Lãnh đạo DN top 10 TG trong lĩnh vực 1.000 tỷ USD: “Lao động Việt Nam cần phải chuẩn bị ngay điều này”
Tập đoàn này từng hợp tác với VinFast, FPT của Việt Nam trong lĩnh vực đang được cả thế giới quan tâm.
Lĩnh vực này là bán dẫn. Tham gia Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMIExpo Viet Nam 2024, ngày 7 – 8/11), ông Frank Steinert, Tổng giám đốc của NXP Semiconductors Việt Nam, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về bán dẫn, đã có những chia sẻ thú vị về thị trường lao động của Việt Nam cho ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, bên cạnh chính sách, hạ tầng và môi trường, thì nhân lực được coi là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy ngành này.
Tại tọa đàm " Chuẩn bị lực lượng lao động của Việt Nam cho ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu " thuộc khuôn khổ triển lãm, theo ông Frank Steinert, NXP Semiconductors là nhà sản xuất và cung cấp bán dẫn hàng đầu toàn cầu, chuyên cung cấp những giải pháp công nghệ cho các ngành ô tô, hạ tầng công nghiệp, di động và Internet vạn vật.
NXP hiện phục vụ rất nhiều cho các khách hàng về ô tô, công nghệ truyền thông, viễn thông… Doanh nghiệp này cung cấp nhiều sản phẩm cho các khách hàng áp dụng vào hoạt động sản xuất của họ. Từ năm 2008, NXP hợp tác với FPT Software, để sản xuất ra các phần mềm kết hợp với các sản phẩm phần cứng của tập đoàn.
Hiện nay, NXP có khoảng 500 kỹ sư làm việc với FPT Software. "Chúng tôi đã có văn phòng ở Hà Nội và tập trung vào phát triển nhân lực, tận dụng nguồn lực và mạng lưới của NXP trên toàn cầu", ông Frank Steinert cho biết.
Lao động Việt giỏi, ham học hỏi, nhưng thiếu "kỹ năng mềm"
Có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, ông Frank Steinert nhận định rằng, các kỹ sư của Việt Nam có tinh thần học hỏi rất cao. Họ rất muốn học hỏi về công nghệ và phát triển sự nghiệp của mình. Chẳng hạn, với kinh nghiệm từng hợp tác lâu năm với FPT, ông Frank Steinert cho hay, sau thời gian làm việc ở FPT, nhiều kỹ sư còn ra ngoài và có công ty riêng. Đây là những người rất giỏi và có ý chí cao.
"Tuy nhiên chúng tôi cũng nhìn thấy một điểm cần phải cải thiện trong lực lượng lao động Việt Nam. Đó là đôi khi lao động ở Việt Nam thường bắt đầu ở một điểm nào đó và không sẵn sàng mắc lỗi hay thảo luận về lỗi , rất e ngại xảy ra sai sót hay lỗi trong quy trình. Đáng lẽ ra chúng ta cần phải tìm hiểu cụ thể và kỹ hơn về việc tại sao lại xảy ra lỗi như vậy để tìm ra được giải pháp", Tổng Giám đốc của NXP Semiconductors Việt Nam, chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Frank Steinert, ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ mong muốn có lộ trình quản lý như làm quản lý, giám đốc… Tuy nhiên, theo ông, các bạn trẻ không nên thăng tiến theo chiều dọc như vậy, thay vào đó nên tìm cách hiểu rõ hơn về công việc của mình, với các vị trí công việc khác nhau và ở các khía cạnh khác nhau. Các doanh nghiệp cũng nên khuyết khích văn hóa này.
"Nhiều công ty, nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển giao công nghệ hay kiến thức cho Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ cho nhân sự Việt Nam trong dài hạn. Một khó khăn nữa là trình độ ngoại ngữ. Nhiều bạn có thể đọc và viết, nhưng các bạn còn rất e ngại trong việc tham gia thảo luận, phân tích vấn đề hay nói lên ý tưởng của mình. Nguyên nhân một phần có thể là do khả năng ngoại ngữ hay vì một lý do nào đó.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn, yếu tố quốc tế rất cao, đòi hỏi sự làm việc nhiều với đội ngũ quốc tế, do đó đòi hỏi các bạn cần phải lắng nghe, thảo luận và nói lên tiếng nói của mình nhiều hơn", ông Frank Steinert đưa ra lời khuyên cho lực lượng lao động ở Việt Nam.
Đồng quan điểm với ông Frank Steinert, bà Ly Nguyễn, Giám đốc dự án Viện Tony Blair Việt Nam, chia sẻ Chính phủ Việt Nam đang đi rất đúng hướng, đề ra nhiều kế hoạch hành động cụ thể về bán dẫn. Chúng ta tập trung vào đào tạo STEM, nguồn lực cho ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn. Để phát triển ngành này, trong 5 - 10 năm nữa, lực lượng lao động rất khác và cần phải chuẩn bị cho sự thay đổi ngay từ bây giờ.
Theo bà Ly Nguyễn, hiện nay, trong ngành bán dẫn, Việt Nam còn cả chặng đường dài phía trước để đạt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, đặc biêt là chất lượng của đội ngũ kỹ sư.
" Ở Việt Nam, chúng ta có lực lượng lao động trẻ, đa dạng và rất nhạy bén với công nghệ. Tuy nhiên, với ngành đòi hỏi công nghệ cao và độ chính xác cao như ngành bán dẫn thì còn đòi hỏi kỹ năng tốt hơn thế nữa.
Ngoài ra, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, ngành này vẫn cần những kỹ năng mềm như phân tích vấn đề, thảo luận, giải quyết vấn đề. Đây là những kỹ năng rất cần thiết để giúp các lao động Việt Nam phát triển hơn nữa", Giám đốc dự án Viện Tony Blair Việt Nam, nhấn mạnh.
Làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên mới tốt nghiệp và những yêu cầu của ngành?
Về vấn đề này, TS Lê Thái Hà, Giám đốc Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Phenikaa, cho biết: "Chúng tôi nhìn thấy có một lỗ hổng rất lớn về trình độ của các bạn kỹ sư mới tốt nghiệp ở Việt Nam với yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt ở trong ngành bán dẫn.
Trong việc thiết kế hay phát triển phần mềm, một lỗi nhỏ hiện nay có thể tạo ra một cái lỗi nào đó sau này. Nhưng trong ngành bán dẫn, một lỗi dù nhỏ thôi nhưng cũng rất đắt đỏ. Bởi đôi khi nó đòi hỏi việc sản xuất lại nguyên một con chip.
Vì vậy, trong ngành này, các doanh nghiệp thường tìm đến các kỹ sư có kinh nghiệm, chứ ít khi tiếp nhận kỹ sư vừa mới ra trường. Đấy là một vòng luẩn quẩn mà chúng tôi đang cố gắng tìm cách giải quyết. Bởi vì các kỹ sư có kinh nghiệm thực ra cũng đều phải bắt đầu từ các kỹ sư trẻ, kỹ sư mới. Do đó, chúng ta phải tạo điều kiện cho các kỹ sư trẻ có cơ hội để nâng cao tay nghề".
Theo TS Lê Thái Hà, hiện nay các trung tâm của Phenikaa đang cố gắng để giải quyết "bài toán" khoảng cách giữa kỹ năng, năng lực với yêu cầu của doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng nghiên cứu các nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời đặt ra câu hỏi cho doanh nghiệp là họ cần những kỹ năng gì, những yêu cầu gì. Từ đó, chúng tôi thiết kế chương trình dựa trên những yêu cầu này và thiết kế các phòng lab cho các em thực hành, các hệ thống mô phỏng, dòng công cụ...
Ngoài ra, chúng tôi còn có các chương trình đào tạo giảng viên nguồn, trong đó có gửi những người xuất sắc nhất tới Đài Loan (Trung Quốc) để đào tạo chuyên sâu hơn. Các giảng viên nguồn này sẽ có cơ hội thực hành, thiết kế các con chip thực sự", TS Lê Thái Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Phenikaa, cho biết, các bạn trẻ hiện nay sẵn sàng bỏ thời gian và chi phí để học tập trong 4 năm, nhưng đôi khi còn e ngại trong việc chi trả để tham gia những khóa học ngắn hạn giúp nâng cao tay nghề. Do đó, chúng ta cần phải cho các bạn trẻ thấy được giá trị của các khóa học nâng cao tay nghề này.
"Doanh nghiệp cũng đang rất thận trọng và cố gắng chờ để xem các chương trình, khóa học của chúng tôi về đào tạo bán dẫn có đủ tốt và mang lại giá trị cho họ hay không. Chúng tôi cũng đang kiên nhẫn, tập trung vào chất lượng và thời gian sẽ trả lời tất cả", TS Lê Thái Hà chia sẻ.
Các chuyên gia đều đồng nhất quan điểm rằng, trong bối cảnh của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, việc các lao động trẻ phải trang bị đầy đủ về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ... là những thứ rất cần thiết khi bước chân vào thị trường lao động ngành bán dẫn đòi hỏi trình độ cao, sự chính xác cũng như hội nhập quốc tế và tính cạnh tranh lớn.
Nhịp sống thị trường