MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lệch pha đào tạo nhân lực ngành thương mại điện tử với nhu cầu thực tiễn

08-09-2022 - 13:48 PM | Kinh tế số

Lệch pha đào tạo nhân lực ngành thương mại điện tử với nhu cầu thực tiễn

Tình trạng trên khiến cả người được tuyển dụng và doanh nghiệp đều phải tốn thêm thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo lại...

Cùng với công cuộc chuyển đổi số, nhu cầu nhân lực chất lượng cho ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như logistics, digital marketing đang tăng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo các ngành này tại trường đại học còn hạn chế, đặc biệt là thiếu gắn kết với thực tiễn...

Đây là điều được các chuyên gia khẳng định tại Hội thảo "Đào tạo thương mại điện tử 2022 - Những bước tiến nổi bật" do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 7/9.

Thương mại điện tử bùng nổ cùng "cơn khát" nhân lực chất lượng cao

Theo Sách trắng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam của Cục TMĐT và Kinh tế số, tăng trưởng quy mô TMĐT của Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây liên tục ở mức cao, có những năm lên tới 25 - 30%. Hai năm diễn ra dịch bệnh, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại do quy mô thị trường đã lớn, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% năm 2020 và 16% năm 2021.

Khảo sát về TMĐT hàng năm của cơ quan này cũng cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang ngày một tăng cao khi tới 74,8% người dùng internet cho biết đã tham gia mua sắm trực tuyến.

Theo Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh, đây cũng chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, kéo theo nhu cầu về nhân lực TMĐT tăng mạnh. Khảo sát cho thấy, có đến 64% doanh nghiệp cho biết sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và TMĐT.

Tại hội thảo, một lần nữa Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định, cùng với sự phát triển thần tốc của TMĐT trong những năm gần đây, sự thiếu hụt về nhân lực đã qua đào tạo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, lại có một nghịch lý là chất lượng đào tạo của ngành đang không thể theo kịp tăng trưởng về quy mô các trường đào tạo và tốc độ mở ngành.

Đơn cử, báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2022 do VECOM công bố cách đây ít ngày cho thấy, hiện Việt Nam đang có tới trên 110 trường đại học giảng dạy về thương mại điện tử (TMĐT) từ mức học phần tới ngành đào tạo chuyên biệt. Trong đó, có 36 trường đào tạo về ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo ở mức học phần...

Lệch pha đào tạo nhân lực ngành thương mại điện tử với nhu cầu thực tiễn - Ảnh 1.

Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh tại hội thảo. Ảnh: Văn Cao

Về vấn đề này, bà Lại Việt Anh cho biết, trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Công Thương, phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển của ngành.

Trong đó, Bộ này đặt ra 2 mục tiêu gồm 50% cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT; có 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên… được đào tạo kỹ năng ứng dụng TMĐT.

Bản thân cơ quan chuyên trách của Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, để đáp ứng được mục tiêu này, việc đào tạo TMĐT của Việt Nam vẫn còn những thiếu sót cần cải thiện. Trong đó, gút mắc chính là vừa gia tăng số lượng trường đào tạo nhưng cũng phải nâng cao chất lượng dạy học. Bởi nhu cầu thị trường đang lớn, nhưng khả năng đào tạo nhân lực vẫn còn hạn chế.

Bà Việt Anh thông tin, hiện nay mới chỉ có khoảng 30% nhân lực trong ngành TMĐT được trải qua đào tạo chính quy. Còn có tới 55% đến từ các ngành đào tạo liên quan như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin và 15% đến từ các ngành nghề khác.

Vì vậy, có thể khẳng định dư địa cho đào tạo đại học chính quy của ngành TMĐT vẫn còn rất lớn.

Lệch pha đào tạo nhân lực ngành thương mại điện tử với nhu cầu thực tiễn - Ảnh 2.

Các diễn giả tham dự Hội thảo "Đào tạo thương mại điện tử 2022 - Những bước tiến nổi bật".

Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp và nhà trường

Theo các chuyên gia, có một thực tế khá lạ là dù đã trải qua 10 năm phát triển kể từ khi mã ngành TMĐT lần đầu tiên được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy tại hai trường đại học của Việt Nam nhưng hiện ngành này vẫn được coi là tương đối mới.

Lý do là sau 10 năm phát triển nhưng ngành vẫn đang trong tình trạng thiếu thốn về giảng viên, chương trình đào tạo, học liệu - tài liệu; hay sự hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp...

Trong các vấn đề trên, ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM đặc biệt nhấn mạnh việc trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các trường đại học với nhau và giữa trường với doanh nghiệp.

Theo đó, một mặt, các trường đại học đi trước có thể chia sẻ lại các chương trình đào tạo, học liệu, trao đổi, đào tạo giảng viên cho các trường tiếp cận sau. Bên cạnh đó, các trường này cũng có thể tham khảo các hướng tiếp cận mới mẻ, riêng biệt của các trường phát triển sau để từ đó bổ sung, cải thiện thêm cho chương trình đào tạo của mình.

Kế đến, về vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và trường đại học. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đã được nhiều chuyên gia nhấn mạnh vì “học” phải đi đôi với “hành” mới gia tăng được hiệu quả.

Lệch pha đào tạo nhân lực ngành thương mại điện tử với nhu cầu thực tiễn - Ảnh 3.

Trưởng ban hợp tác của VECOM Đoàn Quốc Tâm trình bày tham luận tại hội thảo.

Tại sự kiện, Ths. Tạ Trần Phương Nhung, giảng viên ngành TMĐT của Đại học Đông Đô - đồng thời là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng TMĐT cho biết, bà cảm thấy tiếc khi sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT, đi làm đúng ngành lại bỡ ngỡ với công việc thực tế.

Thực trạng đáng buồn đó khiến cho cả sinh viên và nhà tuyển dụng đều phải tốn thêm thời gian, công sức và tiền bạc để đào tạo, làm quen lại với công việc từ đầu...

Vì vậy, bà Nhung nhấn mạnh việc cần có thêm thời gian cho sinh viên thực hành, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Mặt khác, cũng theo bà Nhung, ngành TMĐT vốn có quy mô rất rộng, có sự ứng dụng khác nhau giữa các công ty vì mỗi công ty sẽ có một định hướng riêng nên sẽ nguồn nhân lực cũng cần được đào tạo theo hướng đa dạng.

Do đó, giảng viên này kiến nghị giải pháp chia nhỏ các chuyên ngành học trong TMĐT theo hướng ứng dụng, tập trung đào tạo và kết nối với doanh nghiệp theo một chuyên ngành, mục tiêu nhất định. Từ đó để gia tăng sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và nhà trường; hướng tới cách tiếp cận gần nhất thực tế công việc sau này cho sinh viên.

Theo Tuấn Việt

BizLive

Trở lên trên