82%
- 21-11-2022Đề xuất giá khám bệnh theo yêu cầu ở BV hạng đặc biệt: Không quá 300.000 đồng/lần
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2023 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành thông tư liên quan giá khám chữa bệnh dịch vụ.
Tối đa 4 triệu đồng/giường bệnh
Theo Thông tư 13/2023, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu, được áp dụng từ ngày 15-8.
Cụ thể, khung giá khám chữa bệnh tại cơ sở y tế hạng đặc biệt, hạng I có mức từ 100.000 đến 500.000 đồng; mức giá ở các cơ sở khác 30.500 - 300.000 đồng. Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, ngoài nước đến khám và tư vấn sức khỏe, cơ sở y tế thu theo giá thỏa thuận với người bệnh.
Giá giường bệnh theo yêu cầu ở cơ sở y tế loại I không vượt quá 4 triệu đồng/giường; loại II không vượt quá 3 triệu đồng/giường; loại III không vượt quá 2,4 triệu đồng/giường và loại IV tối đa là 1 triệu đồng/giường.
Bên cạnh đó, khung giá một số dịch vụ y tế phổ biến khác cũng được quy định cụ thể. Theo đó, dịch vụ siêu âm Doppler màu tim 4D có giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang không vượt quá 1,584 triệu đồng/lượt; chụp CT Scanner từ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5,25 triệu đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA có giá tối đa 10,15 triệu đồng/lượt...
Nhóm phẫu thuật nội soi robot là dịch vụ có giá cao nhất. Chẳng hạn, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực có giá tối đa hơn 134 triệu đồng, tối thiểu hơn 91 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng có giá cao nhất hơn 124 triệu đồng, thấp nhất hơn 96,6 triệu đồng.
Với chuyên khoa ngoại lồng ngực - mạch máu, phẫu thuật bắc cầu mạch vành có giá cao nhất, với mức tối đa hơn 59,2 triệu đồng và tối thiểu hơn 18,1 triệu đồng. Mức giá tối đa phẫu thuật tạo hình eo động mạch hơn 40 triệu đồng, tối thiểu hơn 14,3 triệu đồng...
Trong phẫu thuật chuyên khoa ung bướu, dịch vụ xạ phẫu bằng Gamma Knife có giá cao nhất hơn 42,2 triệu đồng, xạ trị bằng X Knife có giá cao nhất hơn 41,3 triệu đồng...
Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận rất đông bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh dịch vụ
Hạn chế ra nước ngoài khám chữa bệnh
Theo các chuyên gia y tế, Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2023 nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định.
Lãnh đạo một bệnh viện hạng I đánh giá khung giá được quy định trong thông tư là phù hợp với thực tế. Thời gian qua, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, các bệnh viện đã đầu tư sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất.
"Có ý kiến so sánh giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày là quá cao, ngang với khách sạn 5 sao, nhưng so sánh như thế rất khập khiễng. Nhiều phòng bệnh hiện nay được thiết kế với không gian như khách sạn hạng sang; người bệnh được cung cấp vật dụng thiết yếu, có suất ăn hằng ngày; có nhân viên y tế chăm sóc 24/24 giờ..." - một bác sĩ nhận xét.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng Thông tư 13/2023 khuyến khích cơ sở y tế công nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; góp phần cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế. Cùng với đó, giúp hạn chế người có điều kiện kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh; thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Khi bệnh viện công có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ theo yêu cầu thì bù đắp được chi phí hoạt động chung của bệnh viện, từ đó bệnh nhân thu nhập thấp được hưởng lợi.
Bộ Y tế khẳng định khung giá dịch vụ được quy định tại Thông tư 13/2023 chỉ áp dụng với những người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Số lượng này ước tính chiếm tỉ lệ 5%-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, còn tuyến huyện gần như không có.
Người khám chữa bệnh có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả như quy định. Những người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư 14/2018 của Bộ Y tế.
Ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thông tư yêu cầu các bệnh viện công khi khám chữa bệnh theo yêu cầu phải sắp xếp tỉ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân năm trước. Tỉ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa là 30%, bác sĩ khám không quá 45 bệnh nhân/ngày làm việc...
Người lao động