Lao dốc mất 7%, giá dầu WTI xuống dưới 65 USD
Giá dầu giảm sâu trong phiên thứ Ba (30/11) sau khi người đứng đầu của công ty Moderna tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin COVID-19 trong việc chống lại virus biến thể Omicron, một lần nữa gây hoảng loạn thị trường tài chính và làm gia tăng lo lắng về nhu cầu dầu.
- 30-11-2021Ranh giới 70 USD/thùng của giá dầu
- 30-11-2021Thị trường ngày 30/11: Giá dầu và đồng hồi phục, lúa mì và đường lao dốc, thép giảm tiếp
- 28-11-2021Biến thể Omicron kích hoạt bán tháo trên thị trường chứng khoán và hàng hóa toàn cầu
Giá dầu thô kỳ hạn tương lai trải qua tháng 11 với mức giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch do sự xuất hiện của virus COVID-19 biến thể mới, cùng với dự báo rằng các nước sắp mở kho dự trữ dầu khẩn cấp sẽ thúc đẩy nguồn cung ngày càng tăng, kết thúc đà tăng của thị trường dầu mỏ - kéo dài đã một năm nay.
Lãnh đạo của cả Moderna, Pfizer đều cảnh báo vắc-xin ngừa COVID-19 có khả năng không hiệu quả đối với biến thể Omicron như những biến thể khác.
Tổng giám đốc điều hành hãng dược Mỹ Moderna, Stephane Bancel, nhận định mức độ hiệu quả của vắc xin đối với biến thể Omicron khó đạt mức độ như với biến thể Delta. "Tôi cho rằng độ hiệu quả sẽ giảm mạnh. Tôi chỉ không biết là bao nhiêu vì chúng ta cần chờ dữ liệu nhưng toàn bộ các nhà khoa học tôi đã liên lạc đều đánh giá rằng chuyện này sẽ không tốt đẹp", ông Bancel nói. Ông Bancel lặp lại những nhận định khác cho rằng số lượng đột biến cao ở vị trí protein gai của virus, bộ phận giúp virus bám vào tế bào để gây nhiễm, có thể giúp virus có khả năng kháng vắc xin và cần chỉnh sửa các vắc xin hiện có.
Những bình luận của ông Bancel đã khiến thị trường tài chính bị ảnh hưởng trước lo ngại những tác động của virus có thể khiến đại dịch kéo dài.
Trước đó, vị lãnh đạo của Moderna ước tính có thể mất vài tháng mới có thể phát triển vắc xin hiệu nghiệm trước biến thể Omicron.
Chủ tịch Albert Bourla của hãng Pfizer ngày 29/11 cũng cho rằng vắc xin hiện nay có thể giảm hiệu quả đối với biến thể Omicron, theo CNBC. Mặt khác, ông khẳng định tự tin rằng thuốc trị COVID-19 của Pfizer có tên Paxlovid sẽ hiệu quả trước biến thể này.
"Tin tốt là khi nói về liệu pháp điều trị của chúng tôi, nó được thiết kế với thực tế được dự báo là hầu hết những đột biến xuất hiện tại phần gai. Vì vậy điều đó giúp tôi rất tự tin rằng loại thuốc này sẽ không bị ảnh hưởng bởi virus", ông Bourla nói.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tương lai kết thúc phiên 30/11 giảm 2,87 USD, tương đương 3,9% xuống 70,57 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8, là 70,22 USD.
Giá dầu thô của vùng Tây Texas Mỹ (WTI) kết thúc phiên này cũng giảm 3,77 USD, tương đương 5,4%, xuống 66,18 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá mất tới 7% và giảm xuống dưới ngưỡng 65 USD, chỉ còn 64,43 USD, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 8. Sau đó, giá dầu nhích lên chút ít, trên bảng điện tử sau phiên giao dịch, giá dầu WTI ở mức 66,74 USD, sau khi dữ liệu của ngành cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm ít hơn so với kết quả thăm dò của Reuters là dự báo 1,2 triệu thùng.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, các kho dự trữ đã giảm 747.000 thùng dầu thô trong tuần vừa qua. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư (1/12).
Tính chung cả tháng 11, giá dầu Brent giảm 16,4%, trong khi WTI giảm 20,8%, mức giảm hàng tháng nhiều nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Giá dầu WTI giảm mạnh trong tháng 11.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy cho biết: "Mối đe dọa đối với nhu cầu dầu là chính xác. "Một làn sóng giãn cách xã hội mới có thể dẫn đến nhu cầu dầu giảm tới 3 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2022."
Thị trường dầu càng chịu áp lực hơn nữa sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cho biết ngân hàng trung ương nước này có thể sẽ thảo luận về việc tăng tốc độ giảm mua trái phiếu quy mô lớn tại cuộc họp chính sách tiếp theo, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng đến giữa năm tới.
Trong khi đó, các nhà phân tích suy đoán về khả năng Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ ngừng tăng sản lượng, thậm chí có thể giảm nhẹ sản lượng như họ đã từng hành động trước đây, khi thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng dư cung nghiêm trọng.
Mức giá của các hợp đồng tương lai có thời hạn xa hơn cho thấy thị trường đang bớt lo lắng về việc cầu vượt cung trong ngắn hạn và cung vượt cầu trong nửa đầu năm tới.
Mức cộng giá dầu Brent và WTI kỳ hạn giao sau một tháng so với kỳ hạn 6 tháng đã thu hẹp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Dữ liệu này được các nhà giao dịch theo dõi chặt chẽ bởi đó giống như một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai. Mức cộng tăng cao sẽ cho thấy sự lo lắng nhiều về mức thiếu hụt nguồn cung trong thời gian sắp tới.
Cụ thể, chênh lệch giá giữa 2 kỳ hạn nói trên của dầu Brent đã thu hẹp còn khoảng 1,50 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3; của dầu WTI giảm xuống khoảng 1,90 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 9. Điều này chứng tỏ các nhà giao dịch đã tạm gác lại những lo lắng về nguồn cung trong tương lai cũng như về nhu cầu hiện tại.
Hiện chưa rõ liệu OPEC +, có trì hoãn kế hoạch cung cấp thêm 400.000 thùng/ngày (bpd) vào tháng 1/2022 hay không, nhưng nhóm này đã cân nhắc những tác động của việc Mỹ và các nước khác tuần trước tuyên bố giải phóng dự trữ dầu thô khẩn cấp để điều chỉnh giá năng lượng.
Nhà phân tích Edward Moya của OANDA cho biết: "Sau khi các nước tiêu thụ dầu lớn phát đi thông điệp về dự định xuất kho Dự trữ chiến lược và hàng chục quốc gia hạn chế đi lại ... OPEC và các đồng minh có thể dễ dàng biện minh cho việc ngừng tăng sản lượng hoặc thậm chí cắt giảm nhẹ".
Tham khảo: Refinitiv