Lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tư nhân lớn
Sáng nay 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội".
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn trên cả nước.
Kinh tế tư nhân hiện giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đang đóng góp vào gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có những Tập đoàn lớn vươn ra khu vực và thế giới và khẳng định mình.
Hội nghị hôm nay nhằm trao đổi, thảo luận với các doanh nghiệp tư nhân về việc: Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp tư nhân lớn vào phát triển KTXH đất nước bền vững và hùng cường.
Phát biểu mở đầu hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn có mặt hôm nay, lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta xác định, phát triển kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên đối với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; coi khu vực kinh tế tư nhân là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Thường trực Chính phủ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp tư nhân lớn, khẳng định sự quan tâm, kỳ vọng của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đối với khả năng tiên phong, bứt phá, dẫn dắt của các doanh nghiệp này nói riêng và sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của khu vực kinh tế tư nhân nói chung.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, trong đó kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc và chưa rõ nét, kinh tế các nước lớn có dấu hiệu suy giảm, giá cả biến động mạnh, lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nền kinh tế lớn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh tác động nặng nề. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực lạm phát còn lớn, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự tàn phá của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) vừa qua và tình trạng lũ lụt, ngập úng, sạt lở đất đang gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản tại nhiều tỉnh khu vực Bắc Bộ.
Thủ tướng đã chia sẻ với các doanh nghiệp về kết quả của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vừa qua trong đó nhấn mạnh, những đột phá, bứt phá nhất là đột phá về thể chế, làm tốt hơn nữa an sinh xã hội; Lấy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước; Có những chương trình, dự án thích ứng với thiên nhiên, thuận thiên trong phát triển, có các chương trình dự án như sắp xếp lại dân cư, chống lại hạn mặn, sụp lún; Có các công trình mang tính biểu tượng đất nước mang tính dẫn dắt truyền cảm hứng cho cả dân tộc, như: phát triển đường sắt tốc độ cao, năng lượng hạt nhân, tiếp tục hoàn thiện đường cao tốc.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân tiên phong, đóng góp cho những trong đột phá chiến lược phát triển đất nước, trong đó nhấn mạnh: "Mong muốn các nhà doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước thương dân. Đây là một truyền thống, một di sản văn hóa của chúng ta, một điểm tựa của đất nước chúng ta đó là dân tộc nghĩa đồng bào, tình tương thân, tương ái để giúp đỡ nhau cùng nhau phát triển. Tôi cũng hay chia sẻ: cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; Ý thứ hai tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là một di sản đất nước chúng ta để lại nhiều năm lịch sử; Thứ ba, chúng tôi mong muốn là sức mạnh từ nhân dân, từ doanh nghiệp, nguồn lực thì bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực từ bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân làm nên lịch sử. Vì vậy, doanh nghiệp doanh nhân phát huy vai trò lịch sử của mình đóng góp cho đất nước, tạo ra đột phá, nhất là trong giai đoạn hiện nay sau những năm tháng chống dịch, và cơn bão số 3 vừa qua; Thứ tư, tôi mong muốn phải có đột phá, chúng ta phải có bứt phá trong quá trình từ nay đến cuối Đại hội này, cũng chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi chúng ta bước sang một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên 100 năm lãnh đạo của Đảng vào năm 2030 đất nước ta phải có cái gì để chào mừng một trăn năm này."
Với phương châm Chính phủ luôn cam kết sát cánh, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân lớn nói riêng. Thủ tướng để nghị các doanh nghiệp cân đưa ra những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển và đề xuất giải pháp cụ thể; các đồng chí lãnh đạo các Bộ ngành và địa phương trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề đặt ra và đề xuất cơ chế, chính sách đối với Chính phủ trong ngắn hạn và dài hạn để thích ứng với tình hình mới, đặc biệt là các kinh nghiệm quốc tế. Đối với các kiến nghị trước mắt, đề nghị đề xuất rõ tiến độ thời hạn xử lý và phải báo cáo lên các Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên để nắm được tình hình.
Thủ tướng mong rằng Hội nghị sẽ nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng của các đại biểu để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân lớn với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” và “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề cơ bản, trong đó thảo luận để nhận định, đánh giá cụ thể về vị thế, vai trò của doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, hướng tới hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển KTXH 10 năm, 2021- 2030. Từ đó xác định rõ sự tham gia, nhiệm vụ của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong quá trình triển nền kinh tế.
Sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân lớn vào những việc lớn, việc khó, đột phá... để tạo động lực cho phát triển KTXH nhất là trong các lĩnh vực mới, bắt kịp xu thế của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xu hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững như ô tô điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI và cao hơn nữa là trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp...
Từ việc xác định vai trò dẫn dắt trong khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân lớn đã chia sẻ những mục tiêu, nhiệm vụ để thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời các đại biểu cũng nêu những khó khăn và kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp mình đối với chính sách của Nhà nước, sự thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đặc biệt là trong lúc đồng bào đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra hiện nay.
Đặc biệt về lĩnh vực logictics, ông Trần Bá Dương Chủ tịch THACO cho biết, hiện nay vận chuyển của THILOGI qua Cảng Chu Lai theo các tuyến chính gồm: Tuyến Bắc Campuchia và Tây Nguyên - Chu Lai: 3,900 cont, trong đó THACO là 2,100 cont, chiếm 53%; Tuyến Nam Lào & Bắc Kontum - Chu Lai có gần 4,700 cont và hơn 1 triệu tấn khoáng sản trong đó THACO là 2,200 cont, chiếm 46%; Tuyến Quảng Nam và các tỉnh lân cận Chu Lai: 46,000 cont và hơn 461,000 tấn hàng rời, trong đó THACO là 33,000 cont, chiếm 70%.
Chủ tịch THACO cho rằng, sở dĩ số lượng hàng cont qua Cảng Chu Lai không như kỳ vọng là do hiện nay Cảng chỉ đón được tàu trọng tải 2 vạn tấn do luồng Kỳ Hà hiện hữu đã dừng thi công từ tháng 6/2022. THACO đã có các văn bản đề xuất Bộ GTVT xem xét, chấp thuận giao THACO triển khai công tác nạo vét bằng nguồn vốn doanh nghiệp, gồm luồng mới là Dự án tuyến luồng Cửa Lở: Hiện nay, vẫn còn chờ Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với Quốc lộ 14D, ông Trần Bá Dương khẳng định, đây là tuyến đường rất quan trọng cho hành lang kinh tế Đông - Tây, hỗ trợ cho các địa phương vùng Nam Lào vận chuyển hàng hóa qua miền Trung Việt Nam nhưng đang xuống cấp, hư hỏng nặng. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT quan tâm bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án này trong năm 2025. Về an sinh xã hội, Chủ tịch Thaco kiến nghị nghiên cứu trồng rừng để chống sạt lở và xây nhà ở kiên cố cho người dân vùng bị lũ lụt thiên tai để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân.
Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Sovico Group mong Thủ tướng Chính phủ hãy tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp và nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Tạo môi trường pháp luật cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội; Tạo điều kiện, cơ chế để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay hùng mạnh mang quốc tịch Việt Nam sẽ góp phần cho một Việt Nam hùng cường.
Bà Thảo đề xuất Chính phủ, hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như Băng cốc, Singapore, Hàn Quốc… Vừa qua, Vietjet đã trung chuyển khách từ Ấn Độ, Kazasktan qua Việt Nam tới Australia, Indonesia…
Việt Nam là trung tâm đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không. Học viện Hàng không Vietjet hiện đại, tiện nghi hàng đầu trong khu vực, hợp tác với Airbus hàng năm đào tạo 50.000 lượt học viên. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hanggar là hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại các sân bay Việt Nam. Vietjet vận hành hơn 100 tàu bay nhưng không có được hanggar ở Việt Nam. Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của chúng tôi đang thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay ở sân bay Viêng chăn trong liên doanh với Lào Airline. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc đang sản xuất linh kiện tàu bay Boeing và lắp ráp tàu bay Airbus; đồng thời đề nghị, tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách; Hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế.
Bà Thảo nhấn mạnh, Tập đoàn Sovico và các doanh nghiệp cũng như Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho hàng không và du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
"Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho kinh tế Việt Nam với tinh thần tiên phong của hàng không, du lịch và các doanh nhân dân tộc chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn"- bà Thảo nói.
vov.vn