Lãnh đạo tắm biển, ăn cá: Một hành động bằng vạn lời nói
Không cần phải giải thích, không nhiều phát ngôn, hành động các lãnh đạo tắm biển và ăn cá cùng người dân đã nói lên tất cả.
- 01-05-2016Đà Nẵng: Du khách phấn khích vì Bí thư Xuân Anh cùng tắm biển
- 30-04-2016Nhiều lãnh đạo Đà Nẵng tắm biển
- 28-04-2016Quảng Bình tạm thời cấm du khách tắm biển
Giữa sự hoang mang của dư luận về nghi vấn nước biển và hải sản bị nhiễm độc, người dân và cả du khách đều lo ngại và thận trọng với biển.
Ứng phó trước một thảm họa môi trường lần đầu xảy ra, để có thể cung cấp thông tin kịp thời, tránh gây hiểu lầm và hoang mang dư luận, không phải là dễ dàng đối với các ban ngành chức năng, khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý những thông tin này.
Đà Nẵng không phải là địa phương trung tâm diễn ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thế nhưng, ngay khi có tình trạng này xảy ra, cơ quan ban ngành liên quan đã chủ động cung cấp thông tin, đối thoại cùng ngư dân, cũng như tiến hành xét nghiệm mẫu nước vùng biển xuất hiện cá chết.
Việc sớm cung cấp thông tin như những gì ban lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã làm, là việc làm cần thiết để trấn an dư luận và làm yên lòng người dân. Đối với Đà Nẵng, một địa phương mà phát triển kinh tế biển là một trong những động lực chủ yếu, việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ là rất quan trọng.
Cùng với Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ hiện tượng cá chết hàng loạt, trong ngày 30/4 cũng đã xuống tắm biển và ăn hải sản tại vùng biển Thiên Cầm, một điểm du lịch nổi tiếng của địa phương này.
Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo ở trung ương khi đến các tỉnh xảy ra hiện tượng cá chết để kiểm tra tình hình, hỗ trợ ngư dân, trực tiếp ăn hải sản cũng làm nức lòng dư luận. Đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn, trực tiếp mua cá biển và ăn cá tại Quảng Bình; ăn mực nhảy tại Vũng Áng...
Cả tháng nay, bà con ngư dân, kinh doanh dịch vụ biển dọc suốt các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng… chịu thiệt hại nặng nề trước tình trạng cá chết hàng loạt. Những thông tin bất lợi, gây sự hoang mang trong dư luận với nghi vấn cá biển, nước biển nhiễm độc, đã làm cho người dân, du khách lo ngại, dè chừng và thận trọng hơn.
Bởi vậy, hơn lúc nào hết, người dân mong chờ sự giúp đỡ từ các ban ngành chức năng, để “biển yên sóng lặng”, yên tâm làm ăn. Cho dù các ban ngành chức năng đã tích cực vào cuộc, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bước đầu công bố thông tin dư luận, song vẫn người dân vẫn chưa thể yên tâm
Chỉ đến khi, hình ảnh những người lãnh đạo các tỉnh, không chỉ xuống dân, thăm hỏi và hỗ trợ người dân, trực tiếp tắm biển, ăn hải sản giữa những lo ngại, nghi vấn nước nhiễm độc, như ngọn lửa sưởi ấm lòng dân.
Sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của các lãnh đạo với người dân trong hoàn cảnh như vậy, thực sự rất cần thiết. Thế nhưng, vẫn chưa đủ để làm an lòng dân, chưa đủ để du khách có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm và dịch vụ.
Đúng là, một hành động bằng vạn lời nói. Những thông tin bất lợi trước thực trạng cá chết hàng loạt, dù có giải thích đến đâu, hay dù có đưa ra những bằng chứng khoa học, có lẽ cũng chưa thể đủ thuyết phục bằng chính hành động của các quan chức.
Gần dân, lo cho dân, vì đời sống của người dân, vì sự phát triển chung của địa phương, của đất nước, hơn lúc nào hết cần phải có những hành động thiết thực. Và có lẽ, giữa tâm bão dư luận, giữa sự hoang mang những người lãnh đạo xuống biển, cùng tắm biển và ăn cá với dân, đã nói lên tất cả!.