Lật tẩy 4 chiêu nhà bán hàng áp dụng vào "Thứ Sáu đen tối" phía sau những sản phẩm tưởng như “ngon, bổ rẻ”
Black Friday là thời điểm nhiều mặt hàng được sale với mức giá siêu sốc để thu hút khách hàng. Tuy nhiên phía sau đó là những chiêu bài mà không phải người mua nào cũng nhận ra.
- 25-11-2020[Góc lành mạnh] Bác sĩ tiết lộ 3 mẹo nhỏ khi đi mua sắm có thể thay đổi cuộc sống của bạn
- 03-09-2020Thay đổi thói quen mua sắm và đầu tư thời dịch
- 04-04-20204 điều cần lưu ý khi đi mua sắm trong siêu thị để tránh nhiễm virus, vi trùng và các mầm bệnh khác
Bắt nguồn tại Mỹ, Black Friday-Thứ Sáu đen tối, là ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (ngày Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày thứ Năm lần thứ 4 trong tháng 1, cho nên Thứ Sáu đen rơi vào khoảng ngày 23-29/11). Đây là dịp các mặt hàng giảm giá rất mạnh, có thể lên đến 80%, khiến khách hàng chen nhau từ nửa đêm để xếp hàng và giành giật nhau từng món đồ.
Những năm gần đây, Black Friday cũng trở thành hoạt động mua sắm được mong chờ tại Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh nhiều thương hiệu giảm giá thật sự, vẫn còn nhưng nơi áp dụng chiêu trò để tranh thủ thu hút khách hàng.
Tăng giá trước khi giảm giá
Không chỉ trong mùa Black Friday mà nhiều cửa hàng còn áp dụng chiêu này trước mỗi mùa sale nói chung. Vì tưởng được món hời nhiều khách hàng tranh nhau mua trong khi tỷ lệ giảm giá thật sự không quá cao. Thậm chí nếu so ra, mức giá sản phẩm cũng chỉ ngang với thời điểm chưa sale. Ví dụ với sản phẩm túi xách, bình thường giá chưa sale là 200.000 đồng, nhưng trước mùa Black Friday, người bán có thể tăng lên 400.000 đồng. Đợi đến đúng ngày, họ treo biển giảm 50%, hoặc có thể chịu lãi ít hơn với mức giảm 60, 70%.
Rất nhiều tín đồ mua sắm cũng từng chia sẻ, sau khi so giá món đồ sale 50% vừa mua được, họ nhận ra cửa hàng khác cũng từng bán món đó với mức giá tương tự trong những ngày không có khuyến mãi. Vậy nên để tránh rơi vào bẫy này, người mua cần tìm hiểu xem giá trên mạng và giá ở một số cửa hàng khác là bao nhiêu trước khi quyết mua sản phẩm chỉ vì tỷ lệ sale khủng.
Hàng sale là hàng lỗi mốt, thiếu size
Theo Business Insider, khách hàng cần tỉnh táo hơn khi mua sắm trong ngày Black Friday bởi hàng khuyến mãi dịp này thường là hàng cũ. Ví dụ với ngành hàng thời tràng, phần lớn các sản phẩm khuyến mãi lớn đều là hàng lỗi mốt, được sản xuất ít nhất 1 năm trước hoặc hơn và đây là dịp để người bán "dọn kho". Ngoài ra, các mẫu lẻ size cũng được giảm sâu để cửa hàng nhanh chóng có chỗ chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh sắp tới.
Tất nhiên, cũng có những sản phẩm thời trang mới, hay các mặt hàng điện thoại, máy tính bảng được giảm giá vào mùa này. Tuy nhiên phần trăm giảm giá thường thấp và có thể bị giới hạn số lượng.
Đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ của khách hàng
"Số lượng có hạn", "Chỉ sale trong hôm nay",… là những kiểu quảng cáo dễ tác động đến hành vi mua sắm của khách hàng. Những câu nói này đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ - Fear of missing out (FOMO) của người mua và thôi thúc họ nhanh chóng ra quyết định.
Tuy nhiên sự thực là số lượng sản phẩm có thể không hề giới hạn, vì các shop đều chuẩn bị kỹ cho mùa mua sắm cuối năm. Ngoài ra, nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy với các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang, có nhiều dịp sale quanh năm như sale cuối mùa, sale chào mừng ngày 8/3, 20/10, thậm chí sale vào ngày sinh nhật shop, vào sinh nhật khách hàng,…Vậy nên để tránh bẫy này, người mua cần tỉnh táo cân nhắc xem mình có thật sự cần sản phẩm đó hay không và nếu cần thì đây đã là mức giá tốt chưa.
Sale sốc nhưng chỉ áp dụng cho một số mặt hàng
Tiêu biểu cho loại hình này chính là câu chuyện "Sales up to 70%", "Sales up to 80%". Với những người tiêu dùng bận rộn, họ có thể không để ý đến chữ "up to" (hoặc shop đã cố tình để cỡ chữ thật nhỏ) nên sẽ nghĩ chương trình sale áp dụng toàn bộ cửa hàng và ghé vào.
Sự thật thì chỉ một vài món đồ được giảm giá sâu, còn các món đồ khác sẽ có tỷ lệ giảm giá thấp hơn, thậm chí 5-10%. Tuy nhiên vì tránh mất thời gian và đã tốn công vào thử, khách hàng vẫn có tâm lý mua một hoặc một vài món đồ trước khi đi ra. Để tránh rơi vào tình trạng này, khách hàng nên đọc kỹ chương trình quảng cáo và xác định mua sản phẩm mình cần thay vì sản phẩm mình thích hoặc sản phẩm giảm giá sâu.
Trí thức trẻ