MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo bức xúc khi con được nâng điểm: Có "gắp điểm" bỏ tay người?

18-04-2019 - 10:38 AM | Xã hội

Nhiều độc giả thể hiện sự bức xúc khi những lãnh đạo có con được nâng điểm đều khẳng định "không biết" và "con tôi đỗ đại học đàng hoàng".

Liên quan đến sự việc gian lận thi cử gây rúng động, cho tới nay nhiều trường hợp thí sinh được nâng điểm đã bị các trường đại học trả về. Nhiều thí sinh được nâng điểm tại Sơn La, Hoà Bình đều là con cháu các lãnh đạo địa phương, công an, công chức ngành giáo dục...

Sau khi được báo chí đăng tải, hầu hết các lãnh đạo đều phủ nhận thông tin con được nâng điểm . Trong đó, ông Q - Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La còn bày tỏ sự bất ngờ và bức xúc trước thông tin con được nâng điểm. Ông Q. cho biết đang làm thủ tục gửi Sở GDĐT Sơn La phúc khảo lại điểm cho con và khẳng định không nhờ vả ai để nâng điểm cho con.

Dưới những bài phản ánh của báo Lao Động, rất nhiều độc giả đã bình luận và đưa ra ý kiến. Nhiều người cho rằng các lãnh đạo đang loanh quanh và yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm đến cùng sự việc.

"Điểm chuẩn Đại học Luật Hà Nội 2018 thấp nhất là 18 điểm. Điểm thật của con ông là 16,3 điểm. Đàng hoàng quá!", bạn đọc Chu Thị Luận bình luận khi lãnh đạo Sơn La khẳng định con đỗ đại học đàng hoàng.

Bạn Le Anh Dung viết: "Hỏi chủ nhân (em học sinh) xem có tự tin với kết quả điểm như vậy hay không? Nếu học giỏi thực sự thì chẳng có gì phải lăn tăn".

Trong khi đó độc giả Le Anh Tuyet thắc mắc: "Tại sao không phải là con nông dân hay con nhà nghèo được nâng điểm mà là con cán bộ. Nếu học giỏi thì đủ điểm cần gì phải nâng? Những người đó quá xấu hổ nên mới nói như vậy. Cũng chẳng ai tin đâu".

Còn bạn Thi Nam bức xúc: "Xin hỏi 1 câu: Nếu cơ quan chức năng chứng minh được ông "mua điểm" cho con vào đại học thì ông có khẳng định mình sẽ từ chức không? Hay ông chỉ xin nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và mong nhân văn với con ông!?".

Bên cạnh đó, nhiều người cũng yêu cầu phải công khai tên các phụ huynh có con được nâng điểm và phải làm thật nghiêm minh để tạo sự công bằng.

Bạn Chu Minh Tuyển bày tỏ quan điểm: "Cần công khai rõ danh tính thí sinh là con ai ở các tỉnh đã được nâng điểm sai trái, như vậy mới công bằng với những người nhận sửa điểm đã bị khởi tố và dư luận xã hội mới chấp nhận".

Đồng quan điểm, bạn Hai cho rằng "Nhất định phải công khai tất cả học sinh và phụ huynh nâng điểm. Vì đến giờ khi mọi chuyện đã rõ ràng họ vẫn cãi cứ như "bị" nâng điểm oan vậy. Chẳng cán bộ nào dại gì mà tự ý nâng điểm cho con em các vị để rồi phải vào tù đâu ạ".

Một số bạn đọc cũng hài hước cho rằng các lãnh đạo có thể bị "hãm hại" và có hiện tượng "gắp điểm bỏ tay con lãnh đạo". "Thế này thì đúng là "gắp điểm bỏ tay con lãnh đạo" rồi. Các lãnh đạo phải truy đến cùng xem ai "hãm hại" đi thôi, vì con các vị học giỏi mà", bạn Dang Chung viết.

Tại vụ án gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La, tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 8 bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La được đánh giá là nghiêm trọng và tinh vi hơn Hà Giang, Hòa Bình, bởi quy mô trong đường dây gian lận điểm thi THPT quốc gia.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, có tổng cộng 97 bài thi của 44 thí sinh được sửa nâng điểm. Trong đó có thí sinh được nâng 3 môn trắc nghiệm lên đến 26,55 điểm. Hiện tất cả 44 thí sinh này đều đã nhập học vào các trường công an, quân đội, y dược.

 

Theo Linh Chi

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên