Lãnh đạo Tp.HCM: Niềm tin của lãnh đạo và nhân dân thành phố với Sacombank vẫn không thay đổi
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, Sacombank đã phát triển với quy mô lớn nhưng cũng có lúc gặp phải những khó khăn, tuy nhiên ông tin rằng niềm tin của Lãnh đạo thành phố, của nhân dân thành phố dành cho Sacombank vẫn không thay đổi.
- 22-12-2017Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm mạnh từ 6,68% xuống còn 4,4%
- 17-12-2017Gấp rút hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu, Sacombank bán đấu giá tài sản gần 10.000 tỷ đồng
- 11-12-2017Ông Dương Công Minh đã mua xong 2 triệu cổ phiếu Sacombank, nâng sở hữu lên hơn 62 triệu cổ phiếu
Sau nửa năm bắt tay vào tái cơ cấu giai đoạn sau sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, ngân hàng Sacombank đang phát đi những tín hiệu vô cùng lạc quan.
Tăng trưởng vượt bậc
Thông tin mới nhất từ ngân hàng cho biết, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của ngân hàng ước tính tăng 11,5%; vốn điều lệ đạt hơn 18.800 tỷ đồng – nằm trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam.
Tổng huy động vốn ước tăng 12,9%, trong đó gần 97% đến từ tổ chức kinh tế và dân cư, là cơ sở vững chắc để ngân hàng giữ vững ổn định và mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Dư nợ tín dụng tăng 13%, chủ yếu tăng mạnh từ cho vay phân tán, cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, bình ổn thị trường… Hệ thống mạng lưới của ngân hàng đã lên đến 566 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh thành Việt Nam và 2 nước Lào, Campuchia.
Ngoài ra, Sacombank đã hoàn tất xây dựng và áp dụng mô hình quản trị điều hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Theo đó, Hội đồng quản trị sẽ định hướng và cùng Ban điều hành xây dựng hành lang pháp lý quản trị ngân hàng trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, tạo ra các cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa quản trị - điều hành - giám sát để đảm bảo hoạt động của ngân hàng phát huy hiệu quả cao nhất.
Nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, Sacombank đã đầu tư, nghiên cứu để triển khai hàng loạt các sản phẩm dịch vụ, ứng dụng có hàm lượng công nghệ cao theo xu hướng các ngân hàng số hiện đại trên thế giới. Bên cạnh việc chú trọng cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng để tạo sự khác biệt và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tập trung phát triển, gia tăng năng suất và hiệu quả làm việc của nguồn nhân lực.
Lãnh đạo Tp.Hồ Chí Minh và Ngân hàng Nhà nước đặt niềm tin vào Sacombank
Tại buổi Lễ kỷ niệm 26 năm ngày thành lập hôm 21/12 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP.HCM vốn có truyền thống đi đầu cả nước trong suốt 42 năm qua: nơi đầu tiên thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất và cũng là nơi đầu tiên ra đời một ngân hàng tư nhân đó chính là Sacombank.
“Trải qua 26 năm hình thành và phát triển, Sacombank đã phát triển với quy mô lớn nhưng cũng có lúc gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, niềm tin của Lãnh đạo thành phố, của nhân dân thành phố dành cho Sacombank vẫn không thay đổi. Giờ đây, với đội ngũ lãnh đạo mới, tôi mong Sacombank sẽ lắng nghe, học hỏi từ quá khứ của chính mình để phát huy truyền thống tốt đẹp, có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu”- ông Nhân nói.
Các lãnh đạo thực hiện nghi thức chúc mừng ngày thành lập Sacombank, từ trái qua gồm: bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Khanh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh, ông Nguyễn Văn Hưng – Phó chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng (NHNN VN), ông Lê Minh Hưng - Thống đốc NHNN VN, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch VAMC và ông Trần Minh Triết – Trưởng Ban kiểm soát Sacombank.
Còn theo ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những năm qua, Sacombank đã có những bước đi mạnh mẽ hưởng ứng định hướng tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ. Sacombank là một trong những ngân hàng đầu tiên được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước duyệt Đề án tái cơ cấu với lộ trình cụ thể. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, Sacombank tiếp tục có những giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại.
“Chúng tôi tin tưởng với bề dày lịch sử 26 năm cùng những bài học kinh nghiệm quý báu, đội ngũ cán bộ nhân viên tâm huyết, Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ phát huy tối đa các giá trị của ngân hàng để thực hiện thành công Đề án một cách nhanh chóng và an toàn nhất” – tư lệnh ngành ngân hàng đặt niềm tin.
2 nhiệm vụ chiến lược từ nay đến 2020
Được biết, Sacombank đã xác định 2 nhiệm vụ chiến lược hàng đầu từ năm 2018 – 2020.
Thứ nhất là đưa Sacombank tiến bước vững chắc thông qua đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu Sacombank theo Đề án, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản qua đó hạ giá thành vốn huy động; mặt khác nâng cao khả năng thích ứng với sự thay đổi của thế giới kinh doanh đang thay đổi bằng kế hoạch tái cơ cấu thượng tầng kiến trúc và tái cấu trúc hạ tầng cơ sở nhằm đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, doanh thu từ dịch vụ nhằm đóng góp rất tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng.
Thứ hai là tăng cường sức cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa, kết hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí và bằng việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác, liên kết, kế cả hợp tác, liên kết với các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh trong phạm vi nội ngành, với phương châm “Đồng hành cùng phát triển”, quyết tâm đưa Sacombank trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu.
Trí Thức Trẻ