MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lây COVID-19 cho 8 F1 và 4 F2, BN1694 có phải là ca "siêu lây nhiễm": Lý giải của chuyên gia

02-02-2021 - 10:17 AM | Sống

Theo chuyên gia dịch tễ, bệnh nhân 1694 đã lây ra 8 F1 và 4 F2 có liên quan tới tiếp xúc gần và đặc tính của virus chứ không phải là "siêu lây nhiễm".

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, virus SARS-CoV-2 có đặc tính lây qua tiếp xúc gần. Vì vậy, một người tiếp xúc gần với 5-10 người và lây bệnh cho họ là điều hết sức dễ hiểu. Đối với trường hợp bệnh 1694 đã lây cho 8 F1 và 4 F2 chưa thể nói là "siêu lây nhiễm".

Nguyên nhân lây nhiễm cao được vị chuyên gia này lý giải: "Môi trường gia đình có những tiếp xúc gần, không đeo khẩu trang nên các thành viên bị lây nhiễm là rất đương nhiên. Bệnh nhân này nhiễm chủng virus tại Anh nên tốc độ lây lan rất mạnh.

Ngoài ra, thời tiết trong môi trường miền Bắc ủng hộ cho virus phát triển. Sau một thời gian không có ca bệnh, mọi người chủ quan cho nên nguy cơ lây lan dịch cũng lớn hơn".

Theo chuyên gia dịch tễ nếu ở trong môi trường kín, có tiếp xúc gần virus có thể lây nhiễm cho cả trăm người.

 Lây COVID-19 cho 8 F1 và 4 F2, BN1694 có phải là ca siêu lây nhiễm: Lý giải của chuyên gia - Ảnh 1.

Người dân tại Hải Dương được lấy mẫu xét nghiệm.

Mức độ nguy hiểm của dịch bệnh lần này là virus SARS-CoV-2 biến chủng có độ bám dính vào niêm mạc mũi, miệng tốt hơn. Chỉ với một tải lượng virus nhỏ bám dính vào niêm mạc mũi, miệng, sau 2-3 ngày sẽ phát bệnh và có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác.

"Do khả năng bám dính của virus vào tế bào người tốt hơn cho nên khả năng gây bệnh sẽ nhanh hơn. Đích hướng đến của virus SARS-CoV-2 là phải lây lan thật nhiều người (toàn bộ nhân loại). Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao một người mắc mà các trường hợp tiếp xúc gần sau đó đều mắc bệnh.

Cách duy nhất để cắt đứt đường lây lan của virus là phải cách xa nhau, mang khẩu trang. Càng cách xa nhau thì virus càng không có cơ hội lây lan và phát triển. Người dân nếu không có việc thì không nên đi ra ngoài. Nếu đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người lạ và giữ khoảng cách", PGS Huy Nga nói.

Trước đó, bệnh nhân 1694 nam, 40 tuổi (quê Kinh Môn, Hải Dương), có địa chỉ ở quận Nam Từ Liêm, làm việc ở nhà máy Z153, Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, ở huyện Đông Anh.

Theo điều tra dịch tễ, hôm 16/1, người đàn ông này từ Hà Nội về quê ở Kinh Môn, Hải Dương. Tối sang nhà hàng xóm, 21h có anh N.V.P (người sau này là bệnh nhân COVID-19) uống nước cùng. Hai người cùng đi mua sạc điện thoại cách đó khoảng 700m (không nhớ tên cửa hàng điện thoại), tiếp tục uống nước ở nhà anh P tầm 20 phút rồi về nhà ngoại ở gần đó lúc 22h (nhà ở quê có 10 người).

Ngày 18/1, BN1694 có biểu hiện mệt mỏi, ho, ngạt mũi, đau đầu, vẫn tiếp tục đi làm những ngày sau đó. Bệnh nhân này được xác định dương tính SARS-CoV-2 sáng 30/1, cùng ngày được Bộ Y tế chính thức thông báo là bệnh nhân COVID-19.

Theo Ngọc Minh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên