Lần đầu tiên tìm ra vùng não gây trầm cảm - một kỷ nguyên mới trong y học sắp bắt đầu?
Có vẻ như sắp tới, trầm cảm sẽ không còn là căn bệnh quá trầm trọng nữa. Chúng ta sẽ có thể điều trị nó một cách hiệu quả hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.
- 31-07-2018Hàng triệu người đang mắc trầm cảm và rất có thể đây chính là nguyên nhân
- 29-07-2018Chuyên gia khẳng định mỗi người đều có 10% khả năng mắc trầm cảm và đây là cách để mỗi người tự phòng chống
- 22-07-2018Cần đưa người phụ nữ nghi trầm cảm sát hại hai đứa trẻ đi giám định tâm thần để làm căn cứ xét xử vụ án
Nhiều người chắc cũng biết rằng trầm cảm đã đang trở thành một căn bệnh nguy hiểm như thế nào. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm và nếu để bệnh kéo dài, tình trạng sẽ ngày càng trầm trọng hơn, dễ khiến người bệnh tự hủy hoại bản thân mình và nặng nhất là tự sát.
Việc điều trị trầm cảm hiện nay phụ thuộc nhiều vào thuốc. Tuy nhiên, tỷ lệ chữa trị trầm cảm thành công thường chỉ là 50%, lại mang đến các tác dụng phụ có phần ghê gớm. Hay nói cách khác, trầm cảm hiện chưa có phương pháp chữa trị nào thực sự hiệu quả.
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm.
Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, chúng ta đã có hy vọng rồi. Các chuyên gia thần kinh học đã chỉ ra được vùng não chịu trách nhiệm cho cảm giác lo âu và trầm cảm, từ đó mở ra một cánh cửa hoàn toàn khác biệt đối với ngành y thế giới.
Cụ thể, các chuyên gia từ MIT đã làm một số thử nghiệm trên não của một số loài vật. Họ nhận ra rằng khi kích thích khu vực điều khiển cảm xúc trong não là phần nhân đuôi (caudate nucleus), chúng sẽ luôn đưa ra những lựa chọn bất lợi và rất tiêu cực trong các tình huống gặp phải sau đó.
Những lựa chọn tiêu cực như vậy vẫn tiếp tục diễn ra trong vòng 1 ngày sau đó, ngay cả khi đã dừng việc kích thích não.
"Có vẻ như chúng tôi đã tìm ra căn cơ gây ra sự lo âu, hoặc trầm cảm, hoặc cả hai" - trích lời Ann Graybiel, tác giả nghiên cứu từ MIT.
"Đó đều là các chứng bệnh tâm lý cực kỳ khó chữa hiện nay."
Vùng nhân đuôi trong não (được bôi đỏ).
Theo Graybiel, nhóm nghiên cứu đã muốn tử tái hiện lại hiệu ứng thường thấy ở những người mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu trên động vật. Những đối tượng này luôn có xu hướng đưa ra những quyết định và lựa chọn tiêu cực trong các tình huống gặp phải.
Để có được kết quả ấy, họ đã kích thích vùng nhân đuôi của một số loài vật bằng một dòng điện nhỏ. Cụ thể hơn, các loài vật sẽ được đưa vào tình huống phải lựa chọn: uống nước hoa quả kèm theo một hình phạt là luồng gió mạnh thổi vào mặt, hoặc không uống và chẳng bị gì.
Trong mỗi lần thử nghiệm, tỷ lệ phần thưởng/hình phạt có sự biến động. Khi phần thưởng đủ lớn, chúng sẽ cố chịu phạt để nhận lấy. Khi phần thưởng quá nhỏ, chúng sẽ từ chối không uống nữa.
Nhưng đó là với những cá thể bình thường. Sau khi kích thích vùng nhân đuôi, chúng không buồn lựa chọn nữa, dù phần thưởng có lớn đến mức nào. Theo các chuyên gia, dường như việc kích thích vùng nào này đã khiến chúng có cái nhìn tiêu cực về các phần thưởng, không còn muốn cố gắng nữa - một triệu chứng thường thấy ở người trầm cảm.
Tiến sĩ Graybiel cho biết, hiện tại ông đang tiếp tục hợp tác với các bệnh viện, để xem những gì vừa tìm ra có đúng với não bộ của con người không. Họ sẽ sử dụng thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI), để xem liệu có bất thường trong phần nhân đuôi của não ở những bệnh nhân mắc trầm cảm không.
Nếu có, thì rất có thể chúng ta sẽ bước vào một cuộc cách mạng của y học, nơi trầm cảm có thể được điều trị một cách thật hiệu quả.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuron.
Tham khảo: Samaritan, Daily Mail
Helino