“Lâu lắm rồi chúng ta mới có được một Phó Thủ tướng là một nhà khoa học, nhà kinh tế am hiểu thực tiễn”
ĐBQH Dương Trung Quốc nhận xét đầy phấn khởi như vậy với chúng tôi bên hành lang Quốc hội khóa 14.
- 26-07-2016Danh sách nhân sự cấp cao nhiệm kỳ 2016-2021
- 25-07-2016Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 59 địa phương
- 22-07-2016Hồ sơ nhân sự chủ chốt của Quốc hội khóa XIV
ĐBQH Dương Trung Quốc nhận xét đầy phấn khởi, “Trong 3 tháng qua, Chính phủ đã thể hiện được sự nhập cuộc năng động, quyết liệt, khẩn trương, hành động đó là những dấu ấn dễ cảm nhận nhất ở Chính phủ mới. Đặc biệt, thời gian qua, vai trò của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trong đó có vai trò của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là rất nổi bật, có lẽ lâu lắm rồi chúng ta mới có được một vị Phó Thủ tướng là một nhà khoa học, nhà kinh tế và am hiểu sâu sắc thực tiễn”.
Điều hành quyết đoán, kịp thời
Qua hơn 90 ngày hoạt động, tuy không phải là quãng thời gian dài nhưng đã đủ để thấy bản lĩnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ trong việc “bắt mạch” được tình hình, nói đi đôi với làm, hành động theo đúng những gì đã cam kết, quyết tâm xây dựng “Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ hiệu quả, Chính phủ làm gương cho xã hội về nói đi đôi với làm…”.
Dấu ấn nổi bật trong hơn 3 tháng qua kể từ sau khi Chính phủ được kiện toàn tới hôm nay- khi Chính phủ của Quốc hội khóa 14 ra mắt là tập trung tiếp tục khơi thông rào cản trong phát triển kinh tế, doanh nghiệp. Đây là sự xác định chuẩn xác khi kinh tế phát triển (gắn liền với đảm bảo môi trường sinh thái) sẽ giải quyết được các bài toán về tăng trưởng, việc làm, an sinh xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Sáng 28/7, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng. GS.TS Vương Đình Huệ đã được bầu tiếp tục giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 -2021 với 476 số phiếu bầu (bằng 96,36%).
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- người được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao phó phụ trách khối kinh tế tổng hợp cùng các thành viên Chính phủ- các tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng,… đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề bức xúc nhất của nền kinh tế nhằm nỗ lực tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; ban hành hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đang được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt theo Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP. Đây là những quyết sách nhằm tạo thêm động lực đổi mới, tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành, sát cánh của Nhà nước, các cấp ngành cùng tham gia phát triển kinh tế…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các Bộ trưởng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Trong chỉ đạo điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thể hiện thái độ thẳng thắn và cương quyết như: “Cán bộ nào nhũng nhiễu, không làm được việc thì lập tức thay thế và xử lý vi phạm” – đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng về yêu cầu tập trung đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm 2016 khi phát biểu tại hội nghị của ngành Kế hoạch - Đầu tư mới đây.
Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính với các địa phương sáng ngày 2.7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định “Phải tăng cường kỷ luật, đạo đức công vụ để các bộ phận phối hợp tốt trong điều hành ngân sách. Chính sách thu, chi không được để lợi ích nhóm can thiệp…”.
Nhiều người nhắc lại ấn tượng mà Phó Thủ tướng tạo ra khi ông cương quyết yêu cầu các địa phương chi trong khả năng cho phép. “Tỉnh nào khả năng không đạt thu năm nay hoặc không đạt chỉ tiêu HĐND thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng, ngân sách Trung ương không hỗ trợ địa phương như trước được”.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những khoản cần phải giảm chi. Chẳng hạn những khánh tiết, hội nghị, đi nước ngoài, hội hè, lễ lạt... Dường như, kỷ luật ngân sách đang được đề cao, phấn đấu tăng thu để tăng chi. Chi tiêu trong phạm vi khả năng của nền kinh tế; kiên quyết chống lãng phí, thất thoát. Lại càng không thể chấp nhận lợi ích nhóm can thiệp vào chính sách. Dường như đang có một chiếc “vòng kim cô ngân sách” khi những khoản chi tiêu hoành tráng nhưng không thiết thực đang bị đưa vào “sổ đen” để cắt bỏ.
Mỗi lĩnh vực phụ trách đều được Phó Thủ tướng quan tâm, hướng tới những vấn đề cụ thể, sát với đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Trước sự cố môi trường tại Công ty Formosa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 16.7 tại Khánh Hòa đã thể hiện rõ quan điểm: “Chúng ta không thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng mọi giá mà phải chọn lọc các dự án để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế” và “phải có những bước thu hút đầu tư ở trình độ cao hơn và kết nối được doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước để không xảy ra tình trạng một đất nước 2 nền kinh tế, một bên là các doanh nghiệp FDI và một bên là DN trong nước”.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng ở Chính phủ trong thông điệp được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gửi đến cộng đồng DN tại buổi gặp gỡ các doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 tổ chức ngày 3/6 khi khẳng định: “Chính phủ không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, trong nước hay ngoài nước, nhà nước hay tư nhân. Tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo nguyên tắc không biệt đối xử và theo nguyên tắc thị trường”.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận khi làm việc với các địa phương chịu hạn mặn của đồng bằng sông Cửu Long hồi tháng 5 mới đây, ông khẳng định “Khi Chính phủ nỗ lực tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của nền kinh tế thì thách thức nào cũng có thể vượt qua, kể cả thiên tai”,
Là người có tầm nhìn
Qua hơn 90 ngày ở cương vị Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, có thể gói gọn ở 3 từ: “quyết liệt, khẩn trương, hành động”. Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển từng nói: “Vương Đình Huệ có hai thế mạnh. Một là, thông minh, rất mạnh về chuyên môn, tư duy rõ ràng, mạch lạc. Hai là, rất uyển chuyển trong xử lý các mối quan hệ kinh tế”.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, ĐBQH Khóa 14 Đặng Thuần Phong nhìn nhận, từ khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phụ trách điều hành lĩnh vực kinh tế - tài chính đã rất năng động trong việc khảo sát và lăn lộn trong thực tiễn, ở các địa bàn, các vùng mà kinh tế chưa có sự kết nối. Vì thế, tôi đánh giá rất cao vai trò của Phó Thủ tướng trong việc kết nối các vùng miền.
Hình ảnh Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi gặp mặt các doanh nhân trẻ thành đạt
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, mặc dù Phó Thủ tướng chỉ mới đảm nhiệm công việc được 3 tháng nhưng để ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện các nguồn vốn cho đầu tư phát triển chưa cao, giải ngân chưa đạt như mong muốn, Phó Thủ tướng đã nhiều lần, ở nhiều sự việc khác nhau đôn đốc nhắc nhở để các bộ ngành Trung ương và các địa phương đẩy mạnh giải ngân, hỗ trợ cho tăng trưởng đạt chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2016. Đây là nét rất chủ động của Phó Thủ tướng”.
Vẫn theo đại biểu này: “Quan sát từ các chuyến công tác trên cương vị Phó Thủ tướng ở các vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, ông Vương Đình Huệ đã có những tính toán, tăng cường liên kết để phát triển kinh tế cho cả vùng chứ không đơn lẻ như các tỉnh đã làm thời gian qua. Mặc dù chỉ mới chỉ nhìn nhận, khảo sát ban đầu để xác định lộ trình và giải pháp thực hiện nhưng những điều này đã thể hiện đó là một con người có tầm nhìn. Đó là những nét mà chúng tôi cảm nhận và hy vọng Phó Thủ tướng sẽ tiếp tục phát huy những khả năng để đảm nhiệm thật tốt vai trò của mình trong thời gian tới”.
Đối với ĐBQH Khóa 14 Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa họa lịch sử Việt Nam nhận xét: “Tôi cho rằng, hiếm có trường hợp nào mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lần này đã có thời gian 3 tháng “khởi động”, “tập sự” với quá nhiều những sự kiện quan trọng, từ việc đón tiếp quốc khách đến việc ứng phó với những biến đổi của thế giới. Trong đó, đặc biệt có cả những vấn đề phức tạp liên quan đến vấn đề tài nguyên môi trường.
Trong 3 tháng qua, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện được sự nhập cuộc năng động. Chúng ta đã thấy bộc lộ những hạn chế của cái cũ và thấy được những khắc phục từ cái mới như thế nào. Từ đó rút ra bài học sâu sắc cho Chính phủ của Quốc hội Khoá 14 để vận hành đúng với tinh thần như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trong lời nhậm chức.
“Đặc biệt, thời gian qua, vai trò của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã rất nổi bật. Có lẽ lâu lắm rồi chúng ta mới có được một vị Phó Thủ tướng là một nhà khoa học, nhà kinh tế am hiểu sâu sắc thực tiễn của cuộc sống”, ĐBQH Dương Trung Quốc vui mừng cho biết.
Hình ảnh Phó Thủ tướng luôn sát với thực tế công việc mỗi khi ông đi công tác địa phương - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem công nghệ tưới nước tiết kiệm vào gốc cây hồ tiêu tại Gia Lai
Vẫn theo nhà nghiên cứu sử học: “Những gì có được ở Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là hết sức cần thiết – để nhận thức có tính chất bài bản hơn. Nhất là sau khi chúng ta tổng kết 30 năm đổi mới và đang đứng trước những thử thách rất lớn, đặc biệt là quá trình hội nhập với thế giới, tiếp tục chặng đường đổi mới. Cũng chính vì thế, lúc còn ở cương vị Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đặc biệt là khi trở thành lãnh đạo Chính phủ, tôi cho rằng, tính thực tiễn sẽ giúp cho những năng lực của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được phát huy hết khả năng của mình”.
Đồng quan điểm với ĐBQH Dương Trung Quốc, ĐBQH khóa 14, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nhìn nhận: “Chính phủ đã thể hiện thông điệp là một Chính phủ hành động, minh bạch và đối diện với thực tế để giải quyết những khó khăn. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã đi đến các hiệp hội doanh nghiệp để tiếp xúc, từ đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vì lẽ đó, thị trường hiện nay đang đặt niềm tin rất cao lên bộ máy Chính phủ mới, và các nhà đầu tư cũng vậy. Những dự báo của thế giới cũng đánh giá tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới rất khả quan. Đó là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong 3 tháng qua.
Cá nhân tôi cho rằng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thể hiện được năng lực của mình trong nắm bắt công việc mới. Và đồng thời hoàn thành nhiệm vụ của mình rất tốt. Hơn nữa, trong thời gian làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã tổ chức, tham dự nhiều hội thảo, chương trình nghiên cứu về thực trạng kinh tế Việt Nam, từ đó sẽ có những chính sách về tài chính, tiền tệ và yêu cầu đặt ra cho Phó Thủ tướng là phối hợp nhịp nhàng hai chính sách này để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đi kèm với thời cơ là những thách thức, do đó nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn, bộ máy Chính phủ khóa mới cần tiếp tục phát huy sự chủ động, quyết liệt để không chỉ tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ hoạt động của mình, mà quan trọng hơn là nhằm góp phần đưa đất nước phát triển hơn, đời sống người dân ngày càng được cải thiện”.
Tổ quốc