MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo Bộ Tài chính nói về 3 nhân tố giúp thu ngân sách tăng mạnh

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, có 3 nhân tố đóng góp cho tăng thu so với dự toán năm 2022

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, có 3 nhân tố đóng góp cho tăng thu so với dự toán năm 2022

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, có 3 nhân tố đóng góp cho tăng thu so với dự toán năm 2022.

Sản xuất kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, thứ nhất, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nền kinh tế phục hồi tích cực, GDP 9 tháng tăng 8,83%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây; ước cả năm tăng 8%.

Các hoạt động sản xuất-kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm nay đạt khoảng 194.700 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước duy trì mức tăng trưởng khá, như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%; ngành khai khoáng tăng 6,5%,...

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Kết quả triển khai các chính sách đến hết tháng 11/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được miễn, giảm, gia hạn khoảng 186.700 tỷ đồng (số tiền gia hạn khoảng 105.900 tỷ đồng, số tiền miễn, giảm khoảng 80.800 tỷ đồng). Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, một số khoản thu có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2021, như thuế thu nhập cá nhân, thu từ tiền thuê đất, mặt nước…

Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh

Thứ hai, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch 11 tháng đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%, nhập khẩu tăng 10,1%. Kết hợp với giá các mặt hàng xăng, dầu và một số hàng hóa xuất, nhập khẩu có thuế tăng mạnh, như kim ngạch nhập khẩu than tăng 78%; dầu thô tăng 57%; xăng, dầu thành phẩm tăng 116%; sắt thép tăng 6,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23,7%; kim ngạch xuất khẩu hoá chất tăng 66%; phân bón tăng 1.134%; than tăng 99,7% so với cùng kỳ năm trước... Qua đó, đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Thứ ba, nguyên nhân quan trọng của kết quả thu ngân sách Nhà nước khả quan cần ghi nhận nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu. Tính đến cuối tháng 11, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã kiến nghị xử lý tài chính 54.440 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 13.230 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thực hiện hơn 2.800 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào ngân sách khoảng 394 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành tài chính đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, rà soát những nguồn thu có tiềm năng để đưa vào quản lý thu, như hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới, hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế trên nền tảng thiết bị di động (eTax mobile) cho người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh; triển khai cổng thanh toán điện tử dành riêng cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện quyền kê khai, nộp thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Còn nhiều áp lực...

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết: Trong thời gian còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, gian lận thương mại, đôn đốc xử lý nợ đọng thuế, thu vào ngân sách Nhà nước các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất, góp phần đảm bảo vững chắc cân đối ngân sách Nhà nước, đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nguồn cải cách tiền lương theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội quan trọng, cấp bách khác.

Nhận định về bối cảnh hiện nay, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: Mặc dù thu ngân sách 11 tháng đã vượt dự toán, song đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt là sắt thép thô (11 tháng 2022 giảm 16,6% so cùng kỳ).

Một số ngành do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nguồn nhiên liệu khan hiếm, thiếu hụt làm cho sản xuất trì trệ (như điện thoại di động giảm 6,1%, thức ăn cho thủy sản giảm 4,1%;...). Mặc dù kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác...

"Đây sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trong tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhận định.

Theo thống kê, số thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đã đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, vượt 16,1% so với dự toán và cao hơn số ước thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 vừa qua (là 1.614 nghìn tỷ đồng).

Trong đó thu nội địa 11 tháng vượt 10,5% dự toán, thu dầu thô vượt 144,6% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 32,4% dự toán.

Về thu trên địa bàn, có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa đạt trên 95% dự toán, 50/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ.

Theo Huy Thắng

Báo Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên