MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ngờ: Người trên 40 tuổi tin vào mạng xã hội, TikTok hơn nhiều so với giới trẻ

26-04-2024 - 18:52 PM | Kinh tế số

Nhóm khách hàng trên 40 tuổi lại là những người có xu hướng khá tin tưởng vào các thông tin mạng xã hội, trong khi thế hệ trẻ, những người dưới 30 tuổi thì lại tin cậy hơn vào kênh báo chí, website.

Bất ngờ: Người trên 40 tuổi tin vào mạng xã hội, TikTok hơn nhiều so với giới trẻ- Ảnh 1.

Thông tin này đã được ông Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường tại Mibrand Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Xây dựng thương hiệu ngành ngân hàng – các yếu tố để trở nên vượt trội" sáng ngày 26/4.

Cụ thể, trong bài trình bày về "The Data Shows – Kết quả Brand Beat Score ngành ngân hàng năm 2023 & các giải pháp tăng trưởng thương hiệu", chia sẻ về các kênh truyền thông cho ngân hàng, ông Đỗ Ngọc Sơn đã nhấn mạnh việc các tổ chức cần theo dõi sự thay đổi về tầm quan trọng giữa các kênh truyền thông, và cần phân bổ nguồn lực cho các kênh truyền thông một cách phù hợp. 

Một thông tin khá bất ngờ được chuyên gia này chỉ ra, là nhóm khách hàng trên 40 tuổi lại là những người có xu hướng khá tin tưởng vào các thông tin mạng xã hội, trong khi thế hệ trẻ, những người dưới 30 tuổi thì lại tin cậy hơn vào kênh báo chí, website. Như vậy, các ngân hàng cũng cần có sự thấu hiểu từng nhóm khách hàng để có thể đầu tư vào các kênh truyền thông một cách linh hoạt.

Bất ngờ: Người trên 40 tuổi tin vào mạng xã hội, TikTok hơn nhiều so với giới trẻ- Ảnh 2.

Phó giám đốc Đỗ Ngọc Sơn cũng chia sẻ về một hiện tượng mới đã xuất hiện ở một số ngân hàng, chính là Marketing – Bán hàng qua mạng xã hội hay trên các sàn TMĐT. Ông Sơn cho rằng, mạng xã hội và TMĐT, là nền tảng tiếp cận khách hàng cực kỳ hiệu quả, dù chưa được ứng dụng quá phổ biến ở các ngân hàng. 

Theo ông Sơn, có tới gần 40% người dùng sử dụng Internet từ 3-5 tiếng mỗi ngày, và 50% thời gian đang được dùng để mua sắm. Đáng chú ý, lượng truy cập các sàn TMĐT tăng cao sau 12 giờ đêm. Với những thông tin như vậy, rất có thể, TMĐT cũng có thể là một cơ hội để tiếp cận khách hàng và truyền thông cho các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện lần này, Top 30 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Mibrand Việt Nam trao chứng nhận chính thức về sức khỏe thương hiệu, thứ hạng và ghi nhận các thành tựu của các thương hiệu trong bảng xếp hạng. Sau khi thu thập kết quả từ các bộ chỉ số công cụ và dựa trên kết quả nghiên cứu một cách kỹ lưỡng của các chuyên gia uy tín hàng đầu.

Danh sách Bảng xếp hạng Top 30 thương hiệu ngân hàng cho thấy: TOP 30 thương hiệu ngân hàng (ngoài quốc doanh) năm 2023 không chứng kiến quá nhiều sự thay đổi. Techcombank, MBBAnk và TPBank vẫn là ba ngân hàng dẫn đầu. ACB, Sacombank và VPBank vẫn giữ vững các vị trí tiếp theo bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong năm 2023 đầy biến động. OCB, HDBank cũng giữ được đà tăng trưởng khi đều tăng 1 hạng trong bảng xếp hạng này.

photo-1714132333153

Vietcombank có chỉ số nhận biết thương hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 với loạt chiến dịch kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Techcombank, BIDV, ACB cũng có tăng trưởng tốt trong chỉ số này. 

Bất ngờ: Người trên 40 tuổi tin vào mạng xã hội, TikTok hơn nhiều so với giới trẻ- Ảnh 4.


Tỷ lệ khách hàng sử dụng ngân hàng năm 2023 cũng chứng kiến sự thay đổi mạnh khi các ngân hàng quốc doanh đang có tỷ lệ người sử dụng tương đối cao, với Vietcombank đứng vị trí số 1. Các sản phẩm cơ bản như Tài khoản cá nhân, Mobile Banking và Thẻ ghi nợ vẫn là nhóm sản phẩm được sử dụng nhiều nhất, tuy nhiên nhóm sản phẩm gửi tiết kiệm là nhóm sản phẩm phát triển vượt bậc trong năm 2023 (với mức tăng trưởng khoảng 90%).

Năm 2023 cũng là năm chứng kiến sự nhạy cảm của người tiêu dùng cuối tăng mạnh đối với các sản phẩm và dịch vụ thuộc ngành ngân hàng. Sacombank nổi lên là một ngân hàng nổi bật với mức độ trung thành của khách hàng rất tốt, với hình ảnh về một thương hàng với dịch vụ là mũi tên đi đầu, hấp dẫn khách hàng ở lại trong bối cảnh sản phẩm/dịch vụ dành cho đại chúng không có quá nhiều chênh lệch giữa các ngân hàng.

Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc điều hành Công ty CP Mibrand Việt Nam chia sẻ: "Những giải thưởng trên không chỉ là sự ghi nhận đối với các thương hiệu ngân hàng mà còn giúp các thương hiệu nhận thức được vai trò của sức mạnh thương hiệu trong sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời cũng đặt ra những mục tiêu thách thức hơn trong việc đem đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất ghi dấu ấn với khách hàng."

Mibrand đo lường sức khỏe thương hiệu ngân hàng bằng cách sử dụng bộ công cụ Brand Beat Score với 7 chỉ số đánh giá thông qua khảo sát online diện rộng hơn 2.000 người tiêu dùng từ 18 tuổi trở lên trên khắp cả nước một cách độc lập, không có sự can thiệp của bất kỳ một bên nào khác bao gồm khảo sát cán bộ nhân viên và góc nhìn chuyên môn của những chuyên gia đầu ngành có uy tín. Báo cáo đo lường sức khoẻ thương hiệu cung cấp những phân tích đầy đủ và chi tiết toàn bộ các khía cạnh khác nhau của hoạt động truyền thông & xây dựng thương hiệu qua góc nhìn của khách hàng từ khi tiếp xúc với thương hiệu đến khi sử dụng và trung thành với thương hiệu đó.


 

Hà Vân

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên