MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng tháo chạy của Apple khỏi Trung Quốc sẽ tiếp diễn hậu "kỷ nguyên" Trump, Việt Nam tiếp tục là cái tên được nhắc tới

30-11-2020 - 10:43 AM | Tài chính quốc tế

Làn sóng tháo chạy của Apple khỏi Trung Quốc sẽ tiếp diễn hậu "kỷ nguyên" Trump, Việt Nam tiếp tục là cái tên được nhắc tới

Sự phân tách của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, vốn bắt đầu dưới thời ông Donald Trump, có vẻ sẽ không chậm lại trong nhiệm kỳ của người kế nhiệm.

Apple Inc., tập đoàn lớn nhất trong số các đại gia công nghệ phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc, sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam. Đối tác lắp ráp chính của Táo khuyết là Hon Hai Precision Industry Co., còn được gọi là Foxconn, đã bơm 270 triệu USD để đầu tư xây dựng nhà máy tại quốc gia Đông Nam Á này. Những động thái đó cho thấy một cuộc di rời lớn và kéo dài của Apple có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất iPhone cũng như vai trò của Trung Quốc với danh xưng công xưởng thế giới.

Nhà sáng lập Foxconn Terry Gou đã đặt ra thuật ngữ "G2" để mô tả xu hướng của một chuỗi cung ứng thống nhất chia rẽ thành 2 hoặc nhiều hơn. Chủ tịch Foxconn Young Liu thì nói rằng các nước như Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ có thể là những nơi chia sẻ vai trò của Trung Quốc. Xu hướng này hiện có vẻ không thể đảo ngược khi các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam đang tăng cường cơ sở hạ tầng và nỗ lực thu hút các nhà sản xuất thông qua chi phí thấp và ít lo lắng về địa chính trị.

"Khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn kèm với những căng thẳng không thể đoán trước trong mối quan hệ với Mỹ, các công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất một số mặt hàng khỏi Trung Quốc. Xu hướng đó sẽ tiếp tục khi các nước như Việt Nam và Ấn Độ cải thiện khả năng cạnh tranh", Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, cho biết.

Làn sóng tháo chạy của Apple khỏi Trung Quốc sẽ tiếp diễn hậu kỷ nguyên Trump, Việt Nam tiếp tục là cái tên được nhắc tới - Ảnh 1.

Những động thái của Tổng thống Trump nhằm vào mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đã khiến nhiều nhà sản xuất phải chuyển sang Việt Nam và các nước như Mexico hay Ấn Độ để tránh bị trừng phạt và giảm thiểu rủi ro bị vạ lây trong tương lai. Tim Cook của Apple, người vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc, đang ngày càng có nhiều giải pháp thay thế.

Công ty có trụ sở tại Cupertino, California đang tiếp tục tăng cường sản xuất iPhone ở Ấn Độ thông qua các đối tác lắp ráp được hỗ trợ chính sách bởi Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi. Pegatron Corp., một trong những gã khổng lồ trong lĩnh vực lắp ráp iPhone, cũng đã đầu tư 150 triệu USD vào dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ và bắt đầu vận hành vào cuối năm 2021.

Trở lại quê nhà, iPhone cũng đang được Chính phủ Mỹ tạo điều kiện trong việc giảm thuế sản xuất chip trong nước. Nhà cung cấp chính của nó là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở Arizona mặc dù nó có quy mô khiêm tốn và công nghệ của cơ sở đó cho thấy nó sẽ phục vụ những khách hàng nhỏ, ít nhất là trong thời kỳ đầu tiên.

Không chỉ Apple, Google của Alphabet Inc. cũng đã đặt hàng với Foxconn để lắp ráp các thành phần quan trọng cho máy chủ của họ ở Wisconsin. Việc sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ được tiến hành trong quý đầu tiên của năm 2021. Việc mở nhà máy ở Mỹ để phục vụ các khách hàng khác cũng đã được các nhà lắp ráp tính tới.

Thuế quan của ông Trump đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất đã buộc các công ty toàn cầu phải suy nghĩ lại về hoạt động sản xuất của họ. Nintendo Co. là một trong những cái tên yêu cầu nhà cung ứng phải đa dạng hóa nơi sản xuất ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian và Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới trong ít nhất 5 năm tới.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên