Lãnh đạo Tổng Cục Môi trường xác nhận bỏ một số câu chữ trong bản tin kết quả quan trắc vụ Rạng Đông vì "nhạy cảm"
Theo Tổng Cục Môi trường (Bô TN-MT), do "nhay cảm" nên cụm từ "qua đấu tranh", "công ty mới thừa nhận" đã bị bỏ trong thông tin kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy Rạng Đông.
- 11-09-2019Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Nhiều người dân chưa dám về nhà và nói "có bức xúc"
- 11-09-2019Những câu hỏi lớn sau vụ cháy Công ty Rạng Đông?
- 10-09-2019Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu khẩn trương tẩy độc môi trường
Trong thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đăng trên cổng Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày 6/9 có ghi:
"Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với sự đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng".
Tuy nhiên, đến sáng 11/9, trong bản tin này đã bỏ cụm từ "qua đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận...".
Cụ thể, thông báo được sửa thành: "Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 và 4/9/2019, Công ty đã báo cáo có 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng...".
Thông tin đã được chỉnh sửa trên Cổng thông tin của Bộ TN-MT
Trao đổi với PV vào sáng 11/9, một lãnh đạo Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) xác nhận, có thay đổi một số câu chữ trong thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đăng trên cổng Bộ ngày 6/9.
Về việc bỏ cụm từ "qua đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận...", vị này lý giải: "cái đó nhạy cảm nên bỏ đi".
Vị này nhấn mạnh thêm, chỉ bỏ cụm từ trên còn toàn bộ số liệu về hiện trạng môi trường vẫn y nguyên, không thay đổi.
"Chúng tôi chịu trách nhiệm về các số liệu đưa ra. Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo giao cho TP Hà Nội là đầu mối chủ trì, cung cấp thông tin, phối hợp với các Bộ. Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ làm hết sức mình trong việc phối hợp với Hà Nội", vị này nêu rõ.
Về kế hoạch tẩy độc tại khu vực Công ty Rạng Đông, vị này cho hay, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của TP Hà Nội nên họ sẽ phối hợp, có phương án.
Trước đó, theo Tổng Cục Môi trường, vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông đã làm cháy khoảng 6.000 m2 kho chứa sản phẩm bóng đèn huỳnh quang (480.000 sản phẩm), chủ yếu là loại đèn dài 1,2 m có sử dụng thủy ngân lỏng với hàm lượng 20 mg/bóng; bóng đèn compact gồm 1,6 triệu sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng thủy ngân khoảng 22 - 30%; bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram gồm 2 triệu sản phẩm), nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.
Theo báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông, từ năm 2016, công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hợp của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài ki lô gam.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31.8 và 4.9, Công ty Rạng Đông đã báo cáo có 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng.
Khối lượng hóa chất còn lại là hơn 4,5 triệu viên Amalgam, với trọng lượng là 41,75 kg; thủy ngân lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy.
Lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 - 27,2 kg.
Bộ TN-MT nhận định, sự cố cháy nổ gây mất an toàn hóa chất và ô nhiễm môi trường ở Công ty Rạng Đông ở mức trung bình (cấp cơ sở), xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc trách nhiệm chỉ đạo, xử lý của địa phương.
Tuy nhiên, trước lo ngại của người dân, Bộ TN-MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN-MT theo dõi vụ việc; Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất, không khí, nước, trầm tích đáy và tàn dư tro xỉ sau sự cố để đánh giá dư lượng hóa chất còn lại trong các thành phần môi trường để đề xuất các biện pháp xử lý.
Đến nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Hóa học vào cuộc phối hợp với TP.Hà Nội và Bộ TN-MT tiêu tẩy độc khu vực Công ty Rạng Đông, sau khi UBND TP.Hà Nội có văn bản đề nghị giúp đỡ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản hoả tốc yêu cầu tẩy độc, đồng thời di dời Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đến nơi sản xuất mới.
Trí Thức trẻ