MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lật tẩy nhiều thủ đoạn trục lợi bảo hiểm xã hội

05-08-2017 - 13:26 PM | Xã hội

Qua điều tra phát hiện, xử lý nhiều đơn vị, cá nhân tại các địa phương lợi dụng, làm giả chế độ thai sản của người lao động để chiếm đoạt quỹ BHXH.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, Bảo hiểm tự nguyện (BHTN), cho thấy tình trạng lạm dụng, trục lợi đang diễn ra với nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau; việc lạm dụng, trục lợi từ phía người lao động, người thụ hưởng và người sử dụng lao động với chiều hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.


Việc lạm dụng BHXH ngày càng diễn ra phức tạp. (Ảnh minh họa)

Việc lạm dụng BHXH ngày càng diễn ra phức tạp. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện nay tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT có giảm nhưng ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương tỷ lệ nợ vẫn còn cao. Số liệu thống kê năm 2015 chỉ ra rằng tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT là 9.921 tỷ đồng, chiếm 4,47% số phải thu; năm 2016 tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT là 9.337 tỷ đồng, chiếm 3,22% kế hoạch thu. Đến hết tháng 4 năm 2017 tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT là 17.551 tỷ đồng, chiếm 6,6% kế hoạch thu.

Tháng 2/2017, qua cuộc khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại 16 doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) với 7.891 lao động tại 06 tỉnh, cho thấy số liệu đáng báo động là chỉ có 13% người lao động trong các doanh nghiệp được tham gia BHXH.

Trong 5 năm 2012-2017 BHXH đã phối hợp với lực lượng công an kinh tế thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở khám chữa bệnh BHYT; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật).

Qua đó, đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn, yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576.073 triệu đồng; yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH; yêu cầu thu hồi, xuất toán 48.861 triệu đồng do lạm dụng các chi phí KCB BHYT.

Qua quá trình điều tra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều mánh khóe, thủ đoạn trục lợi BHXH. Đơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh một số cá nhân phối hợp, tổ chức chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và BHXH một lần với số tiền chiếm đoạt là 1.315 triệu đồng (gồm 39 hồ sơ: 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản với số tiền là 1.287 triệu đồng và 04 hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần với số tiền là 29 triệu đồng. Có trường hợp cơ quan BHXH nhập không đúng mức lương tham gia BHXH dẫn đến thanh toán thừa 54 triệu đồng giải quyết chế độ cho 01 đối tượng. Tuy nhiên, sau nhiều lần cơ quan BHXH yêu cầu đối tượng hoàn trả lại số tiền thừa nhưng đối tượng không thực hiện mà cố tình chiếm đoạt số tiền này.

Tại Cần Thơ có đơn vị lập thủ tục tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi BHXH thông qua việc giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Có thể thấy, các tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi quỹ BHXH, BHTN, đặc biệt là quỹ Ốm đau - Thai sản./.

Theo Nguyễn Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên