Các ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ với giá rẻ
Theo kế hoạch, những người thu nhập thấp và khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng.
Đề án 241 về đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua hồi tháng 2/2018, được xem là một dấu mốc quan trọng để xóa bỏ thói quen dùng tiền mặt hàng ngày trong lưu thông của xã hội và có ý nghĩa rất quan trọng trong cộng đồng về thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Đề án nêu rõ một số mục tiêu như như đến năm 2020 sẽ có 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% các nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; ...
Tại Hội thảo Đẩy mạnh thanh toán Dịch vụ công qua ngân hàng tổ chức sáng nay (24/8), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Đề án ngay từ khi xây dựng đến khi được phê duyệt đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ các cơ quan Bộ ngành.
Các ngân hàng thương mại hiện nay cũng đều đang nghiên cứu để triển khai thêm các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, hướng tới cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ, thân thiện, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp và khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng sẽ giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Nguyễn Kim Anh, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công hiện nay còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển.
Nói về tình hình hợp tác với các bên cung ứng, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng vụ thanh toán NHNN cho biết, hiện nay 50 ngân hàng đã thỏa thuân phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc. 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học.
"Chúng ta đã có hệ thống Core banking, ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking,… Tôi khẳng định, với công nghệ hiện nay, chúng ta không hề thua kém các nước trong khu vực", ông Dũng nói.
Trong thời gian vừa qua, thanh toán điện tử cũng đã có một số chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm 2018, giao dịch thanh toán qua kênh Internet đạt 127 triệu món với giá trị giao dịch là 8.020 tỷ đồng; đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ 2017 là 50% về số món và 32% về giá trị. Giao dịch thanh toán kênh Mobile đạt 81 triệu món với giá trị giao dịch là 676 tỷ đồng; đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017 là 32% về số mòn và 144% về giá trị.
Dù vậy, còn một số tồn tại trong quá trình thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, theo ông Dũng là lượng giao dịch vẫn chưa nhiều, kết nối giữa ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ còn triển khai chậm, khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.
Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, từ cơ chế chính sách, từ hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng và một số nguyên nhân khách quan khác đến từ tâm lý, thói quen dùng tiền mặt của người dân.