Lãnh đạo của 5 doanh nghiệp niêm yết ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV
Việc các doanh nhân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ có ý nghĩa lớn trong việc đóng góp thêm tiếng nói của một lực lượng chính trong thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
- 22-04-2016Tasco: Quý 1/2016 đạt 79,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế
- 13-04-2016Dabaco (DBC): Quý 1/2016 EPS đạt 1.000 đồng
- 02-11-2015Vì sao SHA nhận chuyển nhượng Sơn Hà Chu Lai?
Danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được công bố chính thức. Trong danh sách này xuất hiện rất nhiều gương mặt các doanh nhân là lãnh đạo tại các doanh nghiệp, trong đó một số doanh nghiệp có cổ phiếu đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Như So, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam (mã: DBC), Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam được thành lập ngày 29/3/1996 (tên gọi đầu tiên là Công ty Nông sản Hà Bắc) với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất lai tạo giống gia súc, gia cầm; chăn nuôi gia công lợn, gà thương phẩm; giết mổ chế biến thực phẩm…
Ông Nguyễn Như So sinh ngày 23/08/1957 tại Bắc Ninh. Ông từng là Bộ đội sỹ quan trước khi trở thành Phó Giám đốc công ty Vật tư Bắc Hà, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Ninh và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dabaco.
Với kinh nghiệm gần 30 năm trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông So đã đưa Dabaco trở thành một doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 750 tỷ đồng, doanh thu hàng năm từ 5.000 – 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 200 tỷ.
Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.456 tỷ đồng (bao gồm cả doanh thu nội bộ). Lợi nhuận sau thuế đạt 291 tỷ đồng (phấn đấu đạt 450 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận từ sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm là 241 tỷ đồng.
Mới đây, vào ngày 13/4/2016, Dabaco đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại dự án Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ 3 tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh cho CTCP Đầu tư Phát triển VID Thanh Hóa - đơn vị thành viên của VID Group (nay là TNG Holdings), một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm chủ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng là một gương mặt trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa này.
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã: SHI)
Với vốn điều lệ gần 550 tỷ đồng, CTCP Quốc tế Sơn Hà là một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cơ khí tiêu dùng và gia công, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm điện, điện tử, đồ gia dụng.
Ông Lê Vĩnh Sơn sinh ngày 21/09/1974. Là người đồng sáng lập ra Sơn Hà và giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tông Giám đốc công ty từ những năm đầu tiên, ông Sơn được xem là người chèo lái đưa Sơn Hà phát triển mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua với doanh thu năm 2015 đạt trên 2.300 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 80 tỷ đồng.
Ngoài Sơn Hà, ông Lê Vĩnh Sơn còn là chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà, Chủ tịch công ty CP Sơn Hà Sài Gòn, Chủ tịch CTCP Bất động sản Sơn Hà, Ủy viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Kiến Hưng, Chủ tịch công ty CP Sơn Hà Sài Gòn, Chủ tịch CTCP Bất động sản Sơn Hà.
Công ty Sơn Hà từng thực hiện đầu tư chuỗi siêu thị Hiway Supercenter (sau đổi tên thành Sapo mart) nhưng đã thoái vốn.
Ông Phạm Quang Dũng (Phạm Văn Nấng), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TASCO (mã: HUT)
Nguyên là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1971 với tên gọi là Đội cầu Nam Hà và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, đến nay, TASCO đã trở thành một thương hiệu lớn trong ngành với vốn điều lệ gần 1.300 tỷ đồng, doanh thu năm 2015 đạt hơn 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 160 tỷ.
Ông Phạm Quang Dũng sinh ngày 12/04/1954 tại Nam Định. Làm việc trong ngành xây dựng từ những năm 80 và từng giữ vị trí lãnh đạo tại Công ty Công trình giao thông Nam Định, ông Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Tasco từ năm 2011 đến nay.
Ngoài chức vụ này, ông Dũng cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Thăng Long – CTCP. Hiện Tasco nắm 60,46% vốn cổ phần của Thăng Long.
Tại Tasco, ông Phạm Quang Dũng và người thân nắm gần 7% vốn cổ phần.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung (mã: SPD)
Hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm từ năm 1983, đến nay, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung đã trở thành một doanh nghiệp có vốn điều lệ 120 tỷ đồng . Doanh thu năm 2015 đạt hơn 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận gần 7 tỷ đồng.
Với mức giá cổ phiếu khoảng 5.000 đồng, công ty có vốn hóa thị trường hơn 50 tỷ.
Ông Nguyễn Hoàng Giang là gương mặt 8x duy nhất trong danh sách doanh nhân ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông sinh ngày 13/07/1980 và đã kinh qua nhiều vị trí tại các công ty chứng khoán, công ty đầu tư như CTCP chứng khoán Bảo Việt, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, CTCP Bamboo Capital, CTCP Chứng khoán Quốc Gia.
Hiện nay, ngoài vị trí Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung, ông Giang còn là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Fideco (mã: FDC), Trưởng BKS Công ty Cổ phần Bất động sản và Xây dựng Trường Thành.
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (mã: ITD)
Vào năm 1994, CATIC – Trung tâm ứng dụng công nghệ tin học và điều khiển - được thành lập bởi một nhóm giảng viên của trường Đại học Bách Khoa với mục đích nghiên cứu giải pháp và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.
Sau hơn 20 năm phát triển, trung tâm ấy đã trở thành CTCP công nghệ Tiên Phong có vốn điều lệ hơn 150 tỷ đồng nhưng vốn hóa thị trường đạt gần 330 tỷ đồng.
Ông Lâm Thiếu Quân sinh ngày 14/10/1963 tại Hải Phòng. Ông từng là Chủ tịch HĐQT của một công ty cũng đang niêm yết trên sàn giao dịch là Công ty Cổ Phần Kỹ Thuật Điện Toàn Cầu (mã: GLT).
Trí Thức Trẻ