MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lễ thành hôn của con trở thành lần cưới thứ 2 của phụ huynh

10-12-2022 - 12:16 PM | Lifestyle

Lời khuyên của cha mẹ trong ngày cưới rất quan trọng, nhưng đôi lúc lại khiến các cặp đôi trẻ cảm thấy áp bức vì không được làm theo ý mình.

Việc tham khảo ý kiến những bậc phụ huynh cho ngày cưới là điều mà đôi vợ chồng trẻ nào cũng cân nhắc. Vì đây là sự kiện lớn của đời người, những lời khuyên của cha mẹ, người đi trước luôn mang vai trò quan trọng. Nhưng đôi khi, những lời khuyên này trở thành áp đặt và gây không ít khó khăn cho nhiều cặp đôi khi cố gắng chiều lòng đấng sinh thành. Nhiều lúc các cặp đôi còn tự hỏi, không biết đây là đám cưới lần thứ hai của cha mẹ hay thực sự là đám cưới của chính mình vì mọi thứ đều phải theo ý cha mẹ "an bài".

Đám cưới của mình, thu chi tiền nong theo ý phụ huynh

Tài chính là vấn đề khá nhạy cảm và thường xảy ra sơ sót đối với những cặp đôi trẻ. Vậy nên không lấy làm lạ khi phụ huynh thường đề nghị giữ tiền và cùng đôi vợ chồng lên kế hoạch chi tiêu. Với một sự kiện lớn và trọng đại, được sự hỗ trợ của những người đi trước là cha mẹ sẽ giúp cho các cô dâu chú rể bớt đi một phần khó khăn. Tuy nhiên khi phụ huynh kiểm soát quá nhiều lại khiến áp lực tăng lên.

 Lễ thành hôn của con trở thành lần cưới thứ 2 của phụ huynh - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

Chị Mai Anh đau đầu vì không biết đây là ngày vui của mình hay của phụ huynh: "Đến 90% kế hoạch cho đám cưới, đặc biệt là vấn đề tiền bạc đều là mẹ mình quyết định. Mình thì muốn tổ chức một bữa tiệc không quá long trọng, và cảm thấy nếu đổ dồn đầu tư cho một bữa tiệc thì chỉ loãng tinh thần và phí tiền, để dành tiền để làm việc khác. Nhưng cha mẹ mình quan niệm tiệc càng lớn sẽ càng hạnh phúc. Hạnh phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy mỗi lần bàn với phụ huynh về tiền bạc trong đám cưới là lại áp lực và cãi vã ít nhiều vì những khoản chi cho thủ tục, nghi lễ không cần thiết".

Chị Mai Anh chia sẻ vì công việc bận rộn không thể chu toàn được nhiều vấn đề phát sinh trong đám cưới nên có nhiều khâu hầu hết đều nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng cha mẹ lại muốn làm luôn cả những việc đáng lẽ người quyết định phải là cặp đôi.

 Lễ thành hôn của con trở thành lần cưới thứ 2 của phụ huynh - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

Trong khi chị Mai Anh đau đầu về vấn đề tiệc to hoang phí, thì anh Minh Phúc lại có nỗi khổ khác về chuyện tiền nong: "Chắc vấn đề mình gặp phải là chuyện hiếm của các cặp đôi. Cụ thể là cha mẹ muốn tổ chức riêng tiệc cho nhà trai và nhà gái vì không muốn chung đụng tiền bạc. Mình không quen biết nhiều về khách mời của phụ huynh nên chị muốn gộp chung một tiệc cho xong, nhưng cha mẹ hai bên lại bảo nếu làm vậy họ không tiếp khách được chu đáo. Chuyện này khá tốn kém với mình, mặc dù cha mẹ nói sẽ hỗ trợ nhưng kinh tế chính cho đám cưới vẫn là vợ chồng mình lo, chuyện này không những khốn đốn mà còn hành vợ chồng ra bã vì chạy đôn chạy đáo lo cho hai tiệc chỉ cách nhau một ngày".

"Thời nay chuyện tiền mừng cưới vẫn còn phải đưa cho cha mẹ ‘giữ’, thật mình khá bức xúc. Mình nghĩ nếu cha mẹ cho mượn bao nhiêu để tổ chức đám cưới, tụi mình sẽ trả lại bấy nhiêu, chứ không thể gom vàng và tiền đưa hết cho bố mẹ vì bố mẹ là người bỏ tiền ra tổ chức đám cưới được. Tụi mình lớn cả rồi, có thể tự giữ tiền và có kế hoạch xây dựng gia đình riêng, và đám cưới và tiền mừng cưới phải là để tụi mình quyết định mới đúng". - Chị Ngọc Linh.

