MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lazada, Shopee "kiếm đậm", mở rộng vị thế trên thị trường nhờ ăn theo Lễ Độc thân của Alibaba

13-11-2019 - 14:44 PM | Tài chính quốc tế

Ngày Độc thân đã được "khởi xướng" ở Trung Quốc từ một thập kỷ trước, nhưng các nhà bán lẻ ở Đông Nam Á cũng nhanh chóng áp dụng và giành được rất nhiều lợi thế từ đó.

Công ty thương mại điện tử Đông Nam Á - Lazada, cho biết họ đã có được 3 triệu đơn đặt hàng trong 60 phút đầu tiên của sự kiện mua sắm Ngày Độc thân hôm 11/11 vừa rồi. Đây là số lượng đơn đặt hàng lớn nhất của Lazada từ trước tới nay. Hiện tại, công ty này đang hoạt động ở 6 thị trường trong khu vực, bao gồm: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Trong khi đó, công ty mẹ của họ là Alibaba cho biết tổng khối lượng hàng hoá (GMV) trong sự kiện năm nay đã phá vỡ kỷ lục 213,5 tỷ CNY (gần 30,5 tỷ USD) của năm ngoái. Dẫu vậy, Lazada không tiết lộ về số liệu GMV riêng. 

Shopee, thuộc sở hữu của Sea Group, cho biết khối lượng đặt hàng trong 1 tiếng đầu tiên trên nền tảng của họ tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Một đại diện công ty phát biểu họ không thể tiết lộ chi tiết về con số này, bởi sự kiện giảm giá vẫn đang diễn ra.

Nền kinh tế internet ở Đông Nam Á

Thương mại điện tử, cùng dịch vụ gọi xe, được cho là động lực chủ chốt của nền kinh tế internet ở Đông Nam Á. Theo một báo cáo, dự kiến quy mô của ngành công nghiệp này sẽ đạt mức 300 tỷ USD vào năm 2025. 

Một báo cáo khác từ Forrester Research cho biết ngành bán lẻ trực tuyến ở khu vực này sẽ tăng trưởng từ mức 19 tỷ USD vào năm 2018, lên đến 53 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 6,5% tổng doanh số bán lẻ. Phần lớn doanh số sẽ là đến từ những đơn đặt hàng qua điện thoại.

Xiaofeng Wang, một nhà phân tích cấp cao của Forrester Reseacher, cho hay: "Chắc chắn thị trường này đang phát triển nhanh chóng và chúng ta cũng nhận thấy những nền tảng bán hàng đang nổi trội hơn." Bà nhận định thêm: "Chúng tôi cũng thấy hiện tượng hợp nhất trên các nền tảng này. Rất nhiều nền tảng nhỏ đã biến mất hoặc hợp nhất. Giờ đây, ở đó chỉ còn những nền tảng hàng đầu hoặc một số kinh doanh theo 'ngách' nhỏ hơn."

Góp phần tạo động lực tăng trưởng cho thị trường thương mại điện tử trong khu vực là những công ty như Lazada, Shopee và Tokopedia, Bukalapak đến từ Indonesia. Các chuyên gia cho biết khu vực này rất hấp dẫn đối với các công ty internet, bởi tỷ lệ truy cập bằng smartphone cao, kết nối internet được cải thiện và dân số ngày càng tăng.

Về mảng bán lẻ, hầu hết việc mua sắm ngày nay vẫn diễn ra tại các cửa hàng vật lý, do đó cơ hội dành cho các công ty thương mại điện tử là rất lớn, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Đồng thời, các nhà bán lẻ ngoại tuyến cũng đang mở rộng kinh doanh trên các nền tảng số và áp dụng công nghệ mới.

Triển vọng lạc quan cho ngành bán lẻ tại Đông Nam Á

Pierre Poignant, CEO của Lazada, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trước Lễ Độc thân rằng điều mà công ty ông đang tập trung là cơ sở khách hàng. Hôm 31/8, công ty này cho biết, họ có hơn 50 triệu người dùng hoạt động hàng năm tại 6 thị trường.

Poignant nói: "Có một số yếu tố đang thúc đẩy quá trình số hoá nền kinh tế, trong đó có sự tăng trưởng trong khu vực và môi trường vĩ mô. Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi, cùng với tỷ lệ đầu tư lớn vào khu vực, tất cả những yếu tố này kết hợp và tạo đà tăng trưởng mạnh. Chúng tôi rất tự tin về tương lai."

Junjie Zhou, giám đốc thương mại của Shopee, cũng chia sẻ quan điểm lạc quan tương tự. Ông nói: "Thị trường vẫn ở giai đoạn phát triển nhanh. Nếu bạn nhìn vào một phần của ngành bán lẻ trực tuyến trong toàn bộ ngành, thì đó vẫn chỉ là tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng đồng thời, tốc độ này cũng nhanh hơn rất nhiều so với bán lẻ ngoại tuyến truyền thống."

Ông giải thích: "Hiện tại, ít nhất là trong tương lai gần, ưu tiên của Shopee là phát triển với quy mô lớn hơn nữa, chiếm được thị phần lớn hơn và củng cố vị thế dẫn đầu của chúng tôi trong không gian thương mại điện tử này."

"Cuộc đua" để trở nên nổi bật hơn với đối thủ

Đối với Lazada và Shopee, ưu tiên của họ là thu hút được nhiều khách hàng hơn khi họ kết nối internet lần đầu, có thể là qua smartphone. Cả hai công ty đều có những ứng dụng có nhiều tính năng tương tác và trò chơi để "giữ chân" người tiêu dùng. Ví dụ, Lazada có một tính năng mà người dùng có thể "tập hợp" sự giúp sức của bạn bè để hạ giá một món đồ. Khi có đủ người tham gia, họ sẽ mua được món đồ với mức giá hấp dẫn. Trong khi đó, Shopee cũng ra mắt tính năng AR, người dùng có thể "bắt" các món đồ trên màn hình và giành được xu hoặc giải thưởng.

Wang giải thích, khái niệm này lần đầu được áp dụng bởi Pindoudou nhằm thu hút người dùng mới. Bà nói: "Họ khởi xướng hình thức thương mại, chia sẻ qua sự kết nối với nhiều người khác. Sau đó, về cơ bản là tất cả những nền tảng 'lão làng' như Taobao và Tmall đều áp dụng. Đây là chiến thuật khá hiệu quả khi muốn thu hút khách hàng mới."

Nói về lợi thế so với các đối thủ, Zhou cho biết Shopee có thế mạnh trong hiểu biết mang tính địa phương của mỗi thị trường. Ông nói: "Đồng thời, chúng tôi vẫn là công ty hoạt động trong khu vực. Do đó, so với một số công ty địa phương khác thì chúng tôi có nguồn lực, khả năng tài chính và công nghệ sản phẩm mạnh hơn."

Poignant của Lazada thì nhận định thế mạnh của công ty ông nằm ở sự hậu thuẫn từ Alibaba, từ việc xây dựng mạng lưới logistic bằng cách tích hợp với Cainiao để tìm kiếm các lựa chọn về thanh toán kỹ thuật số có thể được Ant Finacial hỗ trợ.

Wang nhận định: "Cuối cùng thì, những công ty có sự hậu thuẫn của các 'ông lớn' sẽ phát triển mạnh trong khu vực khi cuộc cạnh tranh căng thẳng hơn, các công ty cố gắng vượt qua nhau để giành thị phần. Ai có nhiều tiền hơn sẽ hoạt động lâu dài." 

Giang Ng

CNBC

Trở lên trên