‘Lắp ráp’ thành công toà chọc trời 57 tầng trong 19 ngày, các ‘pháp sư Trung Hoa’ tham vọng xây tháp cao nhất thế giới chỉ trong 90 ngày
Công trình này từng được kỳ vọng soán ngôi tháp Burj Khalifa của Dubai.
- 17-04-2023Chi phí dùng bữa tại nhà hàng ở Mỹ ngày càng đắt đỏ
- 17-04-2023Toàn cảnh vụ rò rỉ tài liệu quân sự mật từ phòng chat Mỹ
- 16-04-2023Hot TikToker kiếm gần 3 tỷ đồng trong 6 tháng: Định quay video ‘chơi chơi’ nhưng lại lên xu hướng, ‘hái ra tiền’ nhờ lượt xem là có thật
Vào năm 2015, một công ty xây dựng Trung Quốc đã tuyên bố hoàn thiện công trình xây dựng nhanh nhất thế giới. Theo Guardian, họ đã xây xong toà nhà chọc trời 57 tầng có tên Mini Sky City chỉ trong 19 ngày.
Toà nhà bằng kính và thép được xây dựng tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Công ty phụ trách Broad Sustainable Building (BSB) đã áp dụng phương pháp xây dựng tiền chế. Mỗi module được dựng sẵn tại nhà máy, sau đó được vận chuyển đến công trường để lắp lại với nhau.
Khi xây dựng Mini Sky City, công ty đã lắp được 3 tầng mỗi ngày bằng phương pháp kể trên. Quá trình thi công chỉ bị gián đoạn hai lần vì lý do thời tiết.
Kỹ sư Chen Xiangqian của công ty cho biết: “Theo phương pháp truyền thống, người thợ phải xây từng viên gạch. Nhưng với phương pháp mới, chúng tôi chỉ cần lắp các khối lại với nhau”.
Phương pháp thần tốc này đã được áp dụng để xây các chung cư cao tầng kể cả ở Anh và Mỹ. Các chuyên gia cho biết cách này rất đáng để phát triển, vì nó có thể giúp xây dựng các tòa nhà chọc trời vừa nhanh chóng lại an toàn. Song, cách xây này lại không đáp ứng được nhu cầu tạo nên những toà nhà độc lạ. Một số nhà phê bình cho rằng phương pháp này sẽ tạo ra một cảnh quan “vô hồn”, vì các toà nhà quá giống nhau.
Mini Sky City có 19 giếng trời, 800 căn hộ và không gian văn phòng cho 4.000 người. Theo lãnh đạo công ty xây dựng, toà nhà này hoàn toàn có thể chịu được động đất.
BSB đã dành 4 tháng rưỡi để chế tạo 2.736 module của toà nhà trước khi tiến hành xây dựng. Công ty đã và đang tiếp tục cải tiến công nghệ để tăng tốc độ xây dựng lên nhanh hơn nữa.
Chưa dừng lại ở đó, BSB đặt ra tham vọng lớn hơn là xây dựng công trình có tên Sky City cũng tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nếu hoàn thành, Sky City sẽ là toà nhà cao nhất thế giới với 220 tầng. Tổng chiều cao của nó là 838m, cao hơn cả toà nhà cao nhất thế giới hiện tại là Burj Khalifa. Điều đáng nói hơn là BSB dự định xây công trình này chỉ trong vòng 90 ngày bằng cách áp dụng phương pháp tương tự kể trên.
Theo đề xuất, hầu hết các tầng của toà nhà chọc trời này đều sẽ có khả năng chống động đất và là nơi ở của 174.000 người. Khu vực còn lại sẽ là khách sạn, trường học, bệnh viên, văn phòng, cửa hàng và nhà hàng.
BSB còn tiết lộ thêm rằng công trình này sẽ có chi phí thấp hơn so với số tiền 1,5 tỷ USD để xây toà Burj Khalifa của Dubai.
Giám đốc BSB cho biết Sky City dự kiến sẽ tiêu thụ 1/5 năng lượng so với nhu cầu thông thường của một tòa nhà. Đó là nhờ phương pháp xây dựng độc đáo của BSB, chẳng hạn như kính bốn lớp, tường bên ngoài dày 15 cm để cách nhiệt, cửa sổ bốn cánh, điều hòa không khí không dùng điện, hệ thống làm mát-sưởi điện và đèn LED.
Đề xuất công trình hoàn mỹ là thế, dự án Sky City đã bị hoãn vào năm 2016. Sau đó, tờ People's Daily đưa tin rằng dự án đã bị huỷ bỏ vì một số cuộc biểu tình. Công trình bị cho là sẽ gây thiệt hại đến môi trường xung quanh khu vực Hồ Daze, nơi đang cần được bảo tồn.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường