Lego không chỉ rót hơn 1 tỷ USD làm nhà máy đồ chơi mà còn đầu tư thêm trang trại điện mặt trời để phục vụ sản xuất
Tập đoàn Lego tiến hành triển khai Dự án trang trại sản xuất điện mặt trời công suất 50 MW để phục vụ cho hoạt động sản xuất của Nhà máy đồ chơi hơn 1 tỷ USD được khởi công vào tháng 11/2022.
- 14-05-2022Hạn chế lớn nhất tác động tiêu cực của giá xăng dầu đến nền kinh tế
- 14-05-20225 tác động lớn đến kinh tế Việt Nam khi FED thắt chặt tiền tệ
- 14-05-2022Vốn cho 3 dự án đường cao tốc quan trọng: 'Đếm cua trong lỗ'!
Mới đây, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã quyết định hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy đồ chơi mới tại Việt Nam. Nhà máy mới của LEGO rộng 44 ha tại Bình Dương được dự kiến khởi công vào tháng 11/2022 và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.
Nhà máy đồ chơi tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ USD, là nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ 2 ở châu Á. Nhà máy được xây dựng với kỳ vọng sẽ giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực.
Dự án 1 tỷ USD của Lego còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư thế hệ mới, xu hướng của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Điều này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Bình Dương.
Cùng với đó, nhà máy mà Tập đoàn Lego xây dựng tại Bình Dương sẽ là nhà máy bền vững nhất của Lego trên thế giới về mặt thiết kế và xây dựng với trang thiết bị hiện đại. Nhà máy này sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo điện mặt trời.
Do đó, đại diện Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã có buổi làm việc với đại diện các cơ quan của Bộ Công thương về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất của Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em đặt tại Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương.
Đồng thời, đại diện Tập đoàn Lego cũng đã báo cáo sơ bộ dự án trang trại sản xuất điện mặt trời công suất 50 MW, dự kiến sẽ được triển khai ngay cạnh nhà máy để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương hoan nghênh việc nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego được thể hiện thông qua hệ thống năng lượng mặt trời sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hàng năm của nhà máy.
Trên thực tế, Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng năng lượng mặt trời được đánh giá rất tốt. Tại Bình Dương, số giờ nắng trung bình trong năm trên địa bàn tỉnh từ 2.200 - 2.800 giờ, với lượng bức xạ mặt trời trung bình năm vào khoảng 4,5 kWh/m2/ngày.
Do đó, Bình Dương được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời rất tốt tại khu vực phía Nam và cả nước nói chung. Chính vì vậy, việc Tập đoàn Lego xây dựng nhà máy điện mặt trời tại Bình Dương sẽ tận dụng được lợi thế này.
Để thu hút nhà đầu tư vào năng lượng mặt trời, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã đề xuất với Chính phủ để tiếp tục có những cơ chế về giá, từ đó hấp dẫn, khuyến khích các danh nghiệp tham gia vào các dự án điện mặt trời tại tỉnh.
Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển điện mặt trời, Bình Dương và cơ quan chức năng tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách, tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi tuyên truyền về điện mặt trời, hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện, cơ chế mua bán điện tạo ra từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.