Lần tìm những “cái bóng” trong “Hồ sơ Panama”
“Quả bom” mang tên “Hồ sơ Panama” liên quan đến những cá nhân, tổ chức ở Việt Nam không gây chấn động như người ta vẫn tưởng. Thậm chí khi được hỏi, có những doanh nhân có tiếng tăm trong nước cho rằng: “Có tên trong Hồ sơ Panama là chuyện bình thường”.
Thế nhưng rõ ràng, 189 cái tên và tổ chức kia vẫn còn quá nhiều ẩn số. Phía sau bản danh sách ấy có bao nhiêu công ty “ma”, địa chỉ “ma”, cái tên “ma”? Ai đứng đằng sau các công ty “ma” này? Có hoạt động trốn thuế, rửa tiền hay không? Phóng viên đã lần tìm những cái tên bình thường trong “Hồ sơ Panama” và thấy rằng có quá nhiều bất thường phía sau.
Hàng loạt “tên ma”, “địa chỉ ma”
Bỏ qua những tên tuổi đình đám xuất hiện khi danh sách Hồ sơ Panama được công bố như bà Đàm Bích Thủy- cựu CEO ANZ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM, Tổng Giám đốc Vietjet Air hay Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)… PV Lao Động tập trung nhiều hơn vào những cái tên bình thường trong “Hồ sơ Panama”.
Điều bất thường đầu tiên, trong số 23 địa chỉ tại Hà Nội, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành có các địa chỉ thực và trùng khớp với tên tuổi được ghi trong “Hồ sơ Panama”. Tuy nhiên, cũng có những địa chỉ “ma”, không có ngoài đời thực.
Cụ thể, trong danh sách có ghi tên Nguyen Anh Ngoc, địa chỉ đăng ký số 25 Hàng Rươi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tuy nhiên, khi phóng viên đi tìm hiểu thì thực chất phố Hàng Rươi chỉ có đến số 17 (số lẻ). Những người dân ở đây cho biết, trên phố Hàng Rươi không có số 25 và không biết người nào tên như phóng viên đưa ra.
Tương tự là địa chỉ 279, 6b Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, với tên người đăng ký là Vu Xuan Tung. Theo tìm hiểu của Lao Động, 6b là tên của một tòa chung cư cũ thuộc tổ dân phố số 13, phường Trung Liệt. Tuy nhiên, tòa nhà này chỉ có các số phòng từ 201-210, không có số 279.
Tại địa chỉ số 8 Cửa Bắc, với tên người đăng ký là Pham Thi Thu Ha, theo ghi nhận, đó là một chi nhánh của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB. Tuy nhiên do là ngày nghỉ, cánh cửa ngân hàng này đóng cửa im ỉm. Nhiều người dân khi nhận được câu hỏi, đều không có thông tin về cái tên Pham Thi Thu Ha.
Trong danh sách cũng có 2 cái tên là Nguyen Kien Cuong và The Bearer ngoài việc cùng đăng ký tại số 9A ngõ Đoàn Kết 2, Khâm Thiên, thì cả hai cùng có liên quan đến các công ty có nguồn gốc Ba Lan. Trong khi Cuong hưởng lợi từ Xylia Corp thì Bearer lại là cổ đông tại Locus Holding &Trade Limited. Tuy nhiên, quá trình xác minh thực tế cho thấy, đây chỉ là một nhà dân bình thường, thậm chí rất nhỏ hẹp, nằm trong một con ngõ sâu hun hút và không thấy dấu hiệu của việc kinh doanh buôn bán. Người dân tại khu vực này cũng cho biết, chủ nhà là những người ít giao lưu với hàng xóm láng giềng.
Dễ dàng tìm thấy các cá nhân, công ty Việt Nam trong Hồ sơ Panama.
Một nhà dân khác lại tiếp tục xuất hiện trong quá trình xác minh là số 10, tổ 17B, ngõ 103, Pháo Đài Láng, Đống Đa. Khi được hỏi của PV về cái tên Do Tuan Anh và lý do tại sao lại có tên trong Hồ sơ Panama, chủ nhân địa chỉ trên đã từ chối đưa ra giải thích của mình sau khi nói “không biết”.
Còn trường hợp Le Quang Dao, Q.15, Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội nhưng khi tìm đến đây là một quán sửa xe máy và nhân viên ở đây cho biết không rõ tên chủ, hiện ông chủ đang ở Hải Phòng. Còn trường hợp Chu Tien Dạt, 51 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội thì thực tế người này đang sống cùng vợ tại đây.
Có hai cá nhân có danh sách và địa chỉ trong “Hồ sơ Panama” là Nguyen Quang Nguyen, địa chỉ 8 ngách 33, ngõ Tân Lạc, phố Đại La và Nguyen Le Anh Tuan, địa chỉ đăng ký 110 A8, tập thể TTXVN đường Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng nhưng khi PV tìm đến và hỏi thì được biết hai người này đã chuyển nhà đi cách đây hơn 1 năm về trước.
Ngoài các trường hợp hư hư, thực thực ở trên, số các cá nhân còn lại, khi PV trực tiếp đi tìm hiểu thì đều nhận thấy có sự trùng khớp. Ngoài những cái tên như ông Nguyen Duy Hung làm Tổng GĐ Công ty TNHH đầu tư NDH; bà Nguyen Thi Phuong Thao làm Tổng Giám đốc của VietJet Air; bà Nguyen Thi Ngoc Hien đang làm lãnh đạo tại Công ty MeKong; ông Nguyễn Thành Đô là lãnh đạo tại Công ty cổ phần khoáng sản Đông Dương (thành lập năm 2008); ông Nguyễn Quốc Linh là người đại diện pháp luật cho Công ty TNHH công nghệ thông tin và truyền thông Đông Bắc (thành lập năm 2013); ông Đoàn Hồng Nam là Chủ tịch IIG Vietnam. Theo tìm hiểu, IIG là tổ chức cung cấp các giải pháp giáo dục từ dạy tới năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học...
Còn trong quá trình xác thực địa chỉ số 2, ngõ 31 đường Nguyễn Chí Thanh, địa chỉ đăng ký có liên quan đến ông Đoàn Hồng Nam, theo quan sát của phóng viên, đây là một căn nhà dân khá rộng rãi, cao 3 tầng, và có dấu hiệu cho thấy chủ nhân “là người giàu có”. “Căn nhà có camera gắn trước cửa, thường xuyên có ô tô ra vào. Chủ nhà cũng dán cảnh cáo không cho ai được đỗ xe trước cửa nhà mình”, một người dân sống gần căn nhà cho biết.
Đặc biệt, tại địa chỉ 55 Yên Ninh lại là một cái tên khá uy tín tại Hà Nội: Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc. Theo các tra cứu dữ kiện từ trên mạng Internet, cái tên Nguyen Ngoc Long xuất hiện kèm địa chỉ trên có thể là Nguyễn Ngọc Long - người xuất hiện khá nhiều lần trong công tác tuyển dụng của bệnh viện nổi tiếng này. Ngoài ra ông Long cũng có thể là người đại diện pháp luật cho Phòng khám Đa khoa - chi nhánh của Bệnh viện Hồng Ngọc đặt tại tầng 3 khối B, TTTM Savico Megamall, 79 Nguyễn Văn Linh, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội.
Điều gì bất bình thường?
Nếu những cái tên xuất hiện trong Hồ sơ Panama vốn là các doanh nhân thì đúng là không có gì bất thường bởi việc sử dụng những công ty cảnh ngoại (offshore) tại các vùng được cho là “thiên đường thuế” để tránh thuế nhằm tối ưu hóa dòng tiền vẫn được sử dụng trong hàng chục năm nay.
Câu hỏi đặt ra phải chăng đã có những cá nhân, tổ chức đứng sau những “cái tên ma” trong Hồ sơ Panama đã lập những công ty offshore để làm những điều mờ ám? Cụ thể, có hay không việc lập ra các công ty offshore để rửa tiền, chuyển số lượng tiền ra nước ngoài vượt mức cho phép hay không.
Hiện nay tại Việt Nam việc mồi chài các công ty, doanh nghiệp thành lập những offshore vẫn diễn ra một cách công khai. Chẳng hạn, trên trang http://offshorenavi.com đã đưa ra những lời mời cực kỳ hấp dẫn: “Công ty offshore (cảnh ngoại) không phải nộp thuế doanh thu hoặc thuế thu nhập. Do thực tế công ty cảnh ngoại không phải đóng thuế mà chỉ cần đóng phí hằng năm cho chính quyền sở tại, điều này có nghĩa là bạn tiết kiệm chi phí kế toán kiểm toán hằng năm, và cùng một lúc đạt được mức cao nhất của việc bảo vệ sự riêng tư. Công ty của bạn có thể không hoạt động hoặc nó có thể tạo ra hàng triệu đô la lợi nhuận nhưng vẫn không cần chuyển tiếp, cung cấp thông tin cho bất kỳ ai, kể cả chính quyền sở tại”. Nhưng chính trang web này cũng đưa ra lời khuyến cáo: “Trong một số trường hợp, công ty offshore không được sử dụng với mục đích lành mạnh. Chúng tôi khuyến nghị khách hàng sử dụng đúng mục đích và không vi phạm luật pháp hiện hành của quốc gia sở tại”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc những cá nhân Việt Nam mở các công ty offshore có nhiều mục đích như đầu tư ở nước khác hay quay dòng tiền đầu tư tại Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế và chính sách như những nhà đầu tư nước ngoài, không loại trừ việc dùng các công ty offshore như một công ty bình phong để cất giấu tẩu tán tài sản không minh bạch, rửa tiền, trốn thuế.
Chứng minh thế nào?
Theo luật sư Trần Đức Hoàng - luật sư thành viên The EZLAW Firm khi trả lời phóng viên Lao Động, để chứng minh được các cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama đã thực hiện các hành vi bất hợp pháp như rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp, hay mở Cty tại nước ngoài mà không có giấy phép thì các cơ quan chức năng cũng phải nắm được những hồ sơ, chứng cứ cụ thể tại đất nước mà công ty nước ngoài đã được thành lập.
Đây là điều hiển nhiên khi một trong những ưu thế hàng đầu của những “thiên đường thuế như Panama” là “ tên cổ đông, tên giám đốc công ty sẽ được bảo mật tối đa. Chỉ có chính phủ nước đó lưu giữ hồ sơ công ty . Thông tin này sẽ không để lộ cho bên thứ ba biết. Các quốc gia đó cũng không hề ký bất cứ thỏa thuận nào cam kết phải công khai danh tính của người thành lập công ty offshore”.
Nên nhớ, việc Hồ sơ Panama rò rỉ chỉ là danh sách tên người, tên công ty và địa chỉ chứ không cung cấp sâu hơn phương thức hoạt động của những cá nhân có danh tính bị tiết lộ.
Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Phụng- Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - là thành viên tổ công tác rà soát các cá nhân, tổ chức người Việt có tên trong hồ sơ Panama của Tổng cục Thuế khẳng định: “Sẽ không bỏ sót trường hợp nào”.
Lao động