MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao vào cơn sốt đất, nhà đầu tư tay ngang khốn đốn vì chưa thoát được hàng

05-01-2022 - 09:16 AM | Bất động sản

Lao vào cơn sốt đất, nhà đầu tư tay ngang khốn đốn vì chưa thoát được hàng

Rao bán mãi mảnh đất không người mua trong khi áp lực trả lãi ngân hàng gia tăng, một số nhà đầu tư rơi vào tình cảnh khốn đốn vì quyết định bất chấp xuống tiền vào bất động sản khi vốn không đủ mạnh, thiếu kinh nghiệm trong đầu tư.

Tháng 3/2021, cơn sốt đất ở Bắc Giang bùng lên. Chưa từng đầu tư bất động sản, nhưng anh N.M vẫn mạnh dạn gom hết số tiền tiết kiệm cùng một người bạn về tận Bắc Giang mua đất dự án. Thấy đồng nghiệp ai cũng đầu tư bất động sản, "lướt sóng" kiếm trăm triệu dễ dàng, anh M. nuôi giấc mộng đổi đời như mọi người. "Liều mới ăn nhiều", "phi thương bất phú", đó là những câu nói của đồng nghiệp và tự bản thân anh đúc rút ra khi chứng kiến nhiều trường hợp "giàu sổi" từ đầu tư đất.

Nghĩ là làm, anh M. quyết định rút 120 triệu đồng từ sổ tiết kiệm, vay thêm người thân 150 triệu đồng, về Bắc Giang mua lô đất dự án. Số tiền còn lại, anh dùng chính sổ đỏ căn chung cư đang ở để vay tiền đầu tư. Anh từng đặt ra so sánh, nếu như vay ngân hàng lãi suất 8,5% năm đầu tiên và khoảng 11% kể từ năm thứ hai vẫn rẻ hơn so với lợi nhuận của bất động sản tăng. 

Thế nhưng, mọi dự tính của anh M. đã thay đổi khi dịch bệnh bùng phát liên tục. Cơn sốt đất Bắc Giang đã dập tắt nhưng đã bao tháng nay, chưa có dấu hiệu hồi sinh. Mảnh đất ở Bắc Giang vẫn chưa tìm được chủ mới còn anh M. đang chịu áp lực với khoản lãi ngân hàng mỗi tháng. Ngay cả đến khi anh đề nghị cắt lỗ tới 20%, kết quả mà anh nhận được là không một ai hỏi mua lô đất này.

Lao vào cơn sốt đất, nhà đầu tư tay ngang khốn đốn vì chưa thoát được hàng - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư lao vào cơn sốt và rơi vào tình cảnh chôn vốn. (Ảnh minh hoạ)

Cũng là một nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường bất động sản, chị N.A may mắn hơn anh M. khi đã thoát thành công lô đất vào tháng 10/2021. Thế nhưng so với những nhà đầu tư lướt sóng thành công, chị N.A tự nhận mình kém may mắn vì mua ở thời điểm giá cao, nhưng khi tất toán, khoản lời chỉ được vài chục triệu. Chị nhẩm tính, nếu trừ chi phí đi lại, điện thoại, cà phê mời môi giới… thì số tiền lời không bõ thời gian, công sức. Đó là lý do mà chị quyết định từ chối tất cả những lời mời tham gia góp vốn chung đầu tư vào bất động sản. Bởi với chị, thương vụ vừa qua cùng quãng thời gian mất ăn mất ngủ vì tiền vay đất đủ khiến chị không dám mạnh tay "liều ăn nhiều".

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhà đầu tư tay ngang ở các ngành khác dồn vào thị trường trong giai đoạn sốt đất vừa qua họ bị mắc bẫy, thiệt hại khá nhiều. Chính vì vậy, bản thân họ có sự e ngại, nghi ngờ và cũng bất đầu rón rén, dè dặt trong việc tham gia đầu tư vào thị trường.

Vị chuyên gia này cho rằng, các nhà đầu tư tay ngang, phần lớn đều nhảy vào thị trường không chuyên, những thị trường mà đất đai, dự án không phù hợp với quy định pháp luật như bán trên nền tảng đất ruộng, đất vườn phân chia ra là chính, cho nên họ bị sập các bẫy đầu cơ. "Chúng tôi không đưa nhóm này vào số liệu tính toán, vì đây không phải là bất động sản được phép giao dịch. Nhưng có một thực tế, số người bị thiệt hại trong các đợt sốt đất vừa qua chủ yếu đến từ các nhà đầu tư tay ngang", ông Đính chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Đính, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đều rất tỉnh táo. Họ có nhiều kinh nghiệm và rất thận trọng trong đầu tư đặc biệt là xem xét rất kỹ yếu tố đảm bảo của bất động sản như pháp lý, quy hoạch, chất lượng, hạ tầng, giá cả hợp lý mới tham gia.

Hải Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên