Làn sóng nợ lương, sa thải nhân sự bất động sản trầm trọng mùa cận Tết
Đầu tháng 11/2022, tình trạng giảm lương, sa thải nhân sự tại một doanh nghiệp địa ốc phía Nam dao động từ 15-20%, thì hiện con số này đã lên đến 40-60%.
Ghi nhận cho thấy, giữa tháng 12 đến nay, làn sóng giảm/nợ lương, sa thải nhân sự tại các doanh nghiệp BĐS diễn ra mạnh dần. Thậm chí, xu hướng này trầm trọng hơn khi Tết cận kề.
Một doanh nghiệp địa ốc phía Nam hiện cho nhân sự nghỉ việc hơn 40%. Trong khi khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11/2022, số lượng cắt giảm nhân sự chỉ mới 15%. Cùng với việc sa thải thì lương toàn hệ thống giảm xuống 30%. Đây là mức giảm lớn nhất tính từ thời điểm Covid-19 bùng nổ (cuối năm 2019).
“Càng về cuối năm, số lượng nhân sự nghỉ việc hoặc bị sa thải càng tăng lên. Cùng với đó, đối với nhân sự còn gắn bó với công ty, các khoản trợ cấp, thưởng Tết, lương tháng 13, quà Tết… phải dừng hết”, một nhân sự làm việc trong một doanh nghiệp BĐS cho hay.
Một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Tp.HCM phải cho nhân viên nghỉ việc hơn 60%, lương tính theo hiệu suất công việc, theo hình thức phụ cấp từ 20-40% (tuỳ cấp bậc). Không bán được hàng, không đòi được các khoản nợ từ chủ đầu tư khiến sàn lâm vào cảnh khó khăn, hoạt động cầm chừng. “Giờ chỉ mong không phải phá sản chứ không nghĩ đến việc lương hay thưởng cận Tết”, nhân sự doanh nghiệp này than vãn.
Chị T, một trưởng phòng Marketing của doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại Q.Phú Nhuận (Tp.HCM) cho hay, suốt từ cuối tháng 9/2022 đến nay, chị liên tục dự các cuộc họp điều chỉnh nhân sự, chế độ nhân viên. Cách đây vài tháng, dù không nằm trong danh sách nhân sự bị sa thải nhưng lương của các trưởng bộ phận bị điều chỉnh 15%. Hiện con số này đã lên gần 20%. “Không rõ thời điểm đầu năm 2023 tình hình sẽ như thế nào bởi hiện khó khăn đang thấy rõ rệt”, chị T cho hay.
Hiện doanh nghiệp địa ốc khó khăn hơn thời kì Covid-19.
Cách đây không lâu, Chủ tịch HĐQT một Tập đoàn BĐS lớn tại Tp.HCM đã viết tâm thư gửi khách hàng thông tin về những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, đồng thời xin lỗi nhà đầu tư vì diễn biến này khiến họ bất an. Trong tâm thư vị này cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động như chiến tranh, lạm phát, hậu quả dịch bệnh đến chính sách thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và thị trường. Công ty vì vậy cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến cắt giảm nhân sự lớn trong thời gian qua.
Ghi nhận cho thấy, làn sóng cắt giảm nhân sự, giảm lương, chuyển sang chế độ lương CTV của các sàn giao dịch, chủ đầu tư BĐS ngày càng rõ nét. Nhiều nhân sự không nằm trong diện sa thải nhưng cũng xin nghỉ việc vì thu nhập sụt giảm, không đủ sinh sống. Với những nhân viên kinh doanh gần như bị cắt toàn bộ lương cứng, chỉ hưởng hoa hồng khi bán được sản phẩm. Trong bối cảnh thanh khoản “bất động” như hiện nay, việc sales bán được hàng là điều vô cùng khó khăn. Vì thế, tại các sàn giao dịch, số lượng sales nghỉ Tết sớm về quê, hoặc chuyển sang làm việc khác kiếm sống ngày càng tăng lên. Tình cảnh ảm đạm này cũng chưa từng xuất hiện trong thời kì Covid-19.
“Tôi chưa từng chứng kiến khó khăn nào như thời điểm này. Dịch Covid-19 khó khăn nhưng không khốn khổ như hiện tại. Khi thanh khoản bất động, không tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp chỉ còn cách xoay sở và tiết giảm mọi chi phí để tồn tại được trên thị trường. Về con số thiệt hại thì không thể nói cũng rõ, nhưng những tổn thất về nhân sự, tinh thần là vô cùng lớn. Vấn đề, việc doanh nghiệp gồng nhưng được đến khi nào, và ra sao trong bối cảnh chưa có dấu hiệu khả quan nào xuất hiện”, một CEO doanh nghiệp địa ốc bùi ngùi chia sẻ.
Bằng giờ năm ngoái, khi Covid-19 lần 4 vừa qua đi cũng là thời điểm cả thị trường BĐS vực dậy. Các dự án BĐS mở bán, tín hiệu khả quan khi tỉ lệ hấp thụ tăng cao. Nhiều doanh nghiệp lấy lại “sức bù” của những tổn thất do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục hẳn thì từ giữa năm 2022 lại thêm “đòn giáng” chính sách tín dụng và các hiện là lãi suất ngân hàng liên tục tăng. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Nếu so với thời điểm cận Tết năm ngoái, thị trường BĐS hiện tại “đuối sức” hẳn. Câu chuyện lương tháng 13 hay thưởng Tết gần như không xuất hiện ở thời điểm này. Về làn sóng cắt giảm nhân sự và lương cũng tăng mạnh so với cùng kì năm ngoái.
Theo một doanh nghiệp BĐS, dịch Covid-19 năm ngoái, quỹ lương của doanh nghiệp chỉ cắt giảm trên dưới 10%. Có rất nhiều doanh nghiệp vẫn giữ người, giữ lương. Hiện tại, các biến số đều phải thay đổi để thích ứng với những khó khăn của thị trường. Bởi thực tế hiện rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đuối sức, trên bờ vực phá sản.
Nhịp sống thị trường