MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Leflair bị tố ôm nợ 2 triệu USD của 500 nhà cung cấp Việt: Founder đưa ra 2 hướng giải quyết hoặc tìm nhà đầu tư mới và trả tiền, hoặc tuyên bố phá sản

04-03-2020 - 21:32 PM | Doanh nghiệp

Sau hơn 1 tháng startup hàng hiệu giá rẻ leflair thông báo sẽ đóng cửa trang thương mại điện tử tại Việt Nam, 500 nhà cung cấp Việt tố đơn vị này ôm nợ hàng chục tỷ đồng.

Vào đầu tháng 2 vừa qua, startup thương mại điện tử thời trang hàng hiệu leflair bất ngờ thông báo đến nhà cung cấp cũng như khách hàng về việc sẽ đóng cửa trang thương mại điện tử tại Việt Nam sau 4 năm hoạt động.

Trong thư gửi các đối tác cung cấp, lãnh đạo lefair cho biết đã quyết định "tạm dừng hoạt động kinh doanh lefair tại thị trường Việt Nam". Lý do cho quyết định nói trên là vì lefair vừa chịu "áp lực nguồn vốn" vừa chịu "áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận" ngày càng lớn, trong bối cảnh xây dựng đầu tư vào thương mại điện tử đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Thông tin từ VTV mới đây cho biết thêm leflair hiện chưa thanh toán những khoản nợ từ tháng 12/2019 cho các nhà cung cấp mặc dù đã được xác nhận từ cả bên. Startup này cũng chưa đưa ra thông báo nào về thời hạn trả nợ.

 "Tính tới thời điểm hiện tại leflair đã tất cả các công nợ của công ty TNL khoảng gần 1 tỷ đồng. leflair đã không đưa ra bất kỳ một quy trình trả nợ. Thậm chí chúng tôi chỉ chờ đợi 1 lời hứa leflair sẽ trả nợ bao nhiêu phần trăm cho chúng tôi, vào ngày nào, hay như thế nào. Hoặc họp lại để có một lời tuyên bố rõ ràng", một nhà cung cấp trả lời phỏng vấn VTV.

Một nhà cung cấp khác cho biết khi chị lên văn phòng leflair có gặp nhiều nhà cung cấp rơi vào tình cảnh tương tự. Tại văn phòng leflair, nhà sáng lập Pierre-Antoine Brun có nói chuyện với các nhà cung cấp và đưa ra 2 hướng giải quyết: Một là chờ ông tìm nhà đầu tư rồi sau đó sẽ trả lại cho mọi người hoặc ông sẽ làm các thủ tục để tuyên bố phá sản.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn VTV đại diện leflair cho biết đúng là công ty chưa thanh toán công nợ cho khoảng 500 nhà cung cấp, tổng số tiền nợ khoảng 30 tỷ đồng nhưng chỉ nợ tiền hàng tháng cuối cùng trước khi dừng cung cấp. Và số nợ đối với nhà cung cấp từ dưới 200 triệu đồng là chủ yếu.

Nguồn tin từ Tuổi trẻ cho biết thêm ngoài bị tố nợ tiền hàng của nhà cung cấp, tiền lương nhân viên, leflair còn giữ tiền của khách hàng khi họ đặt mua hàng trên trang web này và thanh toán xong nhưng chưa nhận được hàng.

Trao đổi về vấn đề này luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng phía leflair phải thanh toán công nợ bởi giữa hợp đồng hai bên thì sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc bán hàng thì phải tiến hành thanh toán, nếu trễ hẹn sẽ chịu mức phạt là 50.000 đồng/ngày.

Leflair bị tố ôm nợ 2 triệu USD của 500 nhà cung cấp Việt: Founder đưa ra 2 hướng giải quyết hoặc tìm nhà đầu tư mới và trả tiền, hoặc tuyên bố phá sản - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình.

"Căn cứ vào điều 337 Bộ luật Dân sự năm 2015 họ có trách nhiệm phải trả phần trăm nghĩa vụ trả tiền. Ngoài số tiền thanh toán của công ty leflair họ phải trả lãi chậm trong thời gian chậm trả. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận lãi suất thì trong hợp đồng có nói rất rõ công ty leflair thanh toán trễ sẽ bị phạt 50.000 đồng cho mỗi ngày trễ hẹn thanh toán và thỏa thuận này phù hợp với quy định của pháp luật", ông Hậu chia sẻ.

Thông tin mới nhất từ leflair vào ngày 10/3 tới đây leflair sẽ tổ chức một buổi đối thoại với nhà cung cấp để giải quyết vấn đề liên quan và lên kế hoạch thanh toán cho các nhà cung cấp.

Leflair là trang TMĐT chuyên bán hàng hiệu giảm giá ra đời năm 2015 tại Việt Nam, sáng lập bởi 2 doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun.

Là dự án triển khai theo mô hình flash-sales đã khá thành công tại châu Âu và Trung Quốc, Leflair thường mang đến cho khách hàng các ưu đãi giảm giá lên tới 70% trong một khoảng thời gian có hạn. Đây được đánh giá là chiến lược khá thông minh của startup này bởi lẽ nó dường như khác biệt và có phần ngược lại với cách các đơn vị khác trên thị trường đang làm.

Theo số liệu mà Leflair công bố, công ty có hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hơn 8 con số USD (hàng chục triệu USD), duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường TMĐT Việt Nam.

Năm 2018, Leflair gây chú ý khi nhận được khoản đầu tư lên tới 3 triệu USD từ Capital Management Group, gấp 3 lần khoản đầu tư pre-series A mà công ty công bố vào tháng 12/2016.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ/VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên