Lãnh đạo nóng ruột, dân nóng lòng, Bộ nóng ghế về dự án “cao tốc rùa” Trung Lương – Mỹ Thuận
Sau 10 năm, dù đã quẳng vào tới gần 2.000 tỉ, dù đã “tạm ứng trách nhiệm” của hơn 2 nhiệm kỳ lãnh đạo, nhưng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chỉ mới “bò” được 15,8% khối lượng và hiện giờ đang nằm i...
Có bao nhiêu người lo lắng, sốt ruột và những ai bắt buộc phải nóng ruột nếu dự án không được tháo gỡ hàng loạt vướng mắc để về đích đúng hạn vào năm 2020?
Câu hỏi quan trọng của Chủ tịch Quốc hội và sự sốt ruột của ĐBQH
"Bộ trưởng hứa tới 2020 đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến, Bộ trưởng nhớ lời hứa này?", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đã đặt một câu hỏi rất quan trọng như vậy, trong phiên điều hành chất vấn tại Quốc hội, ở phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp trước, tháng 6/2018.
Tháng 12/2017, tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông báo tin vui cho cử tri miền Tây: Vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (hơn 40 km) và đang đầu tư tiếp đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km). Kế hoạch đến năm 2020 thông tuyến cao tốc tới TP Cần Thơ.
“Nhiều lần tiếp xúc cử tri Cần Thơ, nghe nguyện vọng của bà con và nay việc này đã được ghi hẳn vào nghị quyết của Quốc hội. Đây là tin vui không chỉ cho Cần Thơ mà cả đồng bằng sông Cửu Long", Chủ tịch Quốc hội nói.
Sau 10 năm triển khai dự án, đình trệ, rồi khởi động lại, rồi đình trệ, rất nhiều ĐBQH đã sốt ruột với tốc độ rùa của dự án cao tốc huyết mạch này.
Sau nhiều lần sốt ruột kiến nghị, chất vấn, tháng 11/2018, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) tiếp tục hỏi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Người dân ĐBSCL chờ đợi đến bao giờ mới có được con đường này? Trách nhiệm của ngành giao thông trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư cho con đường này trong giai đoạn tới ra sao?”
Thật lý thú, đây chính là câu hỏi mà ông Nguyễn Văn Thể đã hỏi trước đó. 4 tháng trước khi trở thành Bộ trưởng Giao thông, ĐBQH Nguyễn Văn Thể, khi ấy là Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, đã đăng đàn nêu ý kiến với Bộ trưởng Giao thông tiền nhiệm tại phiên họp của QH: “Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đến thời điểm này chưa làm gì, bây giờ Bộ GTVT giao tiếp cho Vietinbank, tôi e rằng cách làm hiện nay không biết tới lúc nào mới xong con đường này”.
Khi ấy ĐB Thể đã nói trước QH rằng: Đường Trung Lương - Cần Thơ (trong đó có đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận) là một trục đường quan trọng nhất của cả miền Nam, lưu lượng hiện nay cao nhất nước, mỗi một ngày có 50 ngàn xe đi trên tuyến đường này, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục.
“Đi từ TP. Cần Thơ lên TP. HCM có 150 km, nhưng đi khoảng 3,5 tiếng đồng hồ, có nghĩa vận tốc khoảng 40km/giờ. Đây là một con đường hết sức quá tải”.
Việc triển khai thi công trên công trường dự án đang diễn ra cầm chừng. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng sốt ruột và Bộ Giao thông nóng ghế
Là người đứng đầu một Chính phủ hành động thực sự, đang chuyển mạnh sang phục vụ, kiến tạo, lịch làm việc với các địa phương, các vùng, các ngành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn dày kín. Nhưng có thể thấy, suốt mấy năm qua, ông đã dành một sự quan tâm đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho dự án này.
Bởi vì, đối với sự điều hành vĩ mô của Chính phủ, dự án chính là động lực quan trọng để khai thông nhiều bế tắc trong phát triển, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội cho một vùng kinh tế rộng lớn.
Cuối tháng 9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi trực thăng thị sát Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hơn một tháng sau (11/2017) Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững ở vùng kinh tế quan trọng này.
Nghị quyết nêu rõ: Giao Bộ Kế hoạch Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn vốn cho những công trình có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh; Giao Bộ Giao thông tập trung nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Vĩnh Long diễn ra tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển mạng lưới giao thông ĐBSCL và coi đó là lợi thế, động lực phát triển của khu vực này: “Bộ GTVT cần phải quyết liệt hơn, làm cho xong, cho sớm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kế đến là Mỹ Thuận - Cần Thơ. Xa hơn là nghiên cứu tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến đường sắt từ TP.HCM xuống Cần Thơ”.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang tháng 12/2018, một lần nữa Thủ tướng ra tối hậu thư hoàn thành cho các dự án quan trọng Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vàm Cống và đặc biệt là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông thẳng thắn: “Tôi đã họp rất nhiều phiên nhưng do lỗi thể chế nên chậm”. Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo và đôn đốc Bộ Giao thông, Tài Chính tháo gỡ vướng mắc về lãi xuất vay vốn – rào cản quan trọng đối với dự án.
Trước khi ngồi trực thăng thị sát Đồng bằng Sông Cửu Long với Thủ tướng, ông Trịnh Đình Dũng - Phó thủ tướng đã thị sát dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và chỉ đạo tuyến đường này phải về đích năm 2019.
Tháng 5/2018, trước sự bế tắc của dự án, một lần nữa Phó thủ tướng lại phải thị sát công trình và ra tối hậu thư cho nhà đầu tư: Năm 2020 phải thông tuyến.
Tháng 11/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục có chỉ đạo nóng Bộ Giao thông phối hợp với các bộ ngành liên quan để tháo gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tháng 1/2018, tại cuộc họp về xử lý các vướng mắc trong xác định lãi suất vốn vay đối với hai dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi bổ sung các thông tư để vừa phù hợp với quy định hiện hành và vừa phù hợp với yêu cầu thực tế, tháo gỡ nút thắt trong dự án.
Nếu như Thủ tướng, các Phó thủ tướng đều sốt ruột ở khía cạnh điều hành điều hành vĩ mô, phát triển kinh tế vùng, thì Bộ Giao thông chắc chắn sẽ nóng ghế khi dự án bế tắc, đó là chưa tính đến lời hứa tự tin của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trước Quốc hội: Thông tuyến năm 2020.
Ông Thể cũng đã xác định rất rõ: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là “dự án trọng điểm quốc gia, được người dân đồng bằng sông Cửu Long hết sức mong chờ. Sau khi dự án hoàn thành, cùng với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ phát huy toàn bộ hiệu quả toàn bộ tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với Cần Thơ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.
Dân nóng lòng, nhà đầu tư nóng ruột
Tháng 8/2018, cử tri xã An Thái Trung (huyện Cái Bè) đã bày tỏ với đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang, nỗi bức xúc rất lớn trước sự ngồn ngang, chậm trễ trong dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Nhưng không chỉ có người dân xã An Thái Trung bức xúc. Hàng triệu người dân, doanh nhân miền Tây và Đồng bằng Sông Cửu Long đã chờ đợi tuyến đường trong mỏi mòn 10 năm nay. Dự bế tắc của dự án không chỉ tước đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế mà còn làm hao kiệt hy vọng chính đáng của họ.
Nhưng người dân sốt ruột 1, thì các nhà đầu tư theo dự án từ đầu lo lắng 10. Họ đã ném vào đó hơn 1.900 tỉ đồng, nhưng chưa biết khi nào có thể thoát khỏi vũng lầy, dù thời điểm cam kết hoàn thành tuyến đường chỉ còn hơn 1 năm nữa.
Một trong những nỗ lực mới nhất để phá thế bế tắc của dự án là Nhà đầu tư đã chủ động đề xuất thay tướng. Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vừa kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT chấp thuận nhà đầu tư mới thay cho Cty Yên Khánh – cty có nhiều lãnh đạo bị khởi tố vì sai phạm.
Nếu Yên Khánh không được thay thế bằng một nhà đầu tư có năng lực, ngân hàng sẽ không giải ngân, và như vậy Dự án chắc chắn sẽ đứng bên bờ đổ vỡ.
“Tướng” được Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chọn, chính là Đèo Cả - tập đoàn đầu tư BOT thần tốc và hiệu quả nhất Việt Nam.
Tuy đang chờ được Chính phủ phê duyệt, nhưng bước đi này là một khởi động rất tốt cho quá trình vận hành trở lại dự án rùa. Nhưng như vậy chưa đủ để cho lời hứa, sự cam kết của nhiều vị lãnh đạo trước Quốc hội và nhân dân, được thực hiện một cách thuận lợi. Vẫn còn ít nhất 3 vướng mắc lớn phải được giải quyết:
Một, đề xuất Chính phủ chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án từ Bộ Giao thông về UBND tỉnh Tiền Giang.
Đây không chỉ là đề xuất quyết liệt của cty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, mà còn là mô hình đã thực hiện thành công ở dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (khi Đèo Cả nghe theo lời kêu gọi của Bộ Giao thông, giải cứu thành công dự án trước đó đã đình trệ 2 năm và có nguy cơ phá sản).
Chuyển Dự án về cho tỉnh làm cơ quan quản lý có thẩm quyền chính là việc đưa tất cả trách nhiệm về một đầu mối có đầy đủ công cụ, quyền lợi, nghĩa vụ và sát sườn với dự án nhất để tỉnh chủ động quản lý nguồn và giá cả vật liệu vốn đang rất phức tạp, đồng thời trực tiếp giải quyết tình trạng mặt bằng còn xôi đỗ như hiện nay.
Phương án này cũng đã và đang được áp dụng thuận lợi ở những tuyến cao tốc trọng điểm khác: Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Hữu Nghị - Chi Lăng.
Dự án đã bị đình trệ 10 năm, nếu để Bộ Giao Thông tiếp tục làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trong khi Bộ lại giao cho 1 cơ quan rất ít quyền lực thực tiễn như Tổng cty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long làm đại diện), thì không có gì đảm bảo dự án sẽ không bế tắc tiếp.
Hai, kiến nghị điều chỉnh quy định về lãi suất vay vốn. Hiện lãi suất áp vay vốn áp dụng cho dự án ở mức7,82%/ năm.
Trong khi đó Hợp đồng tín dụng đã ký lại ở mức 10,8%. Sự chênh lệch này dẫn đến việc không có khả năng thu hồi vốn, do đó không đảm bảo điều kiện để ngân hàng rót kinh phí cho dự án. Các cấp đã có rất nhiều cuộc họp và chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc này, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ba, trong thời gian chờ tháo gỡ các vướng mắc tín dụng, để chạy đua với thời gian cam kết thông tuyến năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền cần cho các nhà đầu tư của dự án huy động vốn tín dụng để thi công và ngân hàng tài trợ vốn cần bảo lãnh cho cty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thanh toán cho các nhà thầu đã huy động vốn ngắn hạn đó.
Bốn, cho phép các nhà đầu tư trong liên danh hiện tại tự tăng cường bổ sung năng lực để tiếp tục thực hiện dự án cho đến khi có kết quả của Kiểm toán nhà nước các bên liên quan. Từ đó sẽ căn cứ vào thực trạng để đình chỉ cty Yên Khánh, thay thế bằng nhà đầu tư có năng lực.
“Rất nhiều dự án sợ Kiểm toán, vì họ muốn che dấu những phù phép, biến hóa. Nhưng chúng tôi lại kiến nghị mời Kiểm toán vào cuộc để có thể làm tiếp một cách minh bạch nhất, hiệu quả cao nhất.
Chúng tôi đã tính cả đến phương án xin phép điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để tiết kiệm nhất mà vẫn đạt chất lượng tốt, đồng thời cập nhật lại các thông số của phương án chính để không phải sử dụng trạm thu phí TP.HCM – Trung Lương và Ngân sách Nhà nước không phải bỏ ra gần 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho Dự án” – ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Cty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết.
Ông Hoàng khẳng định:“Tôi tin chắc chắn rằng, khi cả Quốc hội và người dân đều nóng ruột; khi nhà đầu tư và Bộ Giao thông đều nóng ghế; nhiều vị lãnh đạo Chính phủ đều đang hành động nóng để giải quyết, thì không có lý gì mà dự án không được tháo gỡ nút thắt trong thời gian ngắn”.
Nhịp sống kinh tế