Lào Cai quyết liệt chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với Lào Cai nhằm thực hiện mục tiêu kép trong năm 2024, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ. Do đó, công tác chỉ đạo, điều hành đối với nhiệm vụ này đang được tỉnh triển khai hết sức quyết liệt.
- 17-04-2024Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ
- 17-04-2024Không phải đầu tư công, chuyên gia chỉ ra yếu tố sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Việt Nam trong dài hạn
- 12-04-2024TP Hồ Chí Minh: Mỗi tháng phải giải ngân vốn đầu tư công trên 8.000 tỷ đồng mới đảm bảo tiến độ
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Lào Cai đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Con số này đưa Lào Cai nằm trong top các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Tuy nhiên, so với mục tiêu của tỉnh đề ra vẫn chưa đạt như kỳ vọng, có những địa phương tỷ lệ giải ngân còn thấp, có những công trình còn chậm tiến độ mặc dù chưa vào cao điểm mùa mưa lũ, thời tiết đang thuận lợi cho thi công. Yêu cầu đặt ra là phải quyết liệt, nghiêm túc hơn nữa gắn với trách nhiệm người đứng đầu, luôn phải tạo áp lực giải ngân đối với từng địa phương, đơn vị.
“Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và quản lý dự án để tháo gỡ khó khăn, kịp thời đẩy nhanh tiến độ, đơn vị nào không đảm bảo sẵn sàng bổ sung nhà thầu phụ”, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết.
Hàng tháng, các kết quả liên quan đến giải ngân đều được Lào Cai công khai để kịp thời biểu dương, phê bình, nhắc nhở, tìm giải pháp tháo gỡ. Trong số các địa phương, Bảo Thắng là điển hình tiêu biểu, từng dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ giải ngân năm 2023. Quý I năm 2024, địa phương này tiếp tục duy trì tốc độ giải ngân cao, đạt 39% kế hoạch.
“Phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, trong đó bao gồm công tác giải phóng mặt bằng phải có sự đồng thuận rất cao của người dân. Cũng phải phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ, từ công tác chuẩn bị đầu tư phải lựa chọn nhà thầu đảm bảo. Phải thường xuyên giám sát, xuống cơ sở nắm bắt tiến độ thực hiện dự án để có những điều chỉnh kịp thời”, ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng chia sẻ kinh nghiệm.
Việc bảo đảm thanh toán vốn cho các dự án cũng được Lào Cai chú trọng. Hệ thống kho bạc nhà nước hiện nay đang tiếp tục đổi mới quy trình kiểm soát chi, rút ngắn thời gian thanh toán; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành khối lượng đến đâu thì đồng thời hoàn thành hồ sơ thanh toán tới đó, tránh dồn việc cho cuối năm.
“Giao nhiệm vụ cho các đồng chí Trưởng phòng, phân công cho từng cán bộ chuyên quản phụ trách các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án định kì tổng hợp tiến độ giải ngân, thu hồi tạm ứng, báo cáo UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Lào Cai cho hay.
Tính đến thời điểm hiện tại, số dư tạm ứng vốn của Lào Cai đang ở mức cao, vào trên 4.000 tỷ đồng, một số dòng vốn dù đã giải ngân nhưng chưa đến được với công trình. Chỉ đạo tại cuộc họp chuyên đề về giải ngân mới đây, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các ngành, địa phương phải nghiêm túc, khoa học hơn nữa, xác định giải ngân là nhiệm vụ chính trị, mục tiêu từ nay đến cuối năm mỗi tháng phải giải ngân vốn đạt 1.000 tỷ đồng (bao gồm cả hoàn ứng).
“Chúng ta có rất nhiều dự án, tập trung vào giao thông, vào giáo dục, y tế, cơ bản đều phải hoàn thành trong năm 2024. Trường hợp gia hạn cũng chỉ gia hạn trong năm 2024 chứ không gia hạn trong năm 2025. Còn nếu không, buộc phải dừng dự án lại vì những lý do như địa phương triển khai chậm, nhân dân chưa đồng thuận, giải phóng mặt bằng chưa xong; đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm của chủ đầu tư đó”, ông Trịnh Xuân Trường nêu rõ.
VOV