MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãng phí sự nhiệt tình của mình vào những người không xứng đáng là dại dột: Sống ở đời, phàm là chuyện gì cũng thắng ở "vừa đủ", thua ở "quá độ"

15-01-2021 - 09:31 AM | Sống

Lãng phí sự nhiệt tình của mình vào những người không xứng đáng là dại dột: Sống ở đời, phàm là chuyện gì cũng thắng ở "vừa đủ", thua ở "quá độ"

Thứ tình cảm cho đi quá nhiệt tình, thường sẽ trở nên rẻ mạt; quan hệ quá nồng nhiệt, thường sẽ khiến con người ta trở nên không thoải mái. Ai cũng vậy, cứ phải trải qua thăng trầm của cuộc đời rồi mới biết được giá trị của sự “thờ ơ”. Quãng thời gian còn lại, hãy làm một người lạnh lùng một chút.

Tôi tình cờ xem được một video như này trên mạng.

Trong chương trình, T., cũng là người dẫn chương trình nói mình không muốn chủ động giao lưu với những người bạn làm trong ngành giải trí.

Cô ấy nói: "Tôi lúc trước rất thích diễn viên S., lúc trước cũng từng hợp tác với cô ấy trong một chương trình truyền hình, lúc đấy tôi đã rất vui, thậm chí còn ảo tưởng muốn làm bạn bè với cô ấy. Nghĩ vậy, tôi đã gửi cho cô ấy một tin nhắn rất dài, chủ yếu nói rằng tôi thích cô ấy ra sao và mong muốn của tôi là gì."

Quá trình đợi cô ấy trả lời tin nhắn quả thực khi ấy tôi cũng khá lo lắng và hồi hộp, một mặt rất hi vọng thần tượng trả lời tin nhắn của mình, một bên lại lo cô ấy sẽ không trả lời.

Nửa ngày sau, T. nhận được một tin nhắn rằng: "Cảm ơn bạn, ngày mai cùng nhau cố gắng nhé."

T. gần như không dám tin vào mắt mình, cô nghĩ trong lòng "chỉ trả lời có vậy thôi ư, tôi đã nói nhiều như vậy mà!"

Việc mà T. mong mỏi căn bản đã không xảy ra, cô chẳng thể thành bạn hay nói chuyện được nhiều hơn với thần tượng, đối phương vẫn giữ với cô khoảng cách công việc khách khí.

MC hỏi T.: "Sao cô lại làm như vậy làm gì?"

Cô đáp: "Tôi ngốc, nhưng mà với tôi nó cũng là bài học giúp tôi trưởng thành, đổi lập trường suy nghĩ một chút, có lẽ quá nhiệt tình cũng là một sự gây khó cho người khác, rồi cũng là tự dày vò mình."

Ở phần bình luận, có khán giả nói rằng: "Phản ứng của cô diễn viên kia có thể nói là hết sức thực tế, nhiều khi quả thực muốn nói với mấy người "nhiệt tình" quá rằng, đừng quá vồ vập hay nhiệt tình, giữ chừng mực, mới là phương thức đối nhân xử thế tốt nhất."

Dẫu sao thì, thế giới của người trưởng thành cũng có những quy tắc riêng của mình.

Sự quan tâm có chừng mực, sự nhiệt tình vừa đủ, khiến người khác cảm thấy thoải mái, nên là sự tự giác mà chúng ta ai cũng nên có.

 Lãng phí sự nhiệt tình của mình vào những người không xứng đáng là dại dột: Sống ở đời, phàm là chuyện gì cũng thắng ở vừa đủ, thua ở quá độ  - Ảnh 1.

Xin lỗi, tôi và bạn không thân thiết

Bạn thân hôm qua phàn nàn với tôi, nói rằng cô ấy vừa block một người bạn trên mạng xã hội.

Thực ra, họ quen nhau còn chưa tới 24h, nhưng khoảng thời gian này đối với cô ấy quả là thảm họa.

Buổi tối hôm ấy đi làm về muộn, ngồi trên xe buýt cô bạn vô tình quen một cô bạn khác, nói chuyện vài câu, phát hiện ra hai người ở cùng một khu.

Cô bạn kia vô cùng nhiệt tình, lập tức rủ bạn tôi đi ăn cơm rồi dạo phố.

Bạn tôi thấy hai người còn chưa thân thiết tới mức đi ăn cơm, thực ra bắt chuyện với nhau 1,2 câu thôi nhưng cũng định bụng là sẽ kết thúc rồi.

Nhưng hình như cô bạn kia không có ý định đó, liên tiếp hỏi:

Cậu thuộc cung gì? Nhóm máu gì?

Quê cậu ở đâu? Cậu làm nghề gì?

Một tháng cậu kiếm được bao nhiêu? Có người yêu chưa?

Ban đầu cô bạn tôi còn lịch sự trả lời, sau đó không chịu được nữa, kiếm cớ nói có việc bận nên đi trước, có gì lần sau nói chuyện tiếp.

Một tiếng sau, cô bạn kia lại nhắn tin cho cô bạn tôi hỏi hết bận chưa?

Cô bạn trả lời qua loa vài câu rồi nói mình phải đi tắm.

Không ngờ đối phương cho một câu: "Đợi cậu tắm xong rồi mình nói tiếp nhé!"

Ngày hôm sau lại gửi tin nhắn hỏi dậy chưa, thấy cô bạn tôi không trả lời liền gửi thêm hai tin nhắn ghi âm tới.

Cô bạn tôi đến lúc này không chịu được nữa nên đã âm thầm block cô bạn kia.

Trong thực tế các mối quan hệ xã giao trong cuộc sống, lần đầu gặp mặt mà đã hợp tình hợp ý nhau là điều rất hiếm gặp.

Quan hệ của người trưởng thành, tiến triển dần dần và có trình tự là điều rất quan trọng, chỉ khi giao tình tiến triển tới một mức nhất định, thì tình cảm mới có thể tiến tới mức sâu sắc hơn.

Nếu mới chỉ chào hỏi vài câu mà đã không hết chuyện để nói, kết bạn trên mạng xã hội rồi giống như ba má, hỏi đông hỏi tây.

Kiểu nhiệt tình như vậy không nhưng không kéo gần hơn được tình cảm lại là bao, mà ngược lại còn có thể khiến đối phương cảm thấy phản cảm.

Cũng giống như Gibran Kahlil Gibran từng nói: "Nhiệt tình, khi thêm chữ "quá", nó sẽ trở thành ngọn lửa tự thiêu."

Khi còn trẻ, chúng ta luôn cho rằng "nhiệt tình" là thứ vũ khí giúp kéo gần khoảng cách hai người lại với nhau, nhưng có trải đời rồi mới biết: với người không thân thiết, nhất định phải biết quản cho tốt cái miệng của mình, mới quen thì đừng móc hết ruột hết gan ra cho người ta.

Nhiệt tình chỉ nên dừng lại ở mức khách khí, không lạnh lùng, cũng không quá nóng vội.

Đừng quá nhiệt tình, chậm lại, mưa dầm mới thấm lâu…

 Lãng phí sự nhiệt tình của mình vào những người không xứng đáng là dại dột: Sống ở đời, phàm là chuyện gì cũng thắng ở vừa đủ, thua ở quá độ  - Ảnh 2.

Tôi muốn giữ khoảng cách với bạn

Trên mạng có một chủ đề như này: "Khoảnh khắc nào bạn cảm thấy mình và bạn bè không thể làm bạn được nữa?"

Một nickname có tên Rachel đã chia sẻ câu chuyện của mình như này:

"Nửa năm trước, tôi sửa nhà mới, có gọi bạn cùng đi xem đồ nội thất với mình.

Bạn tôi rất nhiệt tình, cả đường bày ra cho tôi đủ mọi viễn cảnh.

"Cậu nhất định phải nghe tớ, trang trí phòng theo phong cách Bắc Âu tối giản, vừa tinh tế vừa giúp tâm trạng thăng hoa."

"Nhà mới cậu có 3 phòng đúng không? Vậy thì làm cái phòng nhỏ thành phòng để đồ đi, có một phòng để đồ riêng chẳng phải sướng lắm ư!"

"Đừng mua ti vi nữa, thời buổi này ai còn dùng tivi nữa, lắp luôn một máy chiếu phim trong nhà đi, hiệu quả đỉnh luôn."

Nghe cô bạn thao thao bất tuyệt một lúc, tôi chỉ đành cố chen vào một vài câu: "Thực ra, tớ thích phong cách kiểu cổ điển truyền thống, cũng không có ý định có phòng để đồ riêng, dù sao thì cũng ở với ba mẹ…"

Cô bạn không từ bỏ, tiếp tục "khuyên nhủ": "Cậu không hiểu, tuyệt đối đừng làm như thế, không đẹp, phí cả cái nhà, cứ nghe tớ, không sai đâu."

Chúng tôi đi tổng cộng 3 siêu thị nội thất, lần một là cho ý kiến, lần hai là khuyên nhủ, lần 3 là trực tiếp động tay vào chọn đồ cho tôi luôn.

Tôi thấy cô bạn ấy quản hơi quá, cuối cùng hai đứa tạm biệt nhau trong sự không vui vẻ."

Có những chuyện, có thể xuất phát từ ý tốt, nhưng mỗi người có một suy nghĩ riêng, họ cũng chẳng hi vọng ai đó can thiệp vào suy nghĩ của mình.

Có những lời, nói ra nên biết chừng mực một chút, nói nhiều thêm một chút, nhiều khi lại động chạm tới lòng tự ái của người ta.

Mức độ nhiệt tình nếu nắm bắt không tốt rất dễ phản tác dụng, lại biến thành quản chuyện bao đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không khó để phát hiện ra, những người như vậy không hề hiếm.

Can dự vào cuộc sống của người khác với cái mác "nhiệt tình", quá quan tâm tới chuyện riêng tư của người khác, không biết chừng mực, hơn nữa lại chỉ biết đứng từ góc độ của mình để nhìn nhận vấn đề, đồng thời hi vọng người khác làm theo ý mình.

Nói thẳng ra thì sự nhiệt tình có phần hơi quá đà này là đang tự làm khó hai bên chứ không hề là phương thức giao tiếp gì tốt đẹp.

Một tiểu thuyết gia từng nói: "Giữ khoảng cách là phương thức giao tiếp hợp lý nhất."

Có việc thì giữ liên lạc, không có việc gì quá quan trọng thì mỗi người một cuộc sống, một công việc, một bận rộn riêng, đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, cũng đừng can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của người khác.

Cần phải biết rằng, sự quan tâm vừa đủ, sẽ đem lại cho người khác sự ấm áp, nhưng sự nhiệt tình thái quá sẽ lại chỉ khiến người khác thấy phiền.

Có thân thiết tới đâu, cũng cần phải cho đối phương không gian riêng.

Một chút riêng tư, mới là khoảng cách thích hợp nhất giữa tình bạn cũng như tình thân.

 Lãng phí sự nhiệt tình của mình vào những người không xứng đáng là dại dột: Sống ở đời, phàm là chuyện gì cũng thắng ở vừa đủ, thua ở quá độ  - Ảnh 3.

Nhiệt tình vừa đủ, quá lại thành hại

Không quá nhiệt tình, không chỉ là tôn trọng đối phương, mà còn là xem trọng chính mình.

Cũng giống như tác giả Dazai Osamu trong cuốn "Thất lạc cõi người" có viết: "Quá nhiệt tình với ai sẽ khiến xác xuất bạn không được người ta trân trọng tăng lên."

Đỗ Vấn Trạch và Lưu Đức Hoa trong quá trình quay bộ phi "Vô gian đạo" đã trở thành bạn tốt.

Đỗ Vấn Trạch gặp khó khăn về kinh tế, Lưu Đức Hoa không nói không rằng, cho Đỗ Vấn Trạch thuê căn biệt thự của mình với giá vô cùng rẻ.

Khi Đỗ Vấn Trạch kết hôn, Lưu Đức Hoa tặng quà đắt tiền, lại làm phù rể, khiến Đỗ Vấn Trạch nở mày nở mặt.

Đỗ Vấn Trạch làm phim thiếu tiền, Lưu Đức Hoa không ngần ngại rót một số tiền lớn vào đầu tư.

Doanh thu phòng vé mặc dù ảm đạm, nhưng Đỗ Vấn Trạch vẫn muốn làm phần tiếp theo, để tránh việc bị thua lỗ lần nữa, Lưu Đức Hoa lần này đã từ chối đầu tư.

Chẳng ai ngờ, Đỗ Vấn Trạch sinh lòng oán hận, đi khắp nơi nói "Thiên Vương (biệt danh của Lưu Đức Hoa) không phải là người".

Rất nhiều khi, bạn xởi lởi, nhiệt tình cho đi, giúp đỡ người khác mà không chút mảy may tư lợi hay suy nghĩ gì, thứ bạn nhận lại được lại là một bài học đắt giá:

Quá nhiệt tình, đôi khi lại là tai họa.

Quá nhiệt tình sẽ chỉ khiến sự quan tâm của bạn trở thành lẽ dĩ nhiên, khiến nó không còn quan trọng nữa, khiến đối phương không còn muốn trân trọng nó nữa.

Một diễn viên nọ trong một bài phỏng vấn từng nói như này: "Tôi sẽ không bao giờ ngọt như mật với người khác, cũng sẽ chẳng để người khác ngọt như mật với tôi. Khi bạn mang tất cả bí mật của bạn nói ra với tôi, giống như móc hết ruột gan ra, khoảng cách này sẽ chẳng tạo ra bao nhiêu cảm xúc tốt đẹp, tới cuối cùng sẽ chỉ đổi lại được sự thờ ơ.

Cá nhân tôi cho rằng, con người ta khi móc hết ruột gan ra cho nhau, là lúc hai người cách sự chia lìa không xa."

Anh không quá nhiệt tình với người khác, cũng cự tuyệt sự nhiệt tình mà người khác dành cho mình.

Kiểu tính cách trông có vẻ lạnh lùng này không những không khiến người khác xa cách anh, ngược lại còn khiến những người từng tiếp xúc với anh cảm thấy vô cùng thoái mái.

Một mối quan hệ tốt, không phải cứ càng nhiệt tình là càng tốt, cũng không phải là càng gần nhau thì càng hay.

Sự nhiệt tình mà một người có thể bỏ ra trong cuộc đời là có hạn, thay vì tiêu sài nó trên người khác, chi bằng dành nhiều thời gian tiêu trên mình nhiều hơn, sống tiêu diêu tự tại, sống hạnh phúc hơn.

Bất kể là với ai, cũng hãy duy trì một khoảng cách thích hợp, nhiệt tình có mức, tôn trọng người khác, đó cũng là đang thành toàn cho bản thân.

Tình cảm cũng phải có nhiệt độ thích hợp, lạnh một chút mới là thoải mái nhất.

 Lãng phí sự nhiệt tình của mình vào những người không xứng đáng là dại dột: Sống ở đời, phàm là chuyện gì cũng thắng ở vừa đủ, thua ở quá độ  - Ảnh 4.

Quãng thời gian còn lại, làm một người lạnh lùng một chút

Tôi từng đọc được một câu nói như này: "Đời người tụ tụ tán tán, khi xưa nhiệt tình hồ hởi bao nhiêu, giờ lạnh lùng ít chuyện để nói hơn với nhau bấy nhiêu."

Sống ở đời, phàm là chuyện gì, cũng thắng ở "vừa đủ", thua ở "quá độ".

Thứ tình cảm cho đi quá nhiệt tình, thường sẽ trở nên rẻ mạt; quan hệ quá nồng nhiệt, thường sẽ khiến con người ta trở nên không thoải mái.

Ai cũng vậy, cứ phải trải qua thăng trầm của cuộc đời rồi mới biết được giá trị của sự "thờ ơ".

Quãng thời gian còn lại, hãy làm một người lạnh lùng một chút.

Biết chừng mực, biết lúc nào nên tiến khi nào nên lui, đừng biến sự nhiệt tình của bạn thành gánh nặng của người khác, cũng đừng lãng phí sự nhiệt tình của mình vào những người không xứng đáng.

Nên tránh xa hãy tránh xa, nên từ chối hãy từ chối.

Đi con đường của mình, không hoang mang không sợ hãi; tu cái tâm của mình để rồi âm thầm tỏa sáng!


Theo Thiên Vy

Trí thức trẻ

Trở lên trên