Lê Hoàng Uyên Vy và bí mật chưa kể về cuộc gặp 5 phút với Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng
Khi được giới thiệu gặp Chủ tịch Tập đoàn, Uyên Vy đã dành cả 5 phút đó để trình bày về sự đam mê của mình với ngành thương mại điện tử.
Mới đây tại Diễn đàn Vietnam Venture Summit 2019 tổ chức tại Việt Nam, Lê Hoàng Uyên Vy là gương mặt trẻ nhất và là diễn giả nữ duy nhất tham gia trao đổi với các quỹ đầu tư quốc tế về điểm đến của đầu tư khởi nghiệp. Cô hiện giữ chức Đối tác điều hành (General partner) quỹ ESP Capital, chuyên đầu tư vào các startup công nghệ với giấc mơ tạo ra thế hệ kỳ lân tỷ đô tại Việt Nam.
Trong giới khởi nghiệp, Lê Hoàng Uyên Vy được biết đến khi đảm nhận vị trí CEO Adayroi.com - dự án thương mại điện tử của Vingroup. Cô lọt vào danh sách 30 gương mặt trẻ của Forbes U30 tại Việt Nam và châu Á.
Khoảng 2 năm trước, Uyên Vy bất ngờ chia tay Vingroup để bắt đầu những dự định riêng của mình. Hiện tại cô tiếp tục công việc ưa thích khi đồng hành cùng những startup Việt.
Mày mò internet từ 11 tuổi
Có điều kiện tiếp cận Internet từ sớm, năm 11 tuổi Uyên Vy đã tự học thiết kế web và 1 năm sau tự tin quảng cáo "một nhóm thiết kế web chuyên nghiệp, năng động" để kiếm tiền. 14 tuổi, Uyên Vy đầu cơ tên miền và bán được 2.100 USD.
Sau khi tốt nghiệp chuyên Lê Hồng Phong, Uyên Vy học tài chính tại trường kinh doanh McDonough thuộc đại học Georgetown, Mỹ. Đây cũng là thời gian cô tiếp cận với thương mại điện tử.
Năm thứ 2 đại học, Uyên Vy nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi các siêu thị giảm giá đồng hồ và có thể kiếm lời khi rao bán lại trên eBay. 2 năm kinh doanh trên eBay đem lại nhiều kinh nghiệm về dịch vụ khách hàng, thương lượng với nhà cung cấp, cũng như thu về gần 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) vốn tích lũy khởi nghiệp sau này.
Sau khi về Việt Nam, năm 2009 Uyên Vy sáng lập nên chuỗi nhà hàng thức ăn đường phố có tên Aiya! Thế giới ăn vặt. Quyết định khởi nghiệp này được Uyên Vy tự đánh giá là khá nguy hiểm bởi thời điểm này cô chưa đủ số vốn kinh nghiệm nhất định để làm, cũng như gặp hạn chế về vốn. Hai lý do chính khiến cô thực hiện là đam mê kinh doanh và thời cơ.
"Cơ hội rất dễ mất đi. Một ý tưởng mình cho là hay sẽ không bao giờ chờ mình mãi", Uyên Vy cho biết. Một trong những khó khăn lớn nhất khi Vy mở Aiya! là quản lý nhân sự trong thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm. Ngoài ra mô hình nhỏ khiến cô gặp bất lợi khi xây dựng các chế độ đãi ngộ để cạnh tranh với các nhà hàng lớn. Sau hai năm đầu tiên, dự án này đi vào quỹ đạo ổn định và mở rộng ra được 4 địa điểm với hơn 80 nhân viên.
Cùng thời điểm khởi nghiệp với Aiya!, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) triển khai dự án thương mại điện tử. Uyên Vy gia nhập dự án này và đặt tên công ty là Chọn.
Chọn hoạt động từ năm 2011 tập trung vào lĩnh vực thời trang với vốn đầu tư ban đầu 1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng) trong đó cá nhân cô sở hữu 10%, ngoài ra còn đóng góp vốn từ Vinatexmart, May Nhà Bè, Dệt Hòa Thọ,…
Cách làm của Uyên Vy đối với Chọn là hoạt động có giới hạn. Thay vì đàm phán với hàng loạt thương hiệu lớn, cô nghiên cứu từng thương hiệu, tìm hiểu xem họ có bao nhiêu cửa hàng, đang gặp thách thức gì rồi từ đó cung cấp đúng thứ họ thiếu. Ví như giới thiệu những bộ cánh đẹp với chi phí mềm trên website của Chọn cho những thương hiệu chưa có website. Với cách làm du kích này, dần dần các thương hiệu lớn như Levi’s, Nine west, Axara, DKNY lần lượt xuất hiện trên Chọn giai đoạn 2011-2012.
