MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam thu nhập trung bình cao gấp bao nhiêu lần doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ?

Lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam thu nhập trung bình cao gấp bao nhiêu lần doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ?

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2021, lao động khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ có mức thu nhập trung bình chỉ khoảng 6,9 triệu đồng/tháng.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2021 Tổng cục Thống kê công bố mới đây, thu nhập bình quân tháng của một lao động năm 2019 tăng dần theo quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến lớn.

Cụ thể khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ có mức thu nhập thấp nhất với 6,9 triệu đồng/tháng và giảm nhẹ so với năm 2018 (giảm 0,8%); khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ có mức thu nhập 8,1 triệu đồng, tăng 5,7%; khu vực doanh nghiệp quy mô vừa với 8,9 triệu đồng, tăng 7,9%; khu vực doanh nghiệp quy mô lớn có mức thu nhập cao nhất đạt 10,2 triệu đồng, tăng 6,2%.

Như vậy, mức thu nhập của lao động làm việc tại doanh nghiệp quy mô lớn cao gấp gần 1,5 lần so với thu nhập lao động tại doanh nghiệp siêu nhỏ, cao hơn 26% so với doanh nghiệp nhỏ, và 14,6% so với doanh nghiệp vừa. 

Lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam thu nhập trung bình cao gấp bao nhiêu lần doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ? - Ảnh 1.

Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn gần đây, khu vực doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ vẫn có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại thời điểm 31/12/2019 có 449.031 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, chiếm 67,2% số doanh nghiệp cả nước, tăng 10,0% so với cùng thời điểm năm 2018; có 179.319 doanh nghiệp quy mô nhỏ, chiếm 26,8%, tăng 8,6%; có 22.788 doanh nghiệp quy mô vừa, chiếm 3,4%; tăng 10,0%; có 17.367 doanh nghiệp quy mô lớn, chỉ chiếm 2,6%, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2018.

Tại thời điểm 31/12/2019, khu vực doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ mặc dù có số lượng doanh nghiệp lớn nhất nhưng số lao động chỉ chiếm 28,7% tổng số lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ thu hút gần 1,7 triệu lao động, giảm 3,0% so với cùng thời điểm năm 2018; doanh nghiệp quy mô nhỏ thu hút gần 2,7 triệu lao động, tăng 2,2%; doanh nghiệp quy mô vừa thu hút 1,3 triệu lao động, tăng 1,0%; doanh nghiệp quy mô lớn thu hút gần 9,5 triệu lao động, tăng 3,7%. 

Mặc dù doanh nghiệp quy mô lớn có tỷ trọng số doanh nghiệp thấp nhất, chỉ chiếm 2,6%, tuy nhiên lại có tỷ trọng lao động chiếm tới 62,5%, cao nhất trong các khu vực doanh nghiệp.

Tại thời điểm 31/12/2019 doanh nghiệp quy mô lớn có số lượng doanh nghiệp chiếm 2,6% trong tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng nguồn vốn thu hút cho SXKD nhiều nhất với 28,8 triệu tỷ đồng, chiếm 66,6% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 6,7%; khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ thu hút 11,3 triệu tỷ đồng cho SXKD, chiếm 26,0%, tăng 24,8%; khu vực doanh nghiệp quy mô vừa thu hút 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm 7,4%, tăng 12,8%.

Doanh nghiệp quy mô lớn đạt mức doanh thu thuần năm 2019 cao nhất toàn bộ khu vực doanh nghiệp với 19,1 triệu tỷ đồng, chiếm 72,5%, tăng 11,1% so với năm 2018; doanh nghiệp quy mô nhỏ đạt 3,9 triệu tỷ đồng, chiếm 14,9%, tăng 11,8%; doanh nghiệp quy mô vừa đạt 2,6 triệu tỷ đồng, chiếm 9,9%, tăng 14,0%; doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ đạt thấp nhất với 715,9 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 2,7%, tăng 8,0%.

Năm 2019, khu vực doanh nghiệp có quy mô lớn tạo ra 937,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 1,7% so với năm 2018, khu vực doanh nghiệp có quy mô vừa tạo ra 27,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2018. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ năm 2019 kinh doanh thua lỗ (doanh nghiệp nhỏ lỗ 3,4 nghìn tỷ đồng; doanh nghiệp siêu nhỏ lỗ 71,3 nghìn tỷ đồng).

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên