Lazada và Vietcombank hợp tác thanh toán xuyên biên giới: Thêm cơ hội mua hàng ngoại cho người tiêu dùng Việt
Tâm lý chuộng hàng ngoại cộng với mức sống ngày càng nâng cao, người tiêu dùng Việt có xu hướng tìm mua các sản phẩm từ thị trường quốc tế ngày càng nhiều. Theo báo cáo của DHL, có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua một mặt hàng nào đó từ nước ngoài. Tuy vậy, khi mua sắm “xuyên biên giới”, người dùng cũng gặp không ít phiền toái, trong đó có vấn đề thanh toán.
Mua hàng ngoại: Còn không ít trở ngại
Điện tử, các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… là những mặt hàng người dùng Việt thường tin tưởng chọn mua từ các thương hiệu ngoại. Thay vì tìm đến các cửa hàng nhập khẩu, họ sẽ canh sale và đặt mua trực tiếp từ nước ngoài để an tâm về chất lượng cũng như mua được giá tốt nhất. Mặt khác, có một số mặt hàng chỉ có thể tìm thấy ở thị trường nước ngoài buộc người dùng sành điệu phải tìm cách săn hàng sớm.
Kênh mua hàng ngoại của người Việt chủ yếu thông qua đường xách tay hoặc các trang web bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Rakuten, Alibaba. Cách ít phổ biến hơn là trực tiếp ra nước ngoài hoặc nhờ người thân, người quen sinh sống ở nước ngoài đặt mua rồi gửi về Việt Nam. Tuy nhiên, dù mua hàng thông qua kênh nào, người dùng cũng có thể gặp “rủi ro”.
Khi mua hàng xách tay, nguy cơ gặp hàng không chính hãng, chưa hoàn thành các nghĩa vụ thuế là rất lớn. Còn nếu nhờ người quen/dịch vụ đặt mua gửi về thì thường phí ship rất đắt. Chị Yến Nhi (nhân viên văn phòng, Tp.HCM) chia sẻ kinh nghiệm: “Mình từng đặt mua 1 số đồ hiệu như túi xách, đồng hồ khi có sale mạnh và nhờ người mua giùm rồi ship về. Tính luôn tiền chênh lệch quy đổi từ USD sang VNĐ, công người đặt, phí ship thì mỗi món mình mất thêm từ 1 triệu – 1,5 triệu. Nếu giá trị món hàng không lớn, giá giảm không nhiều thì mình sẽ không mua vì không rẻ hơn khi mua tại Việt Nam là bao nhiêu.”
Trong khi đó, việc chọn mua hàng ngoại trên Amazon, eBay… không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Về hình thức thanh toán, Ebay chấp nhận các loại thẻ thanh toán quốc tế (Visa/Master/JCB/American Express…) hoặc Paypal, Amazon thì có thêm hình thức thanh toán bằng Amazon gift card nhưng không nhiều người Việt sở hữu các loại thẻ này. Ngoài ra, phí ship cũng khá đắt và thời gian chờ đợi cũng khá lâu. Với những mặt hàng giá trị thấp thì khi đặt mua trên các trang này thường không có lợi vì chi phí vận chuyển về Việt Nam có khi còn cao hơn cả giá của sản phẩm. Đó là chưa kể, rất nhiều mặt hàng thường không hỗ trợ ship về Việt Nam. Ví dụ, Amazon mặc dù hỗ trợ ship hàng đến 75 quốc gia nhưng đa phần các sản phẩm sẽ có ghi chú là không hỗ trợ ship về Việt Nam.
Lazada hợp tác với ngân hàng thanh toán xuyên biên giới
Tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt suy cho cùng cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới - vấn đề đã được nhấn mạnh trong hội nghị APEC vừa qua. Do đó, các doanh nghiệp TMĐT cần nhanh chóng đón đầu xu hướng này, giúp người dùng mua hàng dễ dàng hơn cũng như hạn chế những rủi ro như đã đề cập.
Vừa qua, Lazada đã có động thái tích cực khi công bố chương trình hợp tác chiến lược với Vietcombank giúp khách hàng thanh toán xuyên biên giới trước dịp cách mạng mua sắm 2017 đang trở lại. Với thoả thuận này, Vietcombank sẽ đóng vai trò là ngân hàng thanh toán và chuyển tiền đi nước ngoài thanh toán cho nhà bán hàng xuyên biên giới của Lazada.
Lazada cũng là công ty TMĐT đầu tiên tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước ủng hộ và chấp thuận thực hiện mô hình thanh toán xuyên biên giới này. Việc kết hợp giữa một doanh nghiệp TMĐT hàng đầu với một ngân hàng có thế mạnh và kinh nghiệm vượt trội về lĩnh vực thanh toán quốc tế tại Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng có thể thanh toán dễ dàng hơn cho những sản phẩm từ nước ngoài.
Để tiến tới thoả thuận hợp tác này, cả hai phía đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, Lazada cam kết đảm bảo về mặt nguồn hàng. Được biết, kho hàng nhập khẩu với hơn 10.000 sản phẩm từ tất cả các lĩnh vực đồ gia đụng, thời trang đến các thiết bị công nghệ phụ kiện máy tính, phụ kiện điện tử nhập khẩu đều được Lazada kiểm duyệt kỹ càng, đảm bảo sản phẩm chính hãng.
Ông Alexandre Dardy, GĐ điều hành Lazada Việt Nam cho biết thêm: “Sau thành công của ngày cao điểm cách mạng mua sắm 9-11/11 với 16 triệu lượt truy cập và gần 1,5 triệu sản phẩm bán ra trong 3 ngày, đây là một dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng là một áp lực buộc chúng tôi phải chuẩn bị tốt hơn nữa về mọi mặt để tiếp tục những ngày cao điểm cuối cùng, từ 11 đến 14 tháng 12”. Điều này có nghĩa là, người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều lựa chọn thanh toán cho giao dịch mua hàng xuyên biên giới bằng cả thẻ tín dụng và thanh toán khi nhận hàng (COD), ngay trong dịp cách mạng mua sắm rầm rộ sắp tới.
Trong khi đó, đại diện ngân hàng Vietcombank cũng cho biết: “Vì đây là một dịch vụ mới, Vietcombank đã phải chuẩn bị đầy đủ về khung pháp lý cũng như về quy trình – công nghệ - đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để sẵn sàng cung cấp dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện.”
Có thể nói, sự “bắt tay” giữa hai ông lớn đã giúp người tiêu dùng Việt có thêm cơ hội mua hàng ngoại thuận tiện hơn, đồng thời mở ra cánh cửa cho TMĐT xuyên biên giới - xu hướng của TMĐT trong tương lai.