MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu tiên vải thiều tươi Việt Nam được vận chuyển thành công sang châu Âu bằng container đường biển

Lần đầu tiên vải thiều tươi Việt Nam được vận chuyển thành công sang châu Âu bằng container đường biển

Việc thử nghiệm xuất khẩu vải thiều bằng container sang Hà Lan gặt hái thành công hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam trong tương lai.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 1,05 triệu héc ta cây ăn quả, sản lượng ước đạt hơn 12,6 triệu tấn. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như: Hoa Kỳ, Australia (Úc), Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm hoa quả tươi của Việt Nam ở trên hệ thống bán lẻ ở các quốc gia như Nhật, Úc, EU,… từ trước đến nay đều được vận chuyển bằng đường hàng không nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, tránh gây ra tình trạng nếu vận chuyển bằng đường thủy sẽ khiến trái cây sẽ bị hỏng khi nhập cảng ở nước ngoài. Nhưng vận chuyển bằng đường hàng không lại khiến doanh nghiệp tiêu tốn khoản chi phí vô cùng lớn.

Vì thế mà việc vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, vừa có thể đưa trái cây đến tay người tiêu dùng nước ngoài với giá cả hợp lý nhất luôn là một bài toán nan giải cho lĩnh vực xuất khẩu nông sản Việt Nam, mà ở đây mà mặt hàng trái cây tươi. Nhưng giờ đây, bài toán này đã có lời giải.

Cuối tháng 6/2021, một doanh nghiệp tại Hà Lan đã chấp nhận bỏ ra gần 1 tỷ đồng để thí nghiệm đưa vải thiều tươi sang châu Âu bằng container đường thủy, 6 tấn vải thiều tươi được sơ chế và đóng gói đặc biệt, rời Việt Nam và đã tới Hà Lan vào ngày 3/8. Sau 5 tuần trên biển, với kết quả vượt trên cả mong đợi, quả vải vẫn tươi ngon và có thể để trên kệ siêu thị trong khoảng thời gian từ 2-3 tuần nữa.

Trả lời phỏng vấn của VTV, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. tại Hà Lan cho biết, bí quyết để chuyến hàng vải thiều tươi có thể thành công đến được Hà Lan bằng đường biển nằm ở trong khâu sơ chế và đặc biệt là cách thức đóng gói theo công nghệ mới.

Về cách đóng gói sơ chế, nhà xuất khẩu mà ở đây là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở Việt Nam sẽ sơ chế sản phẩm qua các cách xử lý ở mức cho phép theo quy định châu Âu. Sau đó, quả vải sẽ được sấy khô rồi bỏ trong túi nilon để có thể bảo quản trong vòng 45 ngày lênh đênh trên biển.

6 tấn vải thiều cộng thêm tiền mua sản phẩm tại Việt Nam và chi phí vận chuyển lên đến 33 ngàn Euro (khoảng 900 triệu đồng). Nếu như thử nghiệm thất bại doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm vài ngàn Euro chi phí tiêu hủy, dẫn đến việc doanh nghiệp nhập khẩu như LTP Import Export B.V. sẽ mất đến cả tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi tới nơi, quả vải vẫn giữ được khô ráo, tươi ngon. Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Trà Linh – Phó Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V. (Hà Lan): "Mùi rất là thơm và bề ngoài của quả vải rất đẹp. Khi bóc ra, quả vải rất là dày cùi, rất ngọt".

Bà Vũ Thị Ngọc Diệp – Tham tán thương mại tại Hà Lan cho biết: "Thật sự rất là vui mừng vì đây là lần đầu tiên container xuất khẩu mặt hàng vải tươi từ Việt Nam sang EU. Và đây là dấu mốc rất quan trọng để sau này các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư một cách bài bản hơn và mở ra một tương lai xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường EU một cách bền vững".

Theo dữ liệu từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 132% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 116%, Nhật Bản tăng 109%.

Một số nhóm mặt hàng trái cây có mức tăng ấn tượng là thanh long đạt 1,2 triệu tấn (tăng 138%), dưa hấu 290 nghìn tấn (tăng gần 132%). Riêng đối với quả vải, hiện đã xuất khẩu được hơn 51 nghìn tấn, với mức tăng khoảng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết, nếu Việt Nam muốn xuất khẩu trái cây tươi đều phải vận chuyển bằng đường hàng không. Cho tới nay, cả 2 loại quả là vải tươi và nhãn tươi của Việt Nam khi được nhập sang châu Âu đều bằng máy bay. Chuyến hàng đầu tiên bằng container đường biển ngay cả trong thời điểm giá vận tải biển đang cao bất thường thì cũng vẫn rẻ hơn so với chi phí vận chuyển bằng đường hàng không. Doanh nghiệp có thể bán 1kg vải thiều trên thị trường châu Âu với giá thấp hơn 1/3 so với mức giá nếu như phải vận chuyển bằng đường hàng không.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên