MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lậu vé, gian phí ở trạm BOT: “Có từ lâu nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề”

Cho rằng hiện tượng lậu vé, gian lận phí tại một số trạm BOT không phải là mới và có thể vẫn đang xảy ra nhưng ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng đây mới là bề nổi trong câu chuyện về các dự án BOT.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về chủ đề này, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết:

- Theo tôi, chuyện vòng vé không phải là mới, hiện tượng này đã phát sinh từ những năm 2000 khi mà Nhà nước bỏ tiền ra làm các dự án giao thông và thu phí. Ở thời kỳ đó, đã xuất hiện việc các doanh nghiệp (DN) xoay vé và việc xoay vé đó là để một nhóm của Cty đó kiếm lợi so với TCty chứ không phải bây giờ mới có việc xoay vé. Còn việc in vé lậu tôi nghĩ là rất khó vì đây không phải là in từ máy photocopy ra đâu mà là in cả bản rồi mới cắt. Tuy nhiên, thực tế vẫn có thể xảy ra nếu người ta chủ ý nhưng cũng phải xem là họ cố tình hay nhầm và thực tế chưa phát hiện được trường hợp cụ thể nào.

* Theo ông, cơ quan quản lý có trách nhiệm thế nào trong câu chuyện này?

- Hiện tượng đó có thể là có và đang xảy ra ở một nơi nhưng không phải là đại diện chung cho tất cả các dự án BOT. Bản thân cơ quan nhà nước cũng đã có những bước tiến rõ nét để công khai chuyện thu phí hoàn vốn. Ban đầu là bán vé bằng xé giấy mà vé đó là DN tự in, tự thu, sau rồi đến đặt máy đếm xe, rồi sau đó vẫn cảm thấy công tác quản lý như thế còn có thể xảy ra rủi ro thì lại đẩy thêm một bước nữa là làm vé không dừng. Còn việc DN BOT vừa đá bóng, vừa thổi còi thì phải nói rằng bản chất của BOT đúng là như vậy. DN tự làm, tự quản lý, hết thời gian mới giao lại cho Nhà nước. Do đó, theo tôi đang có một số sự nhầm lẫn trong cách hiểu về BOT.

* Vậy tức là cơ chế về BOT không phải là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng lậu vé, gian lận phí?

- Chẳng do cơ chế nào hết mà do lòng tham của con người, của cá nhân những người đó. Nếu cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm thì hoàn toàn có đủ chế tài xử phạt, đầu tiên là xử phạt hành chính về hành vi trốn doanh thu, tức là trốn nộp thuế, chưa kể còn là hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Cty. Còn nếu DN BOT bắt tay để gian lận phí, kéo dài thời gian thu phí thì sẽ bị rút giấy phép. Tất cả những điều này đã có chế tài và được quy định trong luật đấu thầu.

* Vậy theo ông làm thế nào để minh bạch việc thu phí, đảm bảo thời gian hoàn vốn không kéo dài?

- Trách nhiệm giám sát thuộc về cả xã hội, chứ không riêng gì ai, từ Nhà nước, DN BOT đến từng người dân. Cơ quan quản lý nhà nước là phải công khai, minh bạch. Các DN cần bớt láu cá, bớt vì bản thân mình và phải tập làm một DN hoạt động theo pháp luật còn bản thân người dân cần thay đổi ý thức vì hiện vẫn có không ít người vô tình hoặc cố tình không lấy vé để giảm phí. Do đó, cần có sự phối hợp về giám sát giữa cơ quan nhà nước, các DN BOT và người dân.

* Theo ông, vấn đề chính của các dự án BOT hiện nay là gì?

- Tôi cho rằng vé lậu, gian lận phí mới chỉ là phần nổi của vấn đề BOT, phần chìm nằm ở bản chất của BOT. Vấn đề chính của các dự án BOT hiện nay nằm ở chỗ trình tự các dự án BOT đã làm đúng chưa, phải nhìn từ gốc chứ đừng chỉ nhìn từ ngọn. Bản chất của BOT là Nhà nước và xã hội có nhu cầu sử dụng một cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng Nhà nước cần triển khai các dự án BOT một cách kế hoạch chứ không thể ồ ạt để rồi mất cân đối ngân sách làm phá vỡ an ninh tài chính tiền tệ. Cơ quan quản lý phải đưa ra cái giá của BOT rồi mới mời gọi các nhà đầu tư vào đấu thầu các dự án BOT chứ không phải là chỉ định thầu như hiện nay.

BOT là một dạng cụ thể của PPP là hợp đồng hợp tác công tư mà ở đây Nhà nước phải là cơ quan ra đầu bài, định giá dự toán. Các nhà đấu thầu BOT phải là những DN có vốn, dư thừa vốn chứ không phải là bây giờ nhà nước chỉ định giao cho họ 1 dự án BOT rồi họ cầm hợp đồng BOT đi vay vốn của ngân hàng để thực hiện BOT đấy. Thêm nữa, tôi cho rằng chủ nghĩa tư bản thân hữu đang hiện diện ở các dự án BOT. Nó phá vỡ nguyên tắc của thị trường. Hiện nay không ít nhà thầu BOT không có tiền nhưng đi vay ngân hàng để làm BOT. Thế thì có khác gì nhà nước làm và có không ít dự án “tay không bắt giặc” và ngân hàng bị “bắt làm con tin”. Theo tôi, cần điều chỉnh ngay từ quy trình để đúng với bản chất của BOT.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Khánh Hòa

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên