Lập 37 'chốt nóng' đảm bảo trật tự giao thông Tết và năm 2022
Xác định Tết Nhâm Dần và năm 2022, tình hình giao thông, đi lại có thể giảm sức “nóng” so với những năm trước, tuy nhiên Thanh tra Sở GTVT Hà Nội (TTGT) đánh giá việc đi lại có những phức tạp mới, cần được theo dõi, giám sát.
Từ thực tế này, TTGT đã xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch 2022. Kế hoạch duy trì 37 chốt trực, phối hợp với lực lượng CSGT nhằm đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, chống ùn tắc trong giờ cao điểm.
Ðạt mục tiêu “kép”: Đảm bảo giao thông và trật tự cửa ngõ
Cùng với các nhiệm vụ tổ chức phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông trên các tuyến phố, trong năm 2021, TTGT, Sở GTVT Hà Nội còn phối hợp với lực lượng CSGT, Quân đội, Y tế và các lực lượng chức năng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại 54 vị trí chốt trực theo yêu cầu, chỉ đạo “nóng” của lãnh đạo thành phố.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long (thứ 2, từ trái sang) kiểm tra và động viên liên ngành TTGT-CSGT kiểm soát xe “luồng xanh” chốt cửa ngõ Pháp Vân (phía Nam) tháng 7/2021. Ảnh: T.Đảng
Trong các chốt trực này, có 22 vị trí nằm ở các cửa ngõ lớn ra, vào Thủ đô, 32 vị trí tại khu vực phân vùng giãn cách xã hội trên địa bàn các Quận, Huyện, Thị xã theo Chỉ thị số 20 của Chủ tịch UBND Thành phố. “Để thực hiện các nhiệm vụ này, TTGT đã huy động tổng số 292 cán bộ, công chức, thanh tra viên, nhân viên trong một ngày trực. Công việc vừa phân luồng, điều tiết giao thông vừa tiến hành quét mã QRCode để kiểm tra đối với các phương tiện được cấp giấy “luồng xanh”, giấy test nhanh COVID để vào thành phố”, Chánh Thanh tra, Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang điểm lại các công việc thực tế.
Đề cập đến một số kết quả nhiệm vụ nổi bật của TTGT năm 2021, Chánh Thanh tra Trần Nhật Quang cho biết, chỉ tính riêng tại 22 vị trí chốt trực cửa ngõ ra, vào thành phố (phòng, chống dịch COVID-19): từ ngày 24/7 đến ngày 23/9/2021 TTGT đã phối hợp với lực lượng CSGT tiến hành kiểm soát và cho phép hơn 2,1 triệu lượt phương tiện có thẻ nhận diện xe ưu tiên “luồng xanh” lưu thông an toàn vào thành phố; yêu cầu hơn 50 nghìn phương tiện không đủ điều kiện “quay đầu” lại nơi xuất phát.
Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, lãnh đạo TTGT Hà Nội cho biết, đã lập biên bản vi phạm 15.400 trường hợp, xử phạt 40,4 tỷ đồng. Trong đó, kiểm tra, lập biên bản vi phạm trên lĩnh vực vận tải hành khách 3.769 trường hợp; Vận tải hàng hóa 7.559 trường hợp; Đường thủy nội địa 74 trường hợp; Trật tự đô thị 4.037 trường hợp.
Đánh giá về các nhiệm vụ thực hiện trên của TTGT, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho rằng, đã đạt “mục tiêu kép” trong việc vừa giúp Thành phố kiểm soát tốt tình hình diễn biến dịch trên địa bàn, vừa đảm bảo việc đi lại thông suốt, trong đó có lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn, ùn ứ kéo dài.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát phức tạp nhưng TTGT vẫn kiểm tra, xử phạt 5.439 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước trên 40,4 tỷ đồng |
Bố trí lực lượng phản ứng nhanh với điểm “nóng” giao thông Tết
Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, lãnh đạo TTGT, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường phục vụ người dân đi lại an toàn, thuận lợi dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2022 trên địa bàn Thành phố. Đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, với công tác đảm bảo giao thông, phân luồng tại điểm ùn tắc: Các Đội Thanh tra GTVT tiếp tục thực hiện phương án đã được Sở GTVT Hà Nội duyệt, bố trí lực lượng phối hợp với CSGT, Công an các quận huyện thực hiện nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự ATGT kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết sự cố giao thông trên các tuyến đường. Tại các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm: TTGT chủ động bố trí lực lượng tại 37 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, huy động 98 đồng chí/ca trực. Trong đó, thời gian tập trung lực lượng là sáng từ 06h đến 9h’, chiều từ 16h đến 19h30.
TTGT, Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm trên đường dịp cuối năm 2021. Ảnh: T.Đảng |
Với khu vực các bến xe khách: Thành lập 02 Đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 06 Bến xe khách; Bố trí lực lượng tại 7 vị trí chốt trực, có nhiệm vụ phân luồng hướng dẫn, hạn chế ùn tắc giao thông khu vực cổng ra, cổng vào các bến xe lớn. Cụ thể là các bến xe khách liên tỉnh, gồm: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây. Các Đội Thanh tra GTVT chuyên ngành gồm Cơ động, Vận tải đường bộ cùng với các đội địa bàn, bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên tại khu vực cổng vào, ra bến xe, khu vực xe khách đăng tài; tiến hành tuần tra trên các tuyến đường xung quanh bến xe, có giải pháp phát hiện, xử lý các phương tiện dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định trên đường. “7 vị trí chốt trực này có nhiệm vụ tập trung vào dịp cao điểm cuối năm. Trong đó cao điểm Tết Dương lịch được xác định là từ ngày 31/12 đến ngày 3/1/2021, cao điểm Tết Nguyên đán từ ngày 28/1/2021 (tức 25 tháng Chạp năm Tân Sửu) đến 7/2/2022 (tức 7 Tết Nhâm Dần)”, ông Trần Nhật Quang thông tin.
Năm 2021, TTGT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính 15.439 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 40,4 tỷ đồng, tạm giữ 151 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX 1.018 trường hợp, tước tem kiểm định ATKT & BVMT 52 xe ô tô tải, tước phù hiệu xe 126 trường hợp; đạt 100,29% chỉ tiêu đề ra năm 2021. Một số hoạt động cụ thể: Phối hợp với Đoàn Thanh tra của Bộ GTVT tiến hành thanh tra tại 27 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Tham mưu Sở GTVT Hà Nội ban hành văn bản số 6371/SGTVT-TTS ngày 30/12/2020 về việc khắc phục, hoàn thiện các điều kiện còn thiếu trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng…
Tiền Phong