MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấp 'lỗ hổng' hạ tầng thương mại điện tử

03-11-2022 - 13:33 PM | Kinh tế số

Lấp 'lỗ hổng' hạ tầng thương mại điện tử

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cần được xây dựng nền tảng hoàn thiện vững chắc, lấp các “lỗ hổng” để bứt phá hơn nữa, từ đó thúc đẩy phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc. Dữ liệu cho biết quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng theo dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.

Năm 2022, kinh tế internet của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để TMĐT phát triển bền vững, vấn đề hoàn thiện chính sách vấn cần được quan tâm.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, thị trường TMĐT của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn như thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận TMĐT giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật. Cùng với đó, bên cạnh thói quen dùng tiền mặt thì lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm bán online vẫn còn là một vấn đề.

Đại diện VECOM cũng cho biết, cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam rất khốc liệt. Nhiều tên tuổi TMĐT lớn đã “mất tích” trong vòng 10 năm sau khi ra đời. Chẳng hạn, giai đoạn 2001-2010, những tên tuổi lớn xuất hiện rồi biến mất gồm: VDC Siêu thị, Chợ điện tử, GoPhatdat, VnEmart…; giai đoạn 2011-2020: 123Mua, Muachung, Nhommua, Vatgia, Deca, FoodPanda, Zaloza, Adayroi… ra đời rồi cũng mất tích.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự báo còn có 2 sàn TMĐT nữa của Việt Nam có thể “chết yểu”. Các sàn TMĐT thuần Việt phải cạnh tranh với Facebook, Viber, Zalo, Tiktok… từ nước ngoài với tiềm lực to lớn.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với TMĐT tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật.

“Đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực TMĐT mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác. Bởi kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi cũng không hề đơn giản” - bà Thảo nói.

Để phát triển thị trường TMĐT, mới đây nhất Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2022/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.

Nghị định số 91 bổ sung Khoản 8 Điều 27: Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

Ngoài ra Thông tư số 100/2021/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC cũng điều chỉnh theo hướng mới: tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân là người nộp thuế trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Xây dựng giải pháp, lộ trình cung cấp thông tin theo hình thức điện tử từ các sàn giao dịch TMĐT đến cơ quan thuế nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế theo rủi ro, đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch TMĐT...

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho rằng, trong hoạt động thuế thì quan trọng nhất là chứng từ, đơn hàng mà các sàn TMĐT đã bán. Hiện, chúng ta đang thiếu cơ chế để xác nhận chứng từ điện tử để để khớp giữa đầu vào và đầu ra. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp kê khai thuế gặp khó khăn trong việc chứng minh. Nghị định 91 của Chính phủ vừa ban hành cho thấy, cơ quan thuế đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các bên. “Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế về công nghệ và chính sách để tiếp cận thuế cho TMĐT” – ông Hưng cho hay.

Theo H.Hương

Đại đoàn kết

Trở lên trên