MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo các ngân hàng dự báo thế nào về lãi suất, tỷ giá thời gian tới?

16-07-2019 - 12:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia tài chính hầu hết cho rằng lãi suất sẽ duy trì ổn định, rất khó giảm, còn nếu có tăng cũng chỉ ở phần lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài, còn tỷ giá sẽ chịu áp lực nhiều hơn. Còn ý kiến của lãnh đạo các ngân hàng thì sao?



Tỷ giá đang có chuỗi ngày biến động trái với dự đoán của nhiều người, đó là USD liên tục giảm và hiện cặp tỷ giá USD/VND trong ngân hàng lẫn ngoài thị trường tự do đã về mức thấp hơn thời điểm cuối năm 2018 (giảm 0,11%). Nhờ nguồn cung dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đã bắt tay mua vào ngoại tệ từ tuần này, một phần để tăng nguồn dự trữ ngoại hối, phần khác nhằm chặn đà giảm của tỷ giá. 

Lãi suất trong khi đó "nổi sóng" trở lại khi không chỉ có nhà băng nhỏ mà có hàng loạt các ngân hàng lớn nhập cuộc tăng lãi suất với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhằm gia tăng nguồn vốn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm. 

Dẫu vậy dự báo xu hướng từ nay đến hết năm 2019, các chuyên gia tài chính hầu hết vẫn cho rằng tỷ giá vẫn chịu áp lực tăng trong khi lãi suất sẽ duy trì ổn định đến tăng nhẹ chứ không thể giảm. Còn ý kiến của các ngân hàng thì sao?

Tổng giám đốc một ngân hàng: Có áp lực tăng lãi suất, còn tỷ giá thì không

Lãi suất huy động về cơ bản sẽ tiếp tục ổn định, nhưng các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên sẽ tăng nhẹ do các ngân hàng phải tăng nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu của Basel II cũng như lộ trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Lãi suất cho vay cũng sẽ biến động theo lãi suất huy động tức là tăng nhẹ ở kỳ hạn dài. 

Tuy nhiên do NHNN kiểm soát room tín dụng nhằm đảm bảo toàn hệ thống tăng trưởng ở mức 14% theo định hướng nên cả lãi suất huy động lẫn cho vay của các ngân hàng cũng không thể tăng quá mạnh. Các ngân hàng sẽ lựa chọn phân khúc khách hàng của họ để tập trung phát triển hơn là chỉ nhìn vào lãi suất.

Về tỷ giá, từ đầu năm tới nay NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm 1% và các ngân hàng hơn 5 tháng đầu năm cũng tăng giá niêm yết USD nhưng đó là do áp lực chung của thị trường thế giới cùng với diễn biến trong quan hệ cung cầu. Song vài tuần nay, nguồn ngoại tệ đang dồi dào, VND đã mạnh trở lại và các ngân hàng còn đang niêm yết thấp hơn cả cuối năm 2018. 

Với nguồn vốn FDI và kiều hối về nhiều sẽ giúp tỷ giá tiếp tục ổn định trong thời gian tới, bất chấp việc Trung Quốc vẫn phá giá đồng Nhân dân tệ. Hơn nữa, các ngân hàng đều có kết quả kinh doanh 6 tháng tốt, lãi nhiều, nên thời gian tới sẽ tăng cường mua trái phiếu Chính phủ, qua đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Tổng giám đốc ABBank: Cả tỷ giá và lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định

Những yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá bao gồm:

Một là, khả năng FED cắt tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay là rất cao, số liệu được công bố trong các nghiên cứu cho thấy xác suất này lên đến trên 90%. Yếu tố này sẽ làm giảm bớt sức ép mất giá của các đồng tiền khác, trong đó có các đồng tiền Châu Á và VND đối với USD.

Hai là, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo sự dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam – được đánh giá là một thị trường đầu tư an toàn và hiệu quả. Thực tế 6 tháng đầu năm 2019 dòng góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài tăng mạnh tới 98% so với cùng kỳ năm 2018, tổng vốn FDI đã giải ngân cũng tăng 8,7%.

Lãnh đạo các ngân hàng dự báo thế nào về lãi suất, tỷ giá thời gian tới? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hương

Ba là, cán cân thương mại đang dần cân bằng trở lại, sau 2 tháng thâm hụt lớn, cán cân thương mại 6 tháng thặng dư 2,03 tỷ USD và lũy kế 6 tháng thặng dư 1,6 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chính (ngoại trừ Trung Quốc và Hồng Kong) được duy trì ở mức ổn định đang và tiếp tục hỗ trợ cho nguồn cung ngoại tệ trong nước.

Bốn là, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở mức cao sẽ là cơ sở để NHNN có thể chủ động trong việc điều tiết và ổn định tỷ giá.

Về lãi suất, lãi suất khó giảm nhưng cũng không bị áp lực tăng. 

Lãi suất khó giảm do lãi suất tiền đồng cần đảm bảo sự tương quan hợp lý với lãi suất USD nhằm kiểm soát, ổn định dòng vốn, hạn chế tác động của các cú sốc bên ngoài. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu từ khác đang phát triển nhanh và nhu cầu gia tăng số dư huy động, đặc biệt nguồn huy động trung, dài hạn để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%. Bên cạnh đó, các NHTM hiện đều ưu tiên tập trung vào việc mở rộng nguồn thu từ dịch vụ, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… thay vì tăng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, lãi suất cũng không chịu áp lực tăng do lạm phát của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,64%, mức thấp nhất trong 03 năm gần đây và lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,87% so với bình quân năm trước, do đó không gây áp lực đến các mức lãi suất điều hành; Tăng trưởng GDP đang chững lại nên lãi suất cần phải được kiểm soát ổn định để tạo điều thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Hoàng Minh Hoàn - Phó TGĐ Phụ trách Khối Quản trị Tài chính và Nguồn vốn Ngân hàng SCB: Lãi suất cho vay sẽ tăng nhẹ ở các ngành nghề rủi ro

Lãnh đạo các ngân hàng dự báo thế nào về lãi suất, tỷ giá thời gian tới? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Minh Hoàn

Lãi suất huy động sẽ ổn định hoặc có thể tăng nhẹ cục bộ tại một số ngân hàng do yếu tố mùa vụ cuối năm. Tuy nhiên, về cơ bản lạm phát ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào từ đầu năm đến nay nên khả năng lãi suất huy động tăng sẽ không cao, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm. Lãi suất cho vay theo đó cũng sẽ tăng nhẹ, đặc biệt là với một số ngành nghề kinh doanh có hệ số rủi ro cao và/hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay đối với các ngành còn lại.

 Về tỷ giá cuối năm 2019 thì nhiều khả năng sẽ tăng giảm trong biên độ hẹp +-1%. Nguyên nhân do tỷ giá được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến của tỷ giá đồng USD so với các loại tiền tệ và đảm bảo mục tiêu ổn định giá trị đồng Việt Nam. Thực tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm cũng chỉ tăng nhẹ 1% theo xu hướng chung của sự tăng giá đồng USD so với các đồng tiền khác trong khu vực, đặc biệt là đồng nhân dân tệ.


Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên