Lao đao sau 'đại án' của Trịnh Văn Quyết, FLC lên kế hoạch mới, tìm cách huy động vốn từ cá nhân, tổ chức
Vốn điều lệ của FLC ở mức 7.100 tỷ đồng nhưng toàn bộ cổ phiếu đã bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM.
- 21-04-2024Tracodi báo lãi quý I/2024 sụt giảm 56% so với cùng kỳ
- 21-04-2024Đầu tư tài sản Koji (KPF) ‘trắng’ doanh thu trong quý đầu năm 2024
- 21-04-2024Độc lạ mùa ĐHCĐ 2024: BCG 'treo giải' một lượng vàng, PAN vẫn tặng gạo và nước mắm
- 21-04-2024Siêu dự án nhà ga Sân bay Long Thành đang thi công đến đâu?
HĐQT tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa thông qua chủ trương đối với phương án huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức để bổ sung hoạt động kinh doanh theo đề xuất của Ban Tổng giám đốc. Theo đó, Ban Tổng giám đốc FLC được giao căn cứ chức năng nhiệm vụ, phân cấp hoặc ủy quyền chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn xây dựng, triển khai thực hiện phương án chi tiết về việc huy động nguồn vốn.
Người đại diện pháp luật của tập đoàn hoặc người được ủy quyền chủ trì tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm nhưng không giới hạn việc quyết định về thời điểm, số tiền vay phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Ngoài ra, còn được tìm kiếm, lựa chọn quyết định bên cho vay, đàm phán về ký kết hợp đồng, thỏa thuận, tài liệu liên quan đến việc FLC vat vốn từ các đơn vị/cá nhân cho vay và các nội dung khác có liên quan.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 35 ngày 26/3/2024 của FLC, trụ sở tập đoàn đã chuyển về tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Vốn điều lệ tập đoàn này ở mức 7.100 tỷ đồng nhưng toàn bộ cổ phiếu đã bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Tiến Dũng, Tổng giám đốc FLC.
Những thông tin gần đây cho thấy tập đoàn FLC đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn. Theo thông tin từ HNX, FLC phải thanh toán tổng cộng 120 tỷ đồng tiền lãi và 996,4 tỷ đồng tiền gốc để tất toán lô trái phiếu FLCH2123003. Tuy nhiên đến cuối năm công ty này mới trả được lần lượt 6 tỷ đồng tiền lãi và 100 triệu đồng tiền gốc.
FLC cho biết đang trong quá trình đàm phán với trái chủ để thông qua phương án gia hạn, dự kiến thanh toán trước 28/12/2025 trong trường hợp được trái chủ đồng ý.
Ngoài ra, tập đoàn FLC còn đứng đầu bảng trong danh sách nợ thuế tại tỉnh Quảng Bình tính đến cuối tháng 1 với số tiền hơn 277 tỷ đồng. Ngoài ra, CTCP Xây dựng FLC Faros - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC cũng có tên trong danh sách với khoản thuế nợ là hơn 11,56 tỷ đồng,…
Đầu năm 2024, FLC đã tiến hành tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần một năm 2024. Ban lãnh đạo công ty chia sẻ hai năm 2022-2023 là một giai đoạn vô cùng gian nan, thách thức đối với Tập đoàn khi phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ việc của các nguyên lãnh đạo cấp cao - điển hình là ông Trịnh Văn Quyết. Mặc dù vậy, tập đoàn cũng đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận sau quá trình tái cấu trúc
Tổng giá trị tài sản hiện hữu ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, duy trì chất lượng và giá trị tài sản. Tập đoàn FLC đã và đang tiếp cận nghiên cứu nhiều dự án, trải dài trên 20/63 tỉnh thành khắp cả nước, trong đó tập trung triển khai một số dự án trọng điểm. Tập đoàn đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.
Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, cân bằng tổ chức bộ máy và ổn định thu nhập cho hơn 3.500 cán bộ nhân viên, tổng lương thưởng 2023 đạt hơn 300 tỷ đồng. Tập đoàn đã tiến hành sáp nhập 50% phòng ban, thành lập mới Ban Kinh doanh & Chiến lược, Phòng CNTT.
Năm 2024, Tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc Tập đoàn và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: Kinh doanh Bất động sản, Kinh doanh Nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.
An ninh Tiền tệ