Chững lại sau 1 thập kỷ tăng liên tục, Tập đoàn Viettel đứng trước áp lực chuyển đổi và bài toán tăng trưởng trong thời kỳ mới
Vững chân ở vị thế dẫn đầu ngành viễn thông Việt Nam với doanh thu, lợi nhuận chiếm 60-70% toàn ngành, nhưng bản thân Viettel những năm gần đây đang chịu áp lực lớn trước bài toán tăng trưởng khi ngành kinh doanh chính đã dần bão hòa.
Tập đoàn viễn thông Quân Đội (Viettel) đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2018. Theo đó, doanh thu Viettel đạt khoảng 234.000 tỷ đồng và lợi nhuận là 37.600 tỷ đồng. So với toàn ngành viễn thông Việt Nam, riêng Viettel chiếm tới 60% tổng doanh thu và 70% tổng lợi nhuận của toàn ngành.
Kết quả kinh doanh của Viettel vượt xa so với các doanh nghiệp viễn thông khác, như VNPT lãi gần 6.500 tỷ đồng, Mobifone hơn 6.000 tỷ đồng. Mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của Viettel cũng vượt trội, đạt 37.000 tỷ đồng.
Mặc dù vẫn giữ vững vị thế số 1 trong ngành viễn thông Việt Nam cũng như ghi dấu ấn đậm nét tại nhiều thị trường trên thế giới, nhưng kết quả kinh doanh của Viettel phần nào cho thấy khả năng tăng trưởng của ngành viễn thông dường như đã đi tới giới hạn.
So với năm 2017, doanh thu Viettel giảm gần 7%, và là năm đầu tiên tăng trưởng âm trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Nguyên nhân được phía Viettel đưa ra, là do thị trường viễn thông Việt Nam đã bão hòa, khiến doanh thu các dịch vụ viễn thông trong nước chỉ tăng 4,2%. Bên cạnh đó, tỷ trọng tiêu dùng dịch vụ di động hầu như không tăng trưởng, trong khi những năm trước đây mức tăng trưởng luôn ở 2 chữ số.
Doanh thu giảm tác động mạnh tới lợi nhuận của Viettel. Năm nay, Viettel báo lãi 37.600 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với năm trước và xuống thấp nhất kể từ năm 2014. Những năm gần đây, các nhà mạng cạnh tranh nhau khốc liệt và chủ yếu cạnh tranh về giá, khiến Viettel phải điều chỉnh chính sách, chiến lược, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Viettel đánh giá, áp lực dành cho doanh nghiệp viễn thông không chỉ đến từ các đối thủ cạnh tranh trong nước, mà còn đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới, như Facebook, Google... Thực tế, cho dù đây không phải các tập đoàn viễn thông, mà là các tập đoàn công nghệ, nhưng các tập đoàn này đều có cung cấp các dịch vụ nhắn tin, gọi điện, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông.
Khi nguồn thu truyền thống bị ảnh hưởng, các nhà mạng cần thay đổi mô hình kinh doanh, hướng tới các nguồn doanh thu mới.
Đối với Viettel, trong chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2018-2030, Viettel xác định đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.
Đây sẽ là áp lực không nhỏ đối với Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, người mới được giao Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel. Ông Dũng cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp viễn thông như Viettel. Trong những năm gần đay, Viettel đã tổ chức lại hệ sinh thái hỗ trợ cho chuyển đổi số, như sẵn sàng hạ tầng công nghệ 5G, đầu tư trung tâm dữ liệu theo chuẩn toàn cầu sẵn sàng cho dịch vụ IoT; đầu tư nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cho mạng lưới cung cấp dịch vụ số...
Trước mắt, trong năm 2019, dự kiến doanh thu và lợi nhuận Viettel sẽ hồi phục trở lại, đạt tương ứng 251.000 tỷ đồng (tăng 7,3%) và 39.000 tỷ đồng (tăng 4,6%). Tuy nhiên, mục tiêu doanh thu này vẫn chỉ ngang 2017 trong khi lợi nhuận vẫn thấp hơn giải đoạn 2014-2017.
Giai đoạn 2018-2030, mục tiêu cơ cấu doanh thu của Viettel là doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin sẽ chiếm 55%, công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%, lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.
Trí thức trẻ