MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạng Sơn bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Lạng Sơn cần tập trung cải thiện các chỉ số thành phần bị giảm điểm và nâng cao hơn các chỉ số tăng điểm trong năm 2022 bằng cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư theo hướng chuyển đổi số…

Sáng 19/5, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022; xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần, duy trì và cải thiện PCI năm 2023.

Năm 2022, tỉnh Lạng Sơn xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố (thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt của cả nước) và trong 10 chỉ số thành phần PCI, Lạng Sơn có 6/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2021, gồm các chỉ số "Gia nhập thị trường", "Tính minh bạch", "Cạnh tranh bình đẳng", "Chi phí không chính thức", "Đào tạo lao động", "Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự".

Lạng Sơn bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI - Ảnh 1.

Năm 2022, chỉ số PCI tỉnh Lạng Sơn xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố; thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước; đạt 67,88 điểm, tăng 21 bậc so với năm 2021; Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 tỉnh Lạng Sơn đạt 17,31 điểm, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Dù vậy, có 4/10 chỉ số giảm điểm là "Tiếp cận đất đai", "Chi phí thời gian", "Tính năng động và tiên phong của chính quyền", "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp". Điều này cho thấy những cải cách, nỗ lực của tỉnh chưa được các doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ và thực tế còn có những rào cản, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ và việc tạo lập môi trường thân thiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển...

Tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Lạng Sơn có tốc độ cải cách điểm số về thứ hạng trong PCI 2022 đạt ở mức cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt chỉ số xanh nằm trong TOP 2 có chỉ số cao nhất, thể hiện sự khởi sắc của chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh của địa phương.

“Để duy trì được chỉ số này, Lạng Sơn cần có sự cải cách liên tục, bền vững. Trong đó tỉnh cần tập trung cải thiện chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền hơn nữa, quan tâm đến các DN đang hoạt động, xem họ đang gặp khó khăn vướng mắc gì và đưa ra những giải pháp tháo gỡ, đó cũng là 1 cách để xúc tiến đầu tư 1 cách tốt nhất”, ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra.

Trong chương trình, các chuyên gia kinh tế, đại diện một số Sở ngành, DN cũng đưa ra ý kiến và thảo luận giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Lạng Sơn trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh Lạng Sơn cần tập trung cải thiện các chỉ số thành phần bị giảm điểm và nâng cao hơn các chỉ số tăng điểm trong năm 2022; Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư theo hướng chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các DN phát triển bền vững.

Lạng Sơn bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để tỉnh Lạng Sơn rút ra những bài học thành công, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém từ thực tiễn trong công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Địa phương cũng cần định hướng công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường; định hướng DN kinh doanh, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy sự cải thiện chính sách và thực thi chính sách phát triển xanh...

“Việc đánh giá, phân tích chuyên sâu của các chuyên gia sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, người dân và DN trên địa bàn Lạng Sơn cùng nhìn nhận đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn, để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, thúc đẩy DN phát triển. Từ đó có những cơ chế, chính sách linh hoạt, cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý, điều hành…”, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kết luận.

Theo Duy Thái

VOV

Trở lên trên