Bước ngoặt từ Vingroup và 5 phút trò chuyện cùng chủ tịch Phạm Nhật Vượng
Cuối năm 2014 được xem là bước ngoặt của Chọn khi được Vingroup rót vốn đầu tư. "Trước đây mình là ‘nhà nghèo’, bây giờ là ‘nhà có điều kiện’", Uyên Vy miêu tả về cơ hội lớn đến với Chọn. Theo Forbes, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu kép của dự án này trong 3 năm gần đây đạt mức 600%.
Chỉ trong vài tháng, Uyên Vy trở thành Quyền CEO của công ty thương mại điện tử thuộc tập đoàn Vingroup. Vậy làm cách nào cô ấy vươn tới vị trí này khi mới chỉ 27 tuổi? Câu trả lời là cuộc đối thoại 5 phút của cô với Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng được tiết lộ trong cuốn sách Con gái bà Triệu thế kỷ 21.
Uyên Vy cho tiết lộ:
"Tôi thấy ở Vingroup có một tiềm năng khổng lồ để trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua thương mại điện tử. Vingroup có các chuỗi Trung tâm thương mại Vincom, chủ yếu phân phối sản phẩm theo mô hình truyền thống. Tôi tin rằng Tập đoàn có lợi thế tuyệt đối để trở thành doanh nghiệp thương mại điện tử số một tại Việt Nam, và có cơ sở hạ tầng đủ mạnh để vươn tầm thế giới.
Vì vậy, khi được giới thiệu gặp Chủ tịch Tập đoàn, tôi đã dành cả 5 phút đó để trình bày về sự đam mê của mình với ngành thương mại điện tử. Tập đoàn Vingroup sẽ có thể bắt đầu từ ngành thời trang, và từ đó xây dựng nên một "đế chế" thương mại điện tử bằng việc mở rộng tất cả lĩnh vực trên thị trường.
Dĩ nhiên, Vingroup có thể tự mình làm mọi thứ như Amazon. Tuy nhiên, để trở thành công ty mạnh nhất trong tất cả lĩnh vực thì Tập đoàn cần bắt đầu thống lĩnh trước một lĩnh vực tiềm năng nhất. Để có thể cạnh tranh trực tiếp với một số công ty khác trên thị trường như Lazada - đối thủ đã chi rất nhiều tiền cho quảng cáo - tôi đã mạnh dạn chia sẻ lên suy nghĩ của mình là Vingroup nên khai thác ngành thời trang bởi vì thị trường thời trang trực tuyến vẫn còn rất phân mảnh, chưa xuất hiện công ty dẫn đầu cho mảng kinh doanh này.
Sau đó, Trợ lý của Chủ tịch đã mời tôi tham gia vào tổ trợ lý, tư vấn. Thời điểm đó, tôi chưa gia nhập Công ty chính thức mà chỉ làm bán thời gian. Trong quá trình làm việc, tôi nhận ra khá nhiều điểm mà Công ty cần kết nối, tổ chức trong giai đoạn này, bởi vì may mắn là tôi đã trải qua hết những hoạt động tương tự tại doanh nghiệp của mình.
Được cơ hội tham gia thương mại điện tử từ rất sớm, tôi hoàn toàn hiểu việc xây dựng sản phẩm trong thời kì đầu là rất khó, vì chúng tôi phải gắn kết mọi thứ từ công nghệ, sản xuất nội dung, đến việc xây dựng nền tảng thu hút khách hàng. Một tháng sau, tôi được đề nghị làm việc chính thức tại công ty ở vị trí Phó Tổng Giám đốc kinh doanh. Sau 4 tháng, tôi được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc của công ty."
Cuối tháng 4/2017, Lê Hoàng Uyên Vy rời khỏi chức vụ CEO Adayroi.com sau gần 3 năm giữ vị trị này. Chia sẻ với báo giới, Uyên Vy cho biết lý do cô rời Adayroi là để theo đuổi "những dự án cá nhân" và "khai phá một hướng đi mới của riêng mình". Từ đầu năm 2018 đến nay, Uyên Vy tham gia vào ESP Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu tập trung đầu tư vào các công ty startup ở vòng khởi điểm (seed-fund).