Trang phục phải "thuần phong mỹ tục"

Khác xa so với đám cưới truyền thống ngày xưa, trang phục cưới ngày nay đa dạng và kiểu cách hơn nhiều. Thế nhưng nhiều kiểu dáng thời trang từ áo dài đến váy dạ tiệc, muốn khoác trên người trong ngày trong đại cũng bị "xét duyệt" qua cửa phụ huynh.

 Lễ thành hôn của con trở thành lần cưới thứ 2 của phụ huynh - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

"Mình là người khá cá tính, không thích mặc áo dài cưới truyền thống màu đỏ hoạ tiết gấm hoa trên người nên đã đặt may riêng một kiểu áo dài trễ vai cực đẹp. Đến ngày nhận áo dài về thì mẹ ruột mình một mực không chịu vì mặc áo dài này đón nhà trai ‘không đàng hoàng’. Chưa hết, váy mặc trong buổi tiệc mẹ cũng muốn mình mặc loại tùng xoè khó di chuyển, cấm mình mặc váy ngắn trên gối dù mình đã hết lời rằng mình muốn mặc thứ mình thích trong ngày vui của mình". - Chị Minh Thanh than thở.

Ảnh cưới là một yếu tố được nhiều cô dâu chú rể chú trọng vì thể hiện cá tính riêng và lưu giữ những khoảnh khắc tình yêu đẹp. Tưởng chừng như đây là điều mà cha mẹ sẽ ít quan tâm so với trang phục, lễ nghi, nhà hàng... nhưng thực tế vẫn không thiếu những trường hợp phụ huynh muốn "xen vào" để đưa ra yêu cầu.

"Cha mẹ mình thì thích chụp ảnh ngoại cảnh vì cho rằng sẽ sống động và tự nhiên hơn. Mình thì lại khác, thích chụp một bộ ảnh có sự sắp xếp chỉn chu với ánh sáng đặc biệt trong studio. Để làm hài lòng người lớn và cũng để thỏa mãn sở thích riêng của hai vợ chồng, chúng mình đã phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ để chụp thêm ảnh ngoại cảnh. Chưa kể, mặc dù công việc bận rộn nhưng mình và chồng đều phải nghỉ một ngày đi chụp ảnh, bươn ra nắng vô cùng mệt". - Chị Mai Anh bộc bạch cái khó khi chiều lòng phụ huynh để hạn chế cãi vã trong ngày vui.

70% người tham dự là khách mời của cha mẹ

"Chắc những ai cưới rồi mới hiểu cảm giác đi từng bàn nâng rượu nhận lời chúc phúc, nói câu cảm ơn nhưng không biết họ là ai. Đám cưới của mình buộc phải chọn đãi ở một sảnh tiệc có sức chứa lớn, với số lượng khách hơn 600 người, mà trong đó, bạn bè của hai đứa tính gộp chắc chưa đến 200.

Mình mong muốn đám cưới của mình chỉ những người thân quen, họ hàng và bạn bè để có thể trò chuyện nhiều hơn. Nhưng vì số lượng khách cha mẹ muốn mời lại khá đông, buộc lòng phải đón tiếp qua loa vì còn mải lo đi cùng cha mẹ ‘cụng ly’ từng bàn một. Đám cưới của chính mình, nhưng bạn làm ăn, đối tác kinh doanh và mối quan hệ lâu năm cần gìn giữ là khách mời chính". - Chị Ngọc Linh.

Chị Như Lan cũng chia sẻ rằng khách mời chính là yếu tố mà phụ huynh quan tâm nhất: "Việc mời đi cưới con cái như một cách đáp lễ đối với bạn bè của cha mẹ. Mẹ mình rà soát khá kỹ danh sách vì muốn rằng ai cũng sẽ được gửi thiệp mời. Có những người mình chưa từng gặp mặt và thậm chí không biết họ là ai cũng phải đi gửi thiệp. Và cha mẹ mình cũng có suy nghĩ rằng, mời những người đã từng mời mình đi đám cưới con cái họ khi trước là một hình thức thu hồi vốn. Thế nên trong lễ cưới mình cảm thấy xa lạ với chính sự kiện mà mình đầu tư nhất trong đời".

Đám cưới là sự kiện ý nghĩa của cặp đôi, nhưng vô tình nó lại mang tính hình thức và "chống lỗ". Những vị khách tham gia vì được mời chứ không thực sự đến vì mục đích là chúc phúc.

 Lễ thành hôn của con trở thành lần cưới thứ 2 của phụ huynh - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

Nhiều bậc cha mẹ dựa vào cảm quan riêng để đánh giá một vấn đề và cho rằng là tốt nhất. Vô tình sẽ khiến nhiều cặp đôi cảm thấy căng thẳng và bức xúc ngay trong chính ngày vui của đời mình. Nhiều trường hợp con cái vì muốn yên ổn nhất nên chọn cách chiều theo ý. Và rốt cuộc, ngày vui lại trở thành một nghĩa vụ muốn nhanh hoàn thành cho nhẹ người.

Theo Hạ Trân

